Không đầu tư sao có trái ngọt?

Vừa qua, đoàn học sinh Việt Nam làm rạng danh ở các đấu trường Olympic quốc tế môn Toán - Lý - Hóa.
Cùng với niềm vui tự hào, nhiều người vẫn xen lẫn trăn trở: vì sao trong hơn 40 năm qua, nhiều học sinh Việt Nam đã giành được nhiều huy chương Olympic quốc tế về toán và khoa học, thường đứng trong tốp 10 của hơn 100 nước tham gia thậm chí có một số năm đã đứng thứ ba thế giới, nhưng vẫn còn ít nhà khoa học Việt Nam làm việc và có uy tín cao ở trong nước? Vì sao khoa học cơ bản nước nhà vẫn chưa có được uy tín tương xứng?

Câu hỏi đó xuất hiện từ nhiều năm nay chứ không phải đến bây giờ mới đặt ra. Những tài năng trẻ xuất sắc của Việt Nam sẽ được tiếp tục đào tạo các ngành gì, ở đâu, như thế nào? Rồi sau đó họ làm việc và cống hiến cho đất nước trong điều kiện, môi trường, cơ chế, chính sách ra sao? Hay hầu hết chỉ có một con đường duy nhất: ra nước ngoài học tập rồi ở lại công tác, sinh sống. Câu hỏi đó thực sự vẫn đang nhức nhối đối với ngành giáo dục, với các cơ quan quản lý nhà nước. Giải quyết câu chuyện đó liên quan mật thiết đến vấn đề nâng chất đại học Việt Nam, trong đó có việc đẩy mạnh trình độ nghiên cứu khoa học của các trường đại học. 
Chúng ta đều biết sứ mạng của các trường đại học là sản sinh ra tri thức, tiếp thu tri thức mới trên thế giới và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, qua đó chuyển giao công nghệ và tạo nguồn nhân lực khoa học cho xã hội, đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế và xây dựng đất nước nhằm theo kịp các nước phát triển. Nhưng thực tế thì sao, các trường đại học Việt Nam hiện vẫn đang còn quá nhiều thiếu thốn, khó khăn, yếu kém trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Điều này thể hiện rất rõ qua kết quả khảo sát, đánh giá hoạt động KHCN trong các cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2011 - 2016  do một nhóm nghiên cứu độc lập của PGS-TS Vũ Văn Tích - Trưởng ban KHCN của Đại học Quốc gia Hà Nội làm trưởng nhóm vừa thực hiện. Theo đó, rất ít các trường có dòng sản phẩm KHCN vượt trội, một số ít có số lượng sản phẩm ở mức trung bình. Còn lại chủ yếu là các đơn vị có rất ít các dòng sản phẩm hoặc chưa nhiều sản phẩm chuyển giao. 

Ngành giáo dục đang sở hữu một lực lượng dồi dào các nhà khoa học trình độ cao so với các ngành khác trong cả nước (chiếm hơn 50% so với cả nước), hơn hẳn nguồn nhân lực chất lượng cao tại các viện nghiên cứu. Tuy nhiên, chưa có nhiều nhà khoa học của hệ thống trường đại học ở Việt Nam đoạt giải thưởng cao ở quốc tế và chưa có nhóm nghiên cứu mạnh của hệ thống các trường đại học ở Việt Nam tham gia các chương trình nghiên cứu lớn của quốc tế.

Phần lớn trong hệ thống các tổ chức KHCN của các trường đại học hiện nay chủ yếu là các phòng thí nghiệm, chiếm 80%. Số lượng và xưởng sản xuất và công ty KHCN là không đáng kể. Việt Nam không có trường đại học nào có đầy đủ 7 loại hình tổ chức KHCN theo chuẩn của một tổ chức đại học quốc tế như Đại học Quốc gia Singapore NUS. Các loại hình trung tâm sản xuất thử nghiệm và công ty KHCN là rất ít. Đặc biệt, tài chính cho nghiên cứu KHCN ở các trường đại học còn thiếu thốn. Nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao KHCN còn rất thấp so với tổng nguồn thu của nhà trường. Trong bối cảnh đầu tư tài chính cho hoạt động KHCN trong cả nước bình quân cả giai đoạn 2011-2015 vào khoảng 1,7% ngân sách Nhà nước, tương đương 0,4% GDP (rất thấp so với các nước trong khu vực) thì tổng mức đầu tư cho KHCN của ngành giáo dục còn thấp hơn một số bộ ngành…

Dù còn nhiều bất cập như vậy, nhưng ở Việt Nam hiện nay, hoạt động đào tạo nhân lực của các trường đại học cung cấp hơn 90% nhân lực KHCN trong cả nước, 10% còn lại được đào tạo ở nước ngoài. Giai đoạn 2011-2015, tổng số sản phẩm KHCN của khối các trường đại học chiếm hơn 2/3 trong cả nước. Công bố của các nhà khoa học thuộc các trường đại học chiếm trên 50% số công bố quốc tế trong cả nước. Điểm mạnh của hoạt động KHCN ngành giáo dục là nghiên cứu trong lĩnh vực nông-lâm-ngư-y. Nhờ ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học của các trường đại học nông nghiệp mà nước ta đã trở thành nước xuất khẩu hàng đầu trên thế giới về lúa, cà phê, hạt điều. Khối các trường nông-lâm-ngư-y giai đoạn 2011-2016 đã có tổng cộng 570 sản phẩm ứng dụng được tạo ra… Điều đó cho thấy, nghiên cứu khoa học của các trường đại học, nếu được đầu tư thỏa đáng, hoàn toàn có thể bắt kịp được các nước. 

Thực tế cũng cho thấy, quá trình chuyển giao KHCN của các nhóm nghiên cứu mạnh đã thu hút đầu tư của các doanh nghiệp cho phát triển các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu trong các trường đại học. Đơn cử như ở các trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Bách khoa Hà Nội, Bách khoa Đà Nẵng. Trong những năm qua, Đại học Quốc gia Hà Nội đã hình thành các phòng thí nghiệm do Toshiba, Samsung tài trợ tại Trường Đại học Công nghệ, Đại học Khoa học Tự nhiên, họ đã thu hút được đầu tư từ khối các doanh nghiệp của Nhật Bản lên đến 7 triệu USD cho phát triển phòng thí nghiệm phát triển năng lượng sạch sản xuất Biodiegen. 

Các trường đại học là nơi tạo ra phần lớn nguồn nhân lực KHCN, để phát triển được cần phải thay đổi thực trạng đầu tư thấp cho KHCN cũng như có nhiều hơn các giải pháp để đột phát lĩnh vực này. Nếu vẫn duy trì như mức hiện nay (bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2011-2015, kinh phí đầu tư cho tăng cường năng lực nghiên cứu chỉ vào khoảng 30-50 tỷ đồng cho toàn bộ 61 đơn vị trực thuộc Bộ GD-ĐT) thì không thể nói tới việc ghi danh tên tuổi các trường đại học Việt Nam thế giới. Bởi cho đến nay, số trường đại học Việt Nam lọt vào danh sách xếp hạng về nghiên cứu khoa học chỉ đếm trên đầu ngón tay. Không đầu tư thì làm sao mong có trái ngọt?

Tin cùng chuyên mục