Ngày mai 2-12

Khởi công công trình thủy điện Sơn La

Khởi công công trình thủy điện Sơn La
Khởi công công trình thủy điện Sơn La ảnh 1
Lòng hồ Sơn La, nơi công trình thủy điện sắp được xây dựng

Tổng Công ty Điện lực Việt Nam( EVN) cho biết, ngày mai 2-12-2005, tại thung lũng Ong Ít, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, công trình thuỷ điện lớn nhất khu vực Đông Nam Á và có công suất và điện lượng gấp 1,25 lần Thuỷ điện Hoà Bình, sẽ được khởi công xây dựng.

  • "Công trình của thế kỷ XXI"

Nếu như Thuỷ điện Hoà Bình từng được mệnh danh là "công trình của thế kỷ XX", thì có thể gọi Thuỷ điện Sơn La là "công trình của thế kỷ XXI".

Ngoài vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp điện năng, Thuỷ điện Sơn La còn có vai trò giảm lũ trong mùa mưa, tăng lượng nước trong mùa khô cho Đồng bằng sông Hồng và an ninh quốc phòng. Quyết định đầu tư xây dựng Thuỷ điện Sơn La đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 15-1-2004.

Theo đó diện tích lưu vực thuỷ điện chiếm 43.760km, dung tích toàn bộ hồ chứa là 9,26 tỷ m3, dung tích phòng lũ kết hợp với Thuỷ điện Hoà Bình là 7 tỷ m3, mực nước dâng bình thường 215m, công suất lắp máy 2.400MW với 6 tổ máy (công suất của Thuỷ điện Hoà Bình là 1.920 MW), điện lượng bình quân hàng năm 10,227 tỷ kwh (kể cả tăng cho Thuỷ điện hoà Bình 1,264 tỷ kwh), diện tích chiếm đất vùng hồ và khu mặt bằng công trình 244,98km2. Để so sánh, Thuỷ điện Hoà Bình hiện cung cấp trên 8 tỷ kwh hàng năm, là nhà máy thuỷ điện lớn nhất Đông Nam Á và là 1 trong 10 nhà máy thuỷ điện lớn nhất thế giới.

Việc xây dựng công trình này cũng thể hiện sự lớn mạnh của đội ngũ kỹ thuật Việt Nam. Các hạng mục của công trình Thuỷ điện Sơn La, như: đập chính, đập tràn kết cấu bê tông trọng lực, tuyến năng lượng gồm cửa lấy nước, đường dẫn nước áp lực, nhà máy thuỷ điện sau đập lắp đặt 1 tổ máy, đường dây 220KV và 500KV đấu nối với hệ thống điện quốc gia, cơ sở phụ trợ, công cộng dân dụng phục vụ xây dựng công trình... đều do những người thợ Việt Nam đảm nhận xây dựng với kỹ thuật tiến tiến nhất.

Phần thiết kế cũng có sự tham gia của phía Việt Nam: Công ty Tư vẫn thiết kế Xây dựng điện 1 (EVN) liên danh với Viện thiết kế thuỷ công Moscow (Nga) và Tư vấn Colenco (Thuỵ Sỹ).

Các công trình đầu mối gồm: đập chính, đập tràn kết cấu bê tông trọng lực. Tổng mức vốn đầu tư 36.933 tỷ VN, trong đó vốn cho xây dựng công trình do Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư là 25.624,85 tỷ đồng, vốn cho dự án tái định cư là 10.294,915 tỷ đồng, vốn cho dự án các công trình giao thông 1.013,24 tỷ đồng. Tổ máy đầu tiên sẽ hoạt động vào năm 2010 và hoàn thành toàn bộ vào cuối năm 2012.

  • Hoàn thành cơ bản việc chuẩn bị

Để sẵn sàng cho lễ khởi công, ngay từ năm 2003 dự án đã được triển khai thi công hệ thống đường giao thông ngoài công trường phục vụ cho thi công công trình.

Theo Ban Quản lý Dự án Nhà máy Thuỷ điện Sơn La, đến nay đã cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng 35km đường giao thông trong công trường, 90km đường giao thông ngoài công trường, 2 cầu dầm thép qua sông Đà, tiếp tục thi công 1 cầu vĩnh cửu hết quý I-2006 sẽ xong. Hệ thống giao thông đến nay cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu vận chuyển vật tư, thiết bị cho thi công và phát triển hạ tầng cơ sở của địa phương.

Hệ thống cấp điện nước, các công trình phụ trợ như nhà ở cho công nhân, các công trình công cộng như bệnh  viện trường học đều sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2005.

Các nhà thầu cũng đã triển khai đào kênh dẫn dòng thi công và hố móng cống dẫn dòng. Từ tháng 3-2004 đến nay đã đào được 4,2/4,2 triệu m3 đất đá, tính đến ngày 14-11-2005 đã đổ được 189.065/205.496m3 kế hoạch năm 2005 bê tông kênh và cỗng dẫn dòng, gia công chế tạo và lắp đặt xong 1.460 tấn thiết bị cống dẫn dòng.

Bên cạnh đó là dỡ đê quai giai đoạn I được 192.000/342.400m3, trữ vật liệu để đắp đê quai giai đoạn II 177.048/250.000m3 đất đá, đắp đê quai giai đoạn II (phần đê quai thượng lưu và hạ lưu) tổng cộng 169.000/410.000m3. Hiện các nhà thầu đang tập kết xe máy, thiết bị, nhân lực để thi công đường công vụ và chuẩn bị đào hố móng công trình chính.

Theo UBND tỉnh Sơn La, hồ chứa Thuỷ điện Sơn La sẽ ảnh hưởng đến 8 huyện, thị xã thuộc 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu trong đó phải di chuyển 248 bản với 18.897 hộ dân. Trên mặt bằng công trường đã di chuyển hết các hộ dân đến các điểm tái định cư (483 hộ). Công tác di dân trên mặt bằng công trường đã hoàn thành từ năm 2003. Đến ngày 14-11-2005 tỉnh Sơn La đã di chuyển được 834/2.345 hộ theo kế hoạch. Trong số 834 hộ đã di chuyển, có 401/455 hộ nằm ở cao trình dưới 140m cần di chuyển.

Sau gần 2 năm làm công tác chuẩn bị, đến nay công trình Thuỷ điện Sơn La đã có đầy đủ các điều kiện để khởi công, ngăn sông.

  • Kỳ vọng cho vùng Tây Bắc

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng,  Thuỷ điện Sơn La khởi công sẽ có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Bắc. Vùng lòng hồ là vùng có địa hình thấp, dân sống chủ yếu là nông nghiệp, tự cấp, tự túc, cuộc sống có nhiều khó khăn. Thu nhập bình quân 1,5 triệu đồng/hộ/năm, 50% số xã thuộc diện các xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ đói nghèo chiếm 30%. Hồ chứa nước của công trình làm ảnh hưởng đến 8 huyện thị xã với 18.987 hộ dân trong dó số dân tộc thiểu số chiếm 95,3%, tổng giá trị thiệt hại khoảng 1.789 tỷ đồng.

Khi thuỷ điện hoàn thành thì tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm GDP của vùng Tây Bắc giai đoạn 2011-2020 là 9%/năm. GDP bình quân đầu người năm 2010 gấp 2,8 lần và năm 2020 gấp 6,6 lần năm 2000. Tỷ trọng ngành công nghiệp và xây dựng tăng từ 15,2% năm 2000 lên 30% năm 2010 và 36% năm 2020. Tỷ trọng ngành dịch vụ tăng từ 33,2% năm 2000 lên 45% năm 2010 và 48% năm 2020.

Hệ thống hạ tầng cho các điểm tái định cư đều đảm bảo 100% có đường ôtô liên vùng và 100% số hộ dân tái định cư được dùng điện sinh hoạt, sử dụng nước sạch, trạm xá và trường học kiên cố. Ngoài ra khi dự án hoàn thành sẽ tạo 1 hệ thống giao thông thuỷ dọc các tỉnh Tây Bắc thông qua hồ chứa Thuỷ điện Hoà Bình và hồ chứa Thuỷ điện Sơn La, tạo điều kiện phát triển, nuôi trồng thuỷ sản, cải tạo khí hậu vùng.

 (Theo VNN)

Tin cùng chuyên mục