Không lo thiếu hàng hóa thiết yếu

Tính từ đầu năm đến nay, sản lượng thủy sản bao gồm khai thác tự nhiên và nuôi trồng ước tính đạt hơn 1 triệu tấn, tăng 2,7%. Về lúa gạo, cả nước gieo cấy được 2,7 triệu ha lúa đông xuân, bằng 98,3% so với cùng kỳ năm trước. Tình hình dịch bệnh trên gia súc gia cầm cơ bản đã được kiểm soát. Do vậy, dù tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nhưng hàng hóa thiết yếu sẽ không thiếu. 
Hàng hóa thiết yếu đầy ắp trong siêu thị
Hàng hóa thiết yếu đầy ắp trong siêu thị

Nông thủy hải sản đều dồi dào

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, vụ gieo cấy lúa đông xuân tại khu vực phía Bắc năm nay có nhiều thuận lợi về thời tiết. Nguồn nước tưới tiêu được cung ứng kịp thời nên các địa phương đã tranh thủ xuống giống sớm, tiến độ gieo cấy vì vậy cũng nhanh hơn so với cùng kỳ năm trước. Hiện diện tích lúa gieo trồng trên cả nước đang phát triển tốt. Còn tại các tỉnh khu vực phía Nam, do ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn nên nhiều địa phương chủ động cắt giảm diện tích xuống giống, hoặc chuyển đổi những vùng đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn, sử dụng ít nước. Toàn vùng cũng đã có 369.500ha lúa đông xuân cho thu hoạch, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2019 và chiếm 23,9% diện tích gieo cấy của vùng. 

Không dừng lại đó, với thủy hải sản, gia súc, gia cầm, sản lượng nuôi trồng, đánh bắt khai thác trong tháng 2 cũng tăng nhẹ. Hiện sản lượng thủy hải sản nuôi trồng đạt trên 500.000 tấn, tăng 2,2% và sản lượng khai thác đạt 503.900 tấn, tăng 3,2%. Chăn nuôi trâu, bò nhìn chung ổn định, dịch tả heo châu Phi tiếp tục được kiểm soát khi một số địa phương đã công bố hết dịch. Ước tính đàn bò, đàn gia cầm lần lượt tăng 2,4% và 13,8%. Riêng đàn trâu và heo có giảm về số lượng. Trong đó, đàn heo giảm mạnh đến 23% so với cùng thời điểm năm trước. 

Theo nhiều doanh nghiệp (DN), tuy đàn heo trong nước giảm về số lượng chăn nuôi, nhưng với chính sách cho phép nhập khẩu thịt heo từ 23 thị trường trên thế giới, nên vẫn duy trì khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Nhiều DN chế biến lương thực thực phẩm cho hay, thực phẩm chế biến từ thịt gia súc, gia cầm của đơn vị vẫn còn tồn kho đủ cung ứng cho thị trường trong 6 tháng. Thậm chí có những mặt hàng có thể cung ứng đến hết quý 1-2021. Không dừng lại đó, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, cho biết thêm, để chủ động đáp ứng nguồn hàng cung ứng cho thị trường, nhất là hàng hóa thiết yếu, các DN đã tăng công suất sản xuất, tuyển thêm công nhân thời vụ để tăng ca. 

Triển khai gói giải pháp hỗ trợ sản xuất

Nguồn cung ứng thực phẩm không thiếu, tuy nhiên theo các chuyên gia kinh tế, không được chủ quan bởi tình hình dịch bệnh và hạn hán, xâm nhập mặn còn diễn biến phức tạp. Do đó, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp vừa chống hạn mặn, vừa duy trì ổn định hoạt động sản xuất, nhất là sản xuất chế biến lương thực thực phẩm, hàng hóa thiết yếu. 

Để hạn chế những thiệt hại có thể xảy ra, ngành nông nghiệp các địa phương cần tập trung quản lý việc cung cấp nước theo từng giai đoạn sinh trưởng của lúa, chủ động tưới tiết kiệm nước, thường xuyên theo dõi, kịp thời ngăn chặn sớm và hướng dẫn phòng trừ dịch bệnh gây hại đồng ruộng. Các địa phương sớm chủ động triển khai các giải pháp phòng chống hạn, mặn, như chuyển dịch thời vụ gieo trồng sớm hơn 10 - 20 ngày, tích nước ngọt tại các kênh mương nội đồng, bơm nước tưới cho những vùng bị khô hạn cục bộ... 

Còn với hoạt động sản xuất, DN cần chủ động kết nối với các cơ quan chức năng để tiếp cận chính sách hỗ trợ, như hỗ trợ vốn, khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất vay… để giúp DN gia tăng nội lực sản xuất, đáp ứng nhu cầu cao của thị trường.  

Về phía cơ quan chức năng, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc triển khai 7 nhóm giải pháp hỗ trợ DN. Trong đó, đáng kể nhất là gói hỗ trợ tín dụng, miễn giảm thuế, phí… lên tới 280.000 tỷ đồng. Cụ thể, Chính phủ dành 250.000 tỷ đồng cho gói hỗ trợ tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng còn lại sẽ tập trung vào việc miễn, giảm thuế, phí, lệ phí… Động thái này cho thấy, Chính phủ rất quyết tâm hỗ trợ DN ổn định sản xuất, giảm thiểu những tổn hại do dịch bệnh gây ra. Tuy nhiên, ở góc độ khác, nhiều DN lo lắng khi cho rằng thủ tục hành chính của hệ thống cơ quan chức năng khá phức tạp, nên thời gian để gói hỗ trợ đến được với DN không dễ dàng. Chưa kể, gói hỗ trợ không đến đúng những DN cần. Do vậy, cùng với chương trình hỗ trợ, Chính phủ cần có giải pháp hậu kiểm cơ quan chức năng trong quá trình triển khai. Có như vậy mới thúc đẩy nhanh gói hỗ trợ vào thực tế và đúng đối tượng cần hỗ trợ, góp phần giữ ổn định phát triển sản xuất, duy trì đà tăng trưởng kinh tế. Quan trọng hơn, giữ được ổn định xã hội, tránh gây tâm lý hoang mang không cần thiết cho người dân.

Tin cùng chuyên mục