Dân khốn đốn vì dự án
Xã Bình Hưng nằm hai bên giao lộ đường Nguyễn Văn Linh và quốc lộ 50, thuộc vùng lõi của khu đô thị Nam Sài Gòn. Năm 1992, khi công bố thành lập khu đô thị Nam Sài Gòn, người dân ở xã Bình Hưng được thông báo toàn bộ nhà, đất nằm trong khu quy hoạch. Bà con chuẩn bị để di dời, nhà cửa sẽ bị thu hồi nên không được xây dựng mới, hạn chế sửa chữa, sang nhượng.
Tại khu vực ấp 1A tổ 52, đến năm 2004, UBND TPHCM có Quyết định 572 thu hồi đất để giao cho doanh nghiệp làm khu đô thị Thăng Long (do Công ty Xây dựng hạ tầng số 9 làm chủ đầu tư), người dân rơi vào cảnh sống chung với dự án treo. Từ ngày có quyết định thu hồi đất, người dân không thấy mặt nhà đầu tư. Đến nay người dân vẫn chưa nhận được thông báo đo đạc, kiểm kê tài sản để thực hiện đền bù. Hạ tầng đường sá không được đầu tư, nhà cửa bị hư hỏng, mục nát. Những vườn cây, ruộng rau biến thành đồng cỏ dại, cao quá đầu người.
Bà Nguyễn Hồng Dũng (ngụ số A3/19 ấp 1A, tổ 52) - một hộ dân nằm trong dự án khu đô thị Thăng Long, cho biết do đất vườn không thể canh tác, trồng trọt nên người dân phải chuyển nghề, làm thuê kiếm sống. Kiếm cái ăn đã khó, lo chỗ ở càng khó hơn. Nhà cửa của người dân bị xuống cấp, hư hỏng nặng nhưng không được cấp giấy phép xây dựng lại.
Nhiều người dân ở đường C3, C4 Phạm Hùng (ấp 4, xã Bình Hưng) gửi đơn đến Báo SGGP, trình bày: khu vực dân cư rộng lớn trong ấp đã bị treo hơn 20 năm. Toàn bộ nhà cửa mục nát, còn ruộng trồng lúa bỏ hoang lâu ngày đã biến thành ao tù, nước đọng. Tuy đã có chủ trương cho người dân xây dựng nhà có quy mô 3 tầng, nhưng chính quyền địa phương lại không triển khai cho dân thực hiện. Hàng ngày, từng tốp cán bộ trật tự đô thị, thanh tra xây dựng tỏa vào các khu dân cư để kiểm tra, xử lý những gia đình tự ý sửa chữa nhà cửa. Có không ít gia đình bị dỡ mái tôn nhiều lần vì mái dột, thay mới mà chưa kịp xin phép. Cuộc sống người dân trong khu quy hoạch treo chịu quá nhiều khó khăn, kéo dài hàng chục năm nay và không biết còn kéo dài bao lâu nữa.
Doanh nghiệp chiếm đất xí phần
Trên địa bàn xã Bình Hưng, nhiều dự án đã được giao đất hàng chục năm trước nhưng đến nay vẫn chưa triển khai, hoặc làm dở dang: Dự án khu đô thị Thăng Long; dự án khu dân cư Intresco số 6A của Công ty cổ phần Đầu tư - Kinh doanh nhà TP... Các dự án đều có quy mô lớn, diện tích đất phải thu hồi lên đến hàng chục hécta, hàng trăm gia đình bị giải tỏa. Điều dễ nhận thấy, hầu hết chủ dự án yếu năng lực, thiếu trách nhiệm, xin được giao đất chỉ để xí phần.
Để xử lý tình trạng chủ đầu tư được giao đất làm dự án nhưng không thực hiện, Luật Đất đai đã có quy định chế tài và HĐND TPHCM cũng đã ban hành nghị quyết thu hồi các dự án chậm triển khai, điều chỉnh các đồ án quy hoạch thiếu khả thi.
Chính quyền địa phương và Ban quản lý Khu Nam đã đề xuất cho phép người dân sống trong khu quy hoạch được xây dựng tạm, sửa chữa nhà cửa mỗi khi hư hỏng và điều chỉnh thu hẹp diện tích dự án, để trả lại quyền lợi cho người dân. Khu chức năng số 11 của Khu Nam sau hàng chục năm bị quy hoạch treo đã được trả lại công năng khu dân cư hiện hữu. Tuy nhiên, số diện tích được điều chỉnh, xóa treo lại quá nhỏ so với thực tế cũng như nhu cầu của người dân. Các doanh nghiệp, chủ đầu tư không thực hiện dự án vẫn không bị thu hồi.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP về những vấn đề người dân bức xúc, ông Trần Minh Hà, Chủ tịch UBND xã Bình Hưng, cho biết thẩm quyền điều chỉnh, xóa quy hoạch hay thu hồi dự án là do TP quyết định. Cấp xã chỉ tổ chức, hướng dẫn người dân thực hiện mỗi khi có chủ trương, chính sách mới. Việc bà con phản ánh một số cán bộ xã lợi dụng lúc người dân đi vắng để tổ chức tháo dỡ nhà khi không có quyết định cưỡng chế, xã sẽ kiểm tra và có văn bản trả lời sau.
Đến bao giờ thì các chủ đầu tư xin đất xí phần bị thu hồi dự án, để người dân thoát khỏi cảnh dự án treo, được xây dựng lại nhà và ổn định cuộc sống? Thiết nghĩ chính quyền các cấp cần mạnh tay xử lý, bởi hành lang pháp lý, quy định pháp luật đã quá rõ và cụ thể.