Tranh chấp lao động tập thể

Không được đình công mà phải giải quyết tại tòa?

Ngày 10-8, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động (liên quan đến đình công).

Tại hội nghị, khái niệm tranh chấp lao động tập thể được chia thành 2 loại: tranh chấp về quyền và tranh chấp về lợi ích. Khi có tranh chấp về lợi ích, người lao động được phép đình công; còn khi tranh chấp về quyền, sẽ không được tổ chức đình công mà giải quyết thông qua tòa án. Tuy nhiên, nhiều đại biểu tỏ ra không đồng tình với quy định này.

Theo Ban soạn thảo, nhiều ý kiến cho rằng, việc phân biệt khái niệm tranh chấp lao động tập thể về quyền (là những tranh chấp về việc người sử dụng lao động vi phạm pháp luật lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động) và tranh chấp về lợi ích (tranh chấp về những vấn đề chưa được quy định trong pháp luật lao động mà hai bên đang thương lượng) là cần thiết.

Đối với tranh chấp về quyền sẽ được giải quyết dứt điểm theo cơ chế giải quyết tranh chấp lao động thông qua các cơ quan giải quyết tranh chấp và tòa án là cơ quan phán xét cuối cùng. Còn với tranh chấp về lợi ích, vẫn được giải quyết theo nguyên tắc thương lượng, thỏa thuận, hòa giải. Nếu không thành thì người lao động được đình công.

Không đồng tình phương án này, đại biểu Nguyễn Đức Dũng (Kon Tum) phân tích: thời gian qua, đa số các vụ đình công đều là bất hợp pháp do điều kiện nhận thức của người lao động còn thấp, khó có thể phân biệt đâu là tranh chấp về quyền, đâu là tranh chấp về lợi ích. “Vì thế, đình công chính là biện pháp bảo vệ cuối cùng của người lao động” - ông Dũng nói.

Theo ông, nếu chia tách trong điều kiện hiện nay (các cuộc đình công đều bất hợp pháp), khi đưa ra tòa án, phần thua chắc chắn thuộc về phía người lao động. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu dù không nêu rõ quan điểm, nhưng cũng nói rằng việc chia tách như vậy là “mạch lạc”, và nếu không tách thì sẽ bất lợi cho môi trường đầu tư và bất lợi cho cả người lao động.

Trên thực tế, hơn 1.000 cuộc đình công xảy ra trong thời gian qua đều mang tính tự phát. Điều đó đặt ra yêu cầu pháp luật phải làm rõ về thẩm quyền lãnh đạo đình công. Trong dự thảo lần trước, Ban soạn thảo đưa ra quy định: lãnh đạo đình công là quyền duy nhất của tổ chức công đoàn. Trường hợp ở nơi chưa có công đoàn cơ sở thì cho phép công đoàn cấp trên cơ sở (cấp quận, huyện và tương đương) lãnh đạo đình công.

Nhiều đại biểu không đồng tình với quy định này. Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Hoài Thu lập luận: Công đoàn là tổ chức đại diện bảo vệ quyền lợi của người lao động, nên có quyền khởi xướng và lãnh đạo đình công là đúng. Nhưng đối với nơi chưa có tổ chức công đoàn thì ai là người đại diện cho họ?

Hiện nay còn tới 85% doanh nghiệp dân doanh và 65% doanh nghiệp FDI chưa có công đoàn cơ sở. Thực tế đình công xảy ra vừa qua không có sự khởi xướng, lãnh đạo từ phía công đoàn, nhưng lại có sự khởi xướng, lãnh đạo từ phía người lao động, và đều được tập thể lao động ủng hộ.

“Vì vậy, nếu quy định chỉ có công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên mới được lãnh đạo đình công là chưa thuyết phục, người lao động sẽ không thể thực hiện được quyền đình công” - bà Hoài Thu nói. Đại biểu Nguyễn Đức Dũng đề nghị: “Nên chăng quy định: ở doanh nghiệp có tổ chức công đoàn thì công đoàn cơ sở hoặc đại diện người lao động lãnh đạo đình công”.

BẢO MINH 

Tin cùng chuyên mục