Quốc hội thảo luận dự thảo Nghị quyết về dự án, công trình quan trọng quốc gia

Không sửa, sẽ phát sinh những “rào cản” mới

Không sửa, sẽ phát sinh những “rào cản” mới

Hôm qua 20-6, Quốc hội tiến hành thảo luận dự thảo Nghị quyết về những dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, và dự án Luật Chứng khoán. Trong đó, nội dung được tranh luận khá sôi nổi là những công trình, dự án quan trọng quốc gia được xem xét và quyết định chủ trương đầu tư theo cơ chế nào?

  • Không nên “ép buộc” đầu tư nước ngoài, tư nhân

Trong báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về dự án, công trình quan trọng quốc gia, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách Nguyễn Đức Kiên nghiêng về quan điểm: các dự án, công trình quan trọng quốc gia dù có sử dụng vốn của nhà nước hay sử dụng vốn của các thành phần khác thì đều phải được Quốc hội xem xét và quyết định về chủ trương đầu tư, nếu dự án đó có quy mô vốn thuộc 1 trong 2 quy định: “Quy mô vốn đầu tư từ 17.000 tỷ đồng Việt Nam trở lên đối với dự án, công trình có sử dụng từ 30% vốn nhà nước trở lên hoặc 25.000 tỷ đồng Việt Nam trở lên đối với dự án, công trình sử dụng các nguồn vốn khác”.

Không sửa, sẽ phát sinh những “rào cản” mới ảnh 1

Tuy nhiên, trong phần thảo luận, đại biểu Phạm Phương Thảo (TPHCM) là người đầu tiên thẳng thắn trình bày quan điểm không đồng tình với quy định trên. Theo bà, quy định như vậy chắc chắn sẽ cản trở rất nhiều nhà đầu tư từ nước ngoài muốn vào đầu tư cho những công trình lớn và quan trọng, gắn chặt với nhu cầu bức thiết của dân sinh ở Việt Nam.

Trong khi, “như Bộ trưởng Võ Hồng Phúc đã từng nói, trong tương lai, chúng ta sẽ phải thu hút rất nhiều nguồn vốn của nước ngoài và nguồn vốn khác mới đủ vốn để đầu tư xây dựng hàng loạt cơ sở hạ tầng, công trình lớn”- bà Thảo dẫn lại. Bởi vậy, bà cho rằng dự thảo cần phải loại bỏ quy định những dự án, công trình có sử dụng nguồn vốn khác khỏi diện cần được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Đại biểu Đào Văn Hưng (Sơn La) tán thành quan điểm của đại biểu Phạm Phương Thảo. Ông Hưng cho rằng, đối với những dự án, công trình quan trọng có vốn đầu tư của nước ngoài và tư nhân mà chúng ta cần phải huy động, thu hút, mời gọi... “Quốc hội sẽ không thể quyết định chủ trương đầu tư cũng như xem xét được”. Mặt khác, nếu chủ đầu tư nước ngoài mà từ chối sự xem xét và quyết định của Quốc hội, thì Quốc hội cũng không có cơ sở nào để “xem xét” họ được.

Trong bầu không khí thảo luận khá sôi nổi như vậy, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc và các đại biểu Trần Thị Kim Cúc (Tiền Giang), Nguyễn Mạnh Cường (Hà Nội), Nguyễn Ngọc Trân (An Giang), Phan Anh Minh (TPHCM) cũng đều ủng hộ quan điểm và lập luận của 2 đại biểu Đào Văn Hưng, Phạm Phương Thảo.

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nhấn mạnh quan điểm của ông là cần phải nới rộng quy định và cơ chế trong dự thảo để có điều kiện thu hút được nhiều nguồn vốn của tư nhân ở trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.

Còn đại biểu Phan Anh Minh lập luận: “Chúng ta đưa ra những tiêu chí về xây dựng những công trình có tổng mức đầu tư lên tới 25.000 tỷ đồng Việt Nam. Nhưng trong cả 10 năm tới, nếu chỉ huy động nguồn vốn trong nước sẽ không có đủ chừng đó tiền. Nhưng quy định như trong dự thảo của nghị quyết thì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không muốn đầu tư vào Việt Nam”.

Tiếp cận vấn đề từ góc độ khác, đại biểu Nguyễn Ngọc Trân đặt thêm câu hỏi: “Quốc hội có nên làm thay Chính phủ không? Bởi nếu cứ làm như vậy sẽ khó tránh khỏi tình trạng bên này sẽ đổ lỗi cho bên kia khi để xảy ra sai sót”.

  • Cơ chế xin - cho, thủ tục nhiêu khê lại xuất hiện

Theo nhiều đại biểu, bất cập thứ hai sẽ phát sinh nếu dự thảo nghị quyết được thông qua mà không kịp thời cân nhắc, sửa đổi là cơ chế xin - cho đối với các dự án, công trình quan trọng sẽ lại tiếp diễn. Dự thảo quy định về thủ tục khi thẩm tra là “chậm nhất là 90 ngày, trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội, Chính phủ gửi hồ sơ (về dự án, công trình quan trọng) đến cơ quan thẩm tra (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) để tiến hành thẩm tra”.

Theo đại biểu Phan Anh Minh và Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, đây cũng là một trong những yếu tố cản trở thu hút đầu tư nước ngoài và cả đầu tư của tư nhân ở trong nước, gây nhiều bất lợi. Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho rằng, dự thảo quy định tới 90 ngày, trong khi mỗi năm Quốc hội chỉ họp 2 lần theo kiểu “xuân thu nhị kỳ”, các nhà đầu tư nước ngoài không thể chờ đợi được.

Đại biểu Phan Anh Minh bổ sung: “Như vậy là sẽ làm lỡ cơ hội thu hút đầu tư, điều mà chúng ta không mong muốn”. Ông Minh khẳng định, những quy định thiếu cân nhắc này sẽ là một rào cản rất nghiêm trọng trong việc thu hút đầu tư phát triển kinh tế.

  • Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vẫn trực thuộc Bộ Tài chính?

Vấn đề về địa vị pháp lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tiếp tục thành chủ đề gây tranh cãi khi Quốc hội thảo luận dự án Luật Chứng khoán. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, địa vị pháp lý của UBCKNN vẫn giữ nguyên như dự thảo luật: trực thuộc Bộ Tài chính.

Lý giải điều này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng căn cứ vào tình hình thực tế của Việt Nam, quy định này là phù hợp vì: thị trường chứng khoán Việt Nam mới hình thành, quy mô thị trường còn nhỏ bé so với các nước trong khu vực và trên thế giới; sự phát triển của thị trường gắn chặt với cổ phần hóa và Bộ Tài chính đang được giao chỉ đạo việc này; mô hình trực thuộc từ năm 2004 đến nay đang được phát huy hiệu quả.

Cũng theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của Tổ chức quốc tế Ủy ban Chứng khoán (IOSCO) về việc UBCKNN độc lập chỉ mang tính chất khuyến nghị vì còn tùy thuộc vào tình hình mỗi nước.

Tiếp tục không đồng tình với quy định này, đại biểu Nguyễn Ngọc Trân (An Giang) phản bác rằng, UBCKNN độc lập theo khuyến cáo của IOSCO là dựa trên tình hình, kinh nghiệm thực tế. “Hôm tôi đi họp giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ, nhiều nhà đầu tư, tài trợ gặp riêng và có nói với tôi là Quốc hội nên cân nhắc chuyện để Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính, họ nói lời khuyên của IOSCO là một lời khuyên có thực tế chứng minh, chứ không phải là lời khuyên trên không”, đại biểu Trân kể.

Không tán đồng quan điểm này, đại biểu Tào Hữu Phùng (Hà Tây) cho rằng, trong giai đoạn hiện nay địa vị pháp lý của UBCKNN đặt ở Bộ Tài chính là rất hợp lý tạo điều kiện để thị trường phát triển tốt hơn. Về ý kiến cho rằng, trực thuộc Bộ Tài chính là “vừa đá bóng vừa thổi còi” là không đúng vì: Bộ Tài chính chỉ được quyền phát hành trái phiếu theo Nghị quyết của Quốc hội để vay dân, bù đắp nguồn bội chi ngân sách, sau khi phát hành thì Bộ Tài chính không hề tác động vào; phát hành trái phiếu của Bộ Tài chính không phải để kinh doanh mà “vừa đá bóng vừa thổi còi”;... Tuy nằm trong Bộ Tài chính nhưng hoạt động độc lập, trừ khi có ban hành quy phạm pháp luật quản lý Nhà nước. 

BẢO - PHÚC - MY

Tin cùng chuyên mục