
Việc triển khai thực hiện Nghị định số 03/2006/NĐ của Chính phủ đã nảy sinh một số vướng mắc từ các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Người lao động tại Công ty Yaban Chain đọc thông báo của giới chủ doanh nghiệp đáp ứng những kiến nghị của mình. Ảnh: HOÀI NAM
Vì thế, để chính sách tiền lương mới ở các doanh nghiệp FDI đi vào cuộc sống, ngày 11-1, Bộ LĐ-TB-XH đã có văn bản khẩn đề nghị thủ trưởng các bộ ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước về lao động tại địa phương, ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp phối hợp với Liên đoàn Lao động địa phương tổ chức phổ biến, trực tiếp đến các nhà đầu tư trên địa bàn.
Khi triển khai thực hiện nghị định này, cần giải thích cho doanh nghiệp FDI hiểu rõ vấn đề là mức lương tối thiểu (LTT) chỉ áp dụng cho người lao động làm công việc giản đơn nhất không phải học nghề trong điều kiện lao động bình thường.
Riêng người lao động đã qua học nghề hưởng lương theo khoản 2, Điều 2 tại nghị định là những đối tượng đã qua học nghề theo quy định tại Điều 28 của Luật Giáo dục, Nghị định số 02/2001/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Bộ luật Lao động và Luật Giáo dục về dạy nghề và Điều 32 Luật Giáo dục năm 2005.
Đối với người lao động đã qua học nghề đang được người sử dụng lao động trả mức LTT cũ hoặc đã được tuyển chọn sau khi thử việc trước ngày 1-2-2006 thì kể từ ngày 1-2-2006 trở đi phải điều chỉnh theo quy định mới (trả cao hơn ít nhất 7% so với mức LTT). Đối với người lao động đã qua học nghề được tuyển dụng từ ngày 1-2-2006 trở đi thì sau khi thử việc theo quy định tại Điều 32 Bộ luật Lao động và Điều 7 của Nghị định 44/2003/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về hợp đồng lao động (HĐLĐ) cũng phải trả cao hơn ít nhất 7% so với mức LTT.
Công văn này cũng lưu ý rằng khi áp dụng mức LTT, người sử dụng lao động không được xóa bỏ, cắt giảm các khoản trợ cấp, phụ cấp, tiền thưởng, tiền ăn ca, tiền hỗ trợ đi lại, nhà ở… mà doanh nghiệp FDI đã thực hiện từ trước đến nay. Đối với mức lương được thỏa thuận trong HĐLĐ hoặc trong thang lương, bảng lương do doanh nghiệp xây dựng theo quy định tại Bộ luật Lao động, Nghị định số 114/2002/NĐ-CP về tiền lương thì mức lương điều chỉnh cụ thể do người sử dụng lao động và người lao động tự thỏa thuận nhưng phải phù hợp với mặt bằng tiền công trên thị trường và giá cả sinh hoạt. Trong quá trình thực hiện Nghị định 03/CP nếu phát sinh vướng mắc mà các bộ quản lý ngành, UBND tỉnh, thành phố không giải quyết được thì phải báo ngay về Bộ LĐ-TB-XH để kịp xử lý.
KHÁNH BÌNH