
Sáng 28-10, tại TP Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi làm việc với các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng về kết quả khắc phục bão số 6. Thủ tướng yêu cầu các địa phương cũng như các bộ, ngành liên quan cần có sự kiểm điểm, rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác phòng chống bão số 6, để từ đó có sự chủ động hơn trong việc phòng chống lụt bão trong thời gian tới, mà trước mắt là đối phó với cơn bão số 7 có nhiều khả năng đổ bộ vào miền Trung trong vài ngày tới.
- Nhà ở cho dân và khó khăn của doanh nghiệp

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm hỏi các gia đình bị nạn trong cơn bão số 6 tại làng Đại La, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng). Ảnh: ĐỨC TÁM
Theo báo cáo của các địa phương, số nhà bị sập hoàn toàn do bão số 6 quá lớn nên dù các địa phương đã cố gắng hết sức cũng như sự hỗ trợ, góp sức từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trong thời gian qua nhưng hiện nay vẫn còn hàng vạn hộ dân chưa xây dựng lại nhà bị sập, cuộc sống vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Đa số nhà bị sập thuộc diện nghèo khó, nguồn kinh phí của địa phương chỉ hỗ trợ ở mức tối đa cho mỗi nhà sập hoàn toàn là 5 triệu đồng. Với số tiền hỗ trợ đó, người dân không thể nào dựng lại nhà. Ông Nguyễn Bá Thanh – Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng: muốn xây dựng lại một ngôi nhà tương đối thì ít nhất cũng phải mất từ 10-15 triệu đồng, nếu tính riêng trên địa bàn TP Đà Nẵng với số nhà bị sập hoàn toàn là trên 14 ngàn ngôi nhà thì cần đến 140 - 200 tỷ đồng.
Số tiền quá lớn như thế thì khả năng thành phố không đáp ứng được. Đến nay, dù bão số 6 đã đi qua gần 1 tháng, nhưng Đà Nẵng cũng mới cơ bản lợp lại nhà bị tốc mái, còn số nhà bị sập thì vẫn chưa giải quyết được bao nhiêu.
Ông Nguyễn Đức Hải – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: hàng vạn gia đình trên địa bàn tỉnh Quảng Nam vẫn chưa dựng lại nhà bởi ngân sách của tỉnh không có khả năng hỗ trợ. Tỉnh dự kiến hỗ trợ cho mỗi nhà bị sập là 5 triệu đồng, nhưng đến nay cũng chỉ mới đáp ứng được 2 triệu đồng/trường hợp.
Đại diện lãnh đạo 3 tỉnh Quảng Nam , Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng đã đề nghị với Chính phủ là cần tăng mức hỗ trợ cho nhà bị sập từ 5 triệu lên 10 triệu đồng/trường hợp. Có như thế thì việc dựng lại nhà ở của người dân mới có thể giải quyết được cơ bản.
Một vấn đề mà các địa phương cũng đặc biệt quan tâm và kiến nghị với Chính phủ là cần có chính sách, cơ chế cũng như sự hỗ trợ kịp thời đối với các doanh nghiệp trên địa bàn bị thiệt hại do bão số 6 gây ra. Cụ thể là cho khoanh nợ, giãn nợ, miễn thuế thu nhập trong vòng 3 năm, cho vay để các doanh nghiệp có điều kiện phục hồi sản xuất.
Ông Hồ Xuân Mãn – Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, cho rằng: qua cơn bão số 6 thiệt hại trước mắt thì đã thấy rõ, nhưng thiệt hại về lâu dài thì chưa thể tính. Đó là việc các nhà đầu tư sẽ e dè khi quyết định đầu tư vào các tỉnh, thành miền Trung. Vì vậy, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách ưu đãi riêng cho các tỉnh miền Trung trong việc kêu gọi đầu tư, không nên có quy định cứng nhắc, để các địa phương có sự chủ động, linh hoạt.
