Không để việc cắt giảm điện ảnh hưởng đến các ngành sản xuất thiết yếu

Không để việc cắt giảm điện ảnh hưởng đến các ngành sản xuất thiết yếu

Ngày 19-5, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký ban hành công điện số 621/TTg-CN, trong đó khẳng định: “Đến thời điểm này khả năng cung cấp điện sẽ khó đáp ứng nhu cầu phụ tải ngày càng tăng ở các tỉnh phía Bắc”.

Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo ngành điện khẩn trương thực hiện nhiều giải pháp cấp bách, trong đó có việc huy động tối đa các nguồn điện trong nước và mua điện của nước ngoài, đẩy mạnh xây dựng các công trình điện, tuy nhiên, tình hình hạn hán và nắng nóng diễn ra trên diện rộng và kéo dài, lượng nước về các hồ thủy điện ít trong khi nhu cầu điện cho sản xuất và sinh hoạt vẫn càng ngày càng tăng.

Không để việc cắt giảm điện ảnh hưởng đến các ngành sản xuất thiết yếu ảnh 1

Đặc biệt trong nửa đầu tháng 5-2005, điện năng tiêu thụ ở miền Bắc tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Mực nước hồ của các nhà máy thủy điện đã giảm gần tới mực nước chết.

Trước tình hình trên, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công nghiệp chỉ đạo Tổng Công ty Điện lực Việt Nam thực hiện ngay các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu điện hiện nay, không để việc cắt giảm điện ảnh hưởng đến các ngành sản xuất thiết yếu, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ từ Nghệ An trở ra, thủ trưởng các bộ, ngành, các cơ quan có biện pháp tiết kiệm điện một cách nghiêm ngặt, đồng thời chỉ đạo, đáp ứng nhu cầu sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, phát triển trong điều kiện tiết giảm điện.

Trước đó, ngày 12-5, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh đã ký ban hành chỉ thị thực hiện tiết kiệm điện mùa khô năm 2005. Theo đó, các đơn vị quản lý hệ thống chiếu sáng công cộng điều chỉnh thời gian chiếu sáng đườøng phố để giảm 50% số lượng đèn chiếu sáng tại các tuyến phố, công viên, vườn hoa công cộng.

Đối với các văn phòng và trụ sở cơ quan trên địa bàn phải tắt hết các thiết bị, máy móc sử dụng điện, không để chế độ chờ đối với máy in, máy tính, máy photocopy; hạn chế sử dụng điều hòa nhiệt độ, tăng sử dụng ánh sáng trời, hạn chế sử dụng đèn chiếu sáng dành cho mục đích quảng cáo. 

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mùa khô năm nay, các hồ thủy điện phổ biến chỉ tích được 25%-30% dung lượng thiết kế. Tại Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, tối qua (19-5), mực nước tại hồ chỉ còn khoảng 80,5m, cách mực nước chết 50cm.

Với việc chạy 7-8 tổ máy vào ban ngày, một tổ máy vào ban đêm như hiện nay, dự kiến ngày mai, 21-5, hồ Hòa Bình sẽ xuống dưới mực nước chết. Trong khi đó, đến giữa tháng 5 mới có lũ tiểu mãn và có khả năng lũ năm nay sẽ nhỏ hơn mọi năm.

Mặc dù EVN khẳng định chưa cắt điện, tuy nhiên, theo khảo sát của PV báo SGGP, tình trạng mất điện trong những ngày qua đã liên tục diễn ra tại hầu khắp các quận, huyện của Hà Nội, đặc biệt là ở các quận, huyện vùng ven như Thanh Trì, Hoàng Mai, Từ Liêm...

Ông Vũ Quang Hùng, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Hà Nội cho biết, công ty đã lên kế hoạch cấp điện không ổn định để đối phó với khả năng thiếu điện trong những ngày tới. Các khu vực xa trung tâm có nguy cơ cấp điện không ổn định cao. Đáng lo ngại là tình trạng sử dụng điện lãng phí vẫn diễn ra trên địa bàn. Chẳng hạn, đến lúc 9 giờ 30 ngày 16-5, đèn cao áp ở tuyến đường Phạm Hùng vẫn bật sáng. 

NAM QUỐC – ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục