Không xanh thì… âm

Tại Hội thảo khoa học quốc gia với Chủ đề Thúc đẩy tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững: Kết nối tầm nhìn quốc gia với hành động của địa phương và doanh nghiệp vừa diễn ra mới đây tại Bộ KH-ĐT, các chuyên gia ước tính, nếu không có các chính sách, cơ chế thích hợp để bảo vệ môi trường, thì cái giá phải trả cho môi trường bị hủy hoại và ô nhiễm là khoảng 6%-7% GDP.

Nếu tính cả chi phí y tế để chữa bệnh cho người dân thì tổng chi phí này lên tới 8%-10% GDP. Như thế, cộng với cái giá phải trả cho văn hóa - xã hội xuống cấp do lối sống “không xanh”, không phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường, thì tăng trưởng kinh tế 8%-9% cũng chưa làm cho nền kinh tế phát triển được, mà thực tế là kết quả âm! 

Thực hiện tăng trưởng “xanh” đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu lớn, trong khi nguồn lực từ ngân sách Nhà nước hạn hẹp, việc huy động nguồn lực ngoài Nhà nước, đặc biệt từ khu vực tư nhân chưa thực sự hiệu quả do thiếu cơ chế, chính sách đồng bộ. Theo TS Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ KH-ĐT), điều này càng khó khăn hơn trong bối cảnh nguồn vốn ODA sụt giảm, do Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình thấp, lại chưa có hệ thống về tiêu chuẩn, tiêu chí phân loại “xanh” đồng bộ, toàn diện. Đơn cử, chuyển đổi số trong doanh nghiệp được coi là một hợp phần quan trọng trong kế hoạch hành động nhằm thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng “xanh”.

Năm 2022, ngân sách trung ương hỗ trợ khoảng 50 tỷ đồng và các địa phương cũng dành hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng xanh và tuần hoàn. Đây là những tiền đề và nền tảng quan trọng, nhưng mới là “vốn mồi”, còn xa mới đáp ứng đủ yêu cầu. Trong khi đó, có thể thấy là doanh nghiệp còn khá dè dặt khi “mở hầu bao”. Theo thống kê mới nhất từ Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH-ĐT), chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của Việt Nam năm 2018 chỉ bằng 0,4% GDP so với con số 3,3% của Nhật Bản, 2,2% của Singapore, 2,1% của Trung Quốc. Tỷ lệ giao dịch kỹ thuật số của Việt Nam chỉ chiếm 22% so với 34% của Indonesia, 62% của Thái Lan…

Không thể phủ nhận là sau gần 10 năm triển khai chiến lược tăng trưởng “xanh”, một số mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu chính của chiến lược tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 đã đạt được kết quả khả quan. Nhưng không thể không nhắc lại rằng vẫn còn rất nhiều thách thức trước mắt mà nếu không được quan tâm giải quyết thích đáng, thì tăng trưởng thực chất không chỉ bị chậm lại, mà còn có thể bị “kéo lùi”.

Tin cùng chuyên mục