- Tập trung giải quyết vấn đề dân sinh, sản xuất
Ngay sau khi nghe báo cáo của các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định: Bão số 6 với cường độ mạnh đổ bộ vào các tỉnh miền Trung đã gây thiệt hại nặng nề, đặc biệt là 3 tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng. Nhờ công tác dự báo sớm và chính xác cũng như sự chủ động quyết liệt của các địa phương, bộ, ngành liên quan nên đã hạn chế được thiệt hại về người, nhưng thiệt hại về tài sản là quá lớn, lên đến trên 600 triệu USD (chiếm 1% GDP trong năm 2006), ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân.
Sau bão, bên cạnh sự hỗ trợ của Trung ương, đồng bào cả nước, các cơ quan đoàn thể và bạn bè quốc tế cũng đã có sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời nên đến nay cuộc sống của người dân vùng bị nạn đã được ổn định phần nào. Tuy nhiên, trước mắt vẫn còn rất nhiều điều cần phải làm. Thủ tướng nhấn mạnh: “Các địa phương kiên quyết không để dân đói, rét; không để doanh nghiệp phải phá sản do bão số 6 gây ra. Hộ nào đói thì cấp ngay lương thực đến tay hộ đó, Chính phủ không hạn chế việc hỗ trợ lương thực cho các địa phương, bởi hiện nay dự trữ quốc gia đảm bảo vấn đề này. Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục rà soát lại những gia đình có thân nhân bị chết, bị thương để có sự hỗ trợ kịp thời”.
Bộ Tài chính cho biết hiện nay ngân sách dành cho việc khắc phục thiên tai chỉ còn 481 tỷ đồng, trong khi từ nay đến cuối năm sẽ còn xảy ra không biết bao nhiêu trận thiên tai nữa nên trước mắt Thủ tướng quyết định hỗ trợ cho 3 địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế 80 tỷ đồng để khắc phục hậu quả bão số 6, thống nhất mức hỗ trợ cho mỗi nhà bị sập là 5 triệu đồng.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính sớm hoàn tất các thủ tục để tiếp nhận nguồn kinh phí 100 tỷ đồng từ Ngân hàng Thế giới hỗ trợ cho các tỉnh miền Trung khắc phục các công trình dân sinh như trường học, bệnh viện… Thủ tướng cũng nhất trí những doanh nghiệp bị thiệt hại từ 70% trở lên thì cho xóa nợ ngân hàng, thiệt hại từ 30% trở xuống thì cho khoanh nợ, giãn nợ, cho vay mới để khôi phục sản xuất.
Đối với việc giảm dự toán ngân sách cho các địa phương, Bộ Tài chính đề xuất trước mắt giảm dự toán ngân sách năm 2007 cho Đà Nẵng 580 tỷ đồng, Thừa Thiên - Huế 93 tỷ đồng và Quảng Nam 87 tỷ đồng.
Thủ tướng lưu ý các địa phương cũng như các bộ, ngành: việc quy hoạch giao thông, y tế, dân sinh… ở các tỉnh miền Trung phải thực hiện một cách tổng thể, về lâu dài phải thích nghi với bão lũ. Thủ tướng cũng nhất trí và sớm triển khai xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư đặc thù cho miền Trung để khuyến khích các nhà đầu tư vào miền Trung.
Đối với vấn đề tiếp nhận, phân phát hàng cứu trợ, Thủ tướng yêu cầu các địa phương quản lý một cách chặt chẽ, đảm bảo hàng cứu trợ phải đến tận tay người cần được hỗ trợ, không để xảy ra tình trạng không công bằng.
Ngay sau cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đi thăm và tặng quà cho 2 gia đình ở thôn Đại La, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng bị thiệt hại nặng trong bão số 6 vừa qua là gia đình bà Trần Thị Yến và ông Huỳnh Chuyến.
NGUYỄN HÙNG
Các địa phương triển khai ngay công tác phòng chống bão số 7 |