Dưới mác xe du lịch lữ hành, thời gian qua nhiều hãng xe khách chạy tuyến TPHCM đi miền Tây, miền Trung, Tây Nguyên… hoạt động không bến bãi, ngang nhiên vào ra nội thành đón trả khách. Kiểu làm ăn chui này làm nhà nước thất thu thuế hàng chục tỷ đồng mỗi năm, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh trong giới doanh nghiệp vận tải (DNVT), ảnh hưởng đến trật tự giao thông.
Nhan nhản bến cóc
Xe khách được cấp phép hoạt động dịch vụ du lịch lữ hành sẽ được phép đón trả khách trong nội thành thành phố. Núp dưới mác này, nhiều DNVT đưa xe khách không phép của hãng vào trung tâm thành phố lập bến cóc đón trả khách, chở hàng hóa đi các tỉnh giống như tuyến cố định ở bến xe.
Trên các tuyến đường Nguyễn Thái Bình, Đề Thám, Phạm Ngũ Lão (quận 1), mỗi ngày có hàng chục xe khách của các hãng H.Mai, M.Thắng, H.Anh, K.Hoàng, H.Th.Anh, P.Trang… ngang nhiên đậu xe hàng hai đón khách, chở hàng hóa đi các tỉnh Khánh Hòa, Bà Rịa- Vũng Tàu, Đà Lạt. Còn ở quận 5, lợi dụng đường Trần Phú (đoạn từ nút giao đường Nguyễn Duy Dương đến vòng xoay An Đông) cho phép đậu xe thu phí, nhiều năm qua, các hãng xe khách T.Thủy, T.Tú… công khai biến khu vực này thành nơi tập trung đón trả khách, chở hàng đi Trà Vinh, An Giang.
Tương tự, hoạt động vận tải chui xuất hiện nhiều ở khu vực chợ Tân Hương (quận Tân Phú), đường Trần Nhân Tôn (từ nút giao Trần Phú đến Hùng Vương, quận 5), đường An Dương Vương (trước ĐH Sư phạm TPHCM), đường Phó Cơ Điều (quận 5)…
Kiểu hoạt động vận tải không phép, hoạt động giữa đường, giữa chợ không chỉ gây ùn tắc giao thông trong nội thành, mà còn tạo sự cạnh tranh không công bằng trong giới DNVT. Bức xúc về điều này, trong cuộc họp báo gần đây, đại diện lãnh đạo Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (SAMCO) nói: “Việc một số DNVT lập bến cóc, đón khách chui trong nội thành là không thể chấp nhận. Điều này không chỉ sai quy định về vận tải hành khách theo tuyến cố định mà còn gây thiệt hại rất lớn cho các DNVT làm ăn chân chính ở bến xe. Bởi, mỗi ngày họ bị các DNVT hoạt động trá hình “cướp” đi cả ngàn lượt khách”.
Trong khi đó, nhiều hãng xe hoạt động trá hình lý giải: “Biết lập bến cóc đón khách, chở hàng trong nội thành là sai quy định nhưng không làm vậy sẽ không cạnh tranh được với các DNVT lớn. Hầu hết xe của các DNVT lớn được bến xe sắp xếp ưu tiên cho xuất bến vào “giờ vàng”, đông khách. Còn xe của các DNVT nhỏ hay xe tư nhân phải chịu xuất bến vào giờ thấp điểm, dù chưa đủ khách xe vẫn phải chạy”.
Cần phối hợp đồng bộ
Theo ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh Thanh tra giao thông (Sở GTVT TP), tình trạng nhiều DNVT sử dụng xe khách núp bóng xe du lịch lữ hành để bắt trả khách ở nội thành xuất hiện từ khi Luật Du lịch ra đời. Để ngăn chặn, thời gian qua, Thanh tra giao thông thành phố đã tăng cường lực lượng cho các đội phụ trách địa bàn nội thành liên tục tuần tra, xử phạt vi phạm trên các tuyến đường, khu vực thường diễn ra cảnh đón khách, chở hàng sai quy định.
Từ đầu năm 2011 đến nay, đã xử phạt 575 trường hợp vi phạm, phạt gần 600 triệu đồng. Tuy nhiên, theo chức năng, thanh tra giao thông chỉ xử phạt được các lỗi dừng đậu ở nơi có biển cấm. Để ngăn chặn triệt để việc dừng, đậu đón khách sai quy định cần có sự phối hợp đồng bộ của lực lượng CSGT các quận, công an và thanh tra xây dựng phường, xử phạt các lỗi vi phạm kèm theo: Đậu xe gây cản trở giao thông, gây mất trật tự… Ngoài biện pháp tuần tra xử phạt, sắp tới thanh tra đề xuất Sở GTVT chỉ cho phép đậu xe khách 16 chỗ trở xuống tại các điểm cho phép đậu xe thu phí, nhằm hạn chế xe khách vào nội thành đón khách.
Về phía các bến xe, ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe miền Đông, khẳng định không có chuyện bến xe ưu ái cho bất cứ một DNVT lớn nhỏ nào về giờ giấc xuất bến cũng như các hoạt động khác. Giờ xuất bến, vào bến của các xe đăng ký hoạt động trong bến được thực hiện theo lịch bốc thăm, được công khai cụ thể. Nói bến xe không minh bạch trong bố trí giờ xuất bến là cách biện hộ của các DNVT làm ăn chui, đón khách trong nội thành.
Hiện nay, ước tính mỗi ngày bến xe bị mất khoảng 10.000 lượt khách rơi vào xe của các DNVT chui này. Căn cứ vào mức thuế khấu trừ hiện nay (10%/giá trị vé) thì mỗi năm nhà nước bị thất thu khoảng 10 tỷ đồng đối với khoản thuế này. Nhận thấy kiểu hoạt động vận tải chui ở nội thành ngày càng nhiều, lãnh đạo bến xe đã có văn bản gửi Sở GTVT TP và các cơ quan chức năng liên quan.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy có những biện pháp quyết liệt. Tình trạng này kéo dài không chỉ làm Nhà nước thất thu hàng tỷ đồng tiền thuế mà vào các đợt cao điểm lễ tết TP sẽ đối diện với nạn kẹt xe nghiêm trọng, bởi lượng xe khách đón khách chui trong nội thành ngày càng tăng.
Tuấn Vũ