Dư luận đang rất bức xúc xung quanh chuyện Thống đốc Ngân hàng Nhà nươc Lê Đức Thúy dù đã có nhà riêng vẫn mua ngôi nhà công vụ ở số 6 Lý Thái Tổ với giá chỉ bằng khoảng 1/10 giá thị trường. Tuần trước, dư luận ở Hà Nội cũng “sôi” lên khi TP Hà Nội tiến hành các thủ tục bán cho ông Hoàng Văn Nghiên, nguyên Chủ tịch UBNDTP Hà Nội, ngôi nhà công vụ ông đang ở tại 12 Nguyễn Chế Nghĩa, Hà Nội. Bên lề cuộc họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều qua (3-10) tại Hà Nội, PV báo SGGP và một số báo khác đã phỏng vấn Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh xung quanh vấn đề lợi dụng, hiểu sai Nghị định 61 để biến tài sản công thành tư này.
- PV: Xin ông cho biết quan điểm của Bộ Tài chính về vấn đề mua nhà của ông Lê Đức Thúy?
- Ông Vũ Văn Ninh: Đến thời điểm này, tôi chưa biết về trường hợp mua nhà của Thống đốc Lê Đức Thúy. Tôi sẽ yêu cầu kiểm tra về vụ việc này, để xác định đây là loại nhà nào.
- Thưa ông, việc có quá nhiều đầu mối quản lý nhà công vụ liệu có dẫn tới tình trạng khó kiểm soát đối tượng được cấp nhà?
- Chúng tôi đang nghiên cứu để nghĩ cách quản lý cho hiệu quả. Vừa qua, Bộ Tài chính mới chỉ rà soát công sản, nhà và đất của các cơ quan đơn vị, ví dụ như trụ sở, nhà của Nhà nước cho các cơ quan đơn vị thuê. Chúng tôi chưa rà soát tình trạng sử dụng nhà công vụ.
- Với các trường hợp cán bộ sau khi mãn nhiệm, ngoài nhà công vụ còn có nhà khác, thì hướng xử lý sẽ như thế nào?
- Theo tôi, vấn đề quan trọng là tiêu chuẩn đồng chí đó có được nhà công vụ không. Ví dụ, với tiêu chuẩn của mình đồng chí đó được mua 200m2 đất với giá quy định, tuy nhiên đồng chí đó chưa mua thì phải được mua. Trường hợp, khi hết nhiệm kỳ, ngoài nhà công vụ ra, đồng chí đó còn có nhà khác thì đương nhiên phải trả lại nhà công vụ.
- Nhưng thưa ông, cũng có quan điểm là nên “tri ân” với những lãnh đạo cũ của bộ, ngành, thành phố bằng những ngôi nhà đẹp với giá ưu đãi. Ông nghĩ sao?
- Về nguyên tắc nhà công vụ thì không được bán. Tuy nhiên, nhà còn tùy thuộc vào quy hoạch. Cùng là biệt thự nhưng ở khu này thì được bán, khu khác thì không được bán.
- Nhưng lãnh đạo đương nhiệm rất khó xử nếu những người tiền nhiệm không tự nguyện trả lại nhà công vụ. Với cương vị Bộ trưởng Bộ Tài chính và từng có thời gian làm Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông đã từng gặp khó khăn như vậy chưa?
- (Cười) Một câu hỏi quá khó!
- Theo như các đơn xin mua nhà của ông Hoàng Văn Nghiên và ông Lê Đức Thúy thì các vị quan chức rất “hoàn cảnh” về đất ở. Vậy việc ưu đãi nhà cho các vị này thế nào?
- Hiện nay, mới chỉ đang giải quyết nhà cho đối tượng lão thành cách mạng. Trước đây, cũng định làm thí điểm ở cấp bộ trưởng nhưng vừa rồi có lẽ phức tạp nên tôi thấy để “lửng”.
- Trong nhiệm kỳ của mình, ông có xới lại vấn đề này không?
- Cá nhân tôi suy nghĩ rằng, nên có quy định rõ ràng, để minh bạch trong quá trình thực hiện. Thậm chí cho mua nếu đáp ứng được những tiêu chuẩn nhất định. Còn nếu anh mua diện tích vượt tiêu chuẩn thì phải trả giá phần vượt đó theo giá thị trường. Chế độ này nhiều nơi cũng nghiên cứu nhưng chưa ra được.
- Thưa ông, tại sao chúng ta không nghĩ đến phương án cấp không nhà cho các cán bộ cấp cao như bộ trưởng, thứ trưởng theo quy định để họ yên tâm làm việc, tránh tình trạng lạm dụng nhà công vụ và cũng là để ràng buộc trách nhiệm của họ?
- Vấn đề này trước đây có nhưng đã bị bãi bỏ. Tới đây, chúng tôi sẽ nghiên cứu vấn đề này. Hiện các cán bộ cũng được phân phối cho thuê, mua nhà theo Nghị định 61.
- Xin cảm ơn ông.
KIẾN QUỐC