Thủ Thiêm

Khu đô thị sinh thái hiện đại

NGUYỄN KHOA
Khu đô thị sinh thái hiện đại

Chiều 3-3, tại trụ sở UBND TPHCM, Ban Quản lý Khu đô thị Thủ Thiêm đã tổ chức họp báo về quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm. Trưởng ban Quản lý Vũ Hùng Việt khẳng định, Nhà nước chỉ đầu tư xây dựng khoảng 10% - 20% khối lượng công trình, phần còn lại sẽ kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước. Trong 5 năm tới thành phố sẽ cố gắng thực hiện 30% - 50% công việc của dự án để Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm có thể hình thành trong vòng 10 - 15 năm thay vì 20 năm như dự kiến. Từ nay đến năm 2007 thành phố sẽ chuẩn bị các điều kiện đầu tư để có thể triển khai xây dựng Thủ Thiêm đồng loạt trong hai năm 2007 - 2008.

Khu đô thị sinh thái hiện đại ảnh 1

Phối cảnh khu đô thị mới Thủ Thiêm.

- PV Báo Thanh Niên: Đâu là tính đặc thù của Khu đô thị Thủ Thiêm?

- Ông Vũ Hùng Việt:
Thủ Thiêm sẽ là đô thị sinh thái, hiện đại mang sắc thái Nam bộ với các kiến trúc được thiết kế hài hòa và góp phần tôn tạo vẻ đẹp của sông Sài Gòn; gắn chặt chẽ với các sinh hoạt trên mặt nước để tạo nên cảnh “trên bến dưới thuyền” đặc trưng của vùng sông nước Nam bộ.

Các thảm thực vật, hệ thống kênh rạch đặc biệt là ở khu vực phía Nam sẽ được bảo tồn và phát triển về sau. Các sinh hoạt văn hóa của người dân cũng sẽ được bảo tồn và phát huy…

- PV Báo SGGP:
Người dân Thủ Thiêm hiện hữu sẽ được bố trí ở như thế nào trong khu đô thị mới này?

-Ông Vũ Hùng Việt: Thành phố đã có kế hoạch dành 15,5 ha đất trong khu vực đô thị mới để xây nhà tái định cư cho người dân Thủ Thiêm. Các nhu cầu tái định cư còn lại sẽ được bố trí ra các khu vực lân cận ở quận 2.

- Ông Lê Nho Văn -
Phó ban Quản lý: Chúng tôi đang triển khai xây dựng nhà tái định cư cho khoảng 10.000 hộ dân phải di dời trong dự án này. Trong đó, sẽ xây ở khu vực An Phú - An Khánh 710 căn, An Phú 531 căn, Thạnh Mỹ Lợi hơn 1.000 căn, Nam Rạch Chiếc 5.481 căn, Bình Khánh hơn 1.000 căn.

Tuy nhiên, do một số nơi còn vướng mắc ở khâu giải tỏa nên tiến độ xây dựng nói chung còn chậm. Thế nhưng, vừa rồi thành phố đã cho phép mua lại nhà của các dự án kinh doanh gần nơi tái định cư để làm nhà tái định cư cho dân nên khó khăn này cũng đang dần được tháo gỡ. Chúng tôi đang thương thảo giá nhà với người bán. Các khu nhà tái định cư này là nhà thương phẩm với nhiều chất lượng, đáp ứng được các yêu cầu về nhà ở của người dân.

- PV Báo SGGP: Nhà nước chỉ xây dựng khoảng 10% - 20% khu đô thị, phần còn lại dành cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Vậy cách nào để thu hút các nhà đầu tư vào đây?

- Ông Vũ Hùng Việt: Thành phố đã mời tư vấn nước ngoài nghiên cứu xây dựng cơ chế tài chính, thu hút vốn đầu tư xây dựng Thủ Thiêm trong đó xác định rõ phần nào Nhà nước làm, phần nào mời nhà đầu tư; tìm vay vốn ở đâu; cơ chế chính sách để thu hút đầu tư và bộ máy thực hiện.

Dự kiến đến tháng 6-2006, tư vấn sẽ hoàn tất nghiên cứu và trình UBND TP xem xét. Tôi nghĩ rằng sẽ phải có nhiều chính sách đặc biệt thông thoáng, hấp dẫn hơn trong đầu tư cho Thủ Thiêm thì mới đảm bảo cho Thủ Thiêm phát triển đúng hướng. Hiện nay cũng đã có nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm đến Thủ Thiêm.

- PV Báo Tuổi trẻ: Tại sao lại giới hạn chiều cao xây dựng ở khu vực trung tâm đô thị Thủ Thiêm là 40 tầng trong khi ở trung tâm đô thị cũ có nhiều nhà được xây đến 60 - 70 tầng?

- Ông Vũ Hùng Việt: Việc xây dựng ở đô thị mới sẽ được kiểm soát rất chặt chẽ. Tuy nhiên sẽ có một vài kiến trúc đặc biệt có thể cao hơn 40 tầng. Thành phố sẽ ban hành các tiêu chuẩn về kiến trúc đặc biệt. Việc xây dựng tháp truyền hình (có trong quy hoạch trước đây) vẫn sẽ được tiếp tục nhưng sẽ có tên gọi mới là tháp quan sát. Đề tài sẽ được bỏ ngỏ cho nhà đầu tư tính toán và như vậy sẽ hấp dẫn họ hơn. Có thể vẫn là tháp truyền hình nhưng có thêm khách sạn và các dịch vụ khác và chiều cao của công trình vẫn trên 300m.

- PV Báo Phụ Nữ: Quy hoạch san nền ở Thủ Thiêm có cao trình tối thiểu 2,5m, cao hơn mức bình thường ở một số khu vực ở thành phố. Điều này có ảnh hưởng đến việc tiêu thoát nước, chống ngập của thành phố?

- Ông Vũ Hùng Việt: Thành phố đã giao cho Viện Quy hoạch xây dựng của Bộ NN-PTNT nghiên cứu thủy văn, thủy lực của sông Sài Gòn và nhiều sông rạch liên quan để tìm ra giải pháp chống ngập căn cơ cho toàn khu vực.

- PV Báo Công an: Với diện tích 737 ha, trong đó khu đô thị phát triển mới chỉ có 657 ha, liệu Thủ Thiêm có quá nhỏ so với yêu cầu phát triển của thành phố?

- Ông Vũ Hùng Việt: Thiên nhiên chỉ cho như thế thôi nên chúng ta sắp xếp sử dụng đất đai cho thật hiệu quả. Tuy nhiên, thành phố cũng đã giao cho Sở Quy hoạch - Kiến trúc nghiên cứu phát triển đô thị về hướng quận 2 theo hướng xây dựng thêm các trung tâm văn hóa, khu vui chơi giải trí… ở đây.

NGUYỄN KHOA

Quy hoạch chung khu đô thị mới Thủ Thiêm

Theo quyết định số 6565/QĐ-UBND TPHCM về phê duyệt quy hoạch chung xây dựng khu Trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm, đây sẽ là trung tâm mới, hiện đại mở rộng của trung tâm TPHCM với chức năng chính là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ cao cấp của thành phố; khu vực có vị trí quốc tế là trung tâm văn hóa, nghỉ ngơi, giải trí, đảm nhiệm một số chức năng mà trung tâm thành phố hiện hữu còