Đơn vị PCCC-CNCH trên địa bàn phải huy động tối đa lực lượng, phương tiện đến hiện trường xử lý sự cố. Chưa tính đến thiệt hại về người, hỏa hoạn khiến DN mất hàng tỷ đồng do tài sản hư hại. Mối lo cháy nổ từ DN, đặc biệt là những DN sản xuất, luôn là bài toán khó giải.
Trong thời điểm giãn cách xã hội, nhiều người lầm tưởng DN ngừng sản xuất thì khó xảy ra cháy nổ. Đó là nhận định sai lầm. Việc dừng hoạt động có thể tạo cơ hội giúp “bà hỏa” dễ dàng trở thành nguy cơ cháy lớn, cháy lan nếu sự cố bất ngờ ập đến, công ty thiếu lực lượng tại chỗ (điển hình nhất là sự cố về điện). Không chỉ vậy, mối nguy cháy nổ từ những DN tổ chức cho công nhân ở lại sản xuất không hề ít hơn DN tạm đóng cửa do dịch Covid-19. Nhiều người cùng sinh hoạt trong không gian hạn chế sẽ là trở ngại trong quá trình PCCC-CNCH khi có sự cố.
Thực hiện giãn cách xã hội, cơ quan chức năng lẫn DN càng phải cảnh giác nguy cơ cháy nổ. Lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm an toàn PCCC. Các địa phương đôn đốc cơ sở sản xuất chấp hành quy định về PCCC; tổ chức bố trí người trực ở trụ sở. Đồng thời, DN không thể chủ quan mà cần tích cực triển khai tuần tra, canh gác; nhất là vào ban đêm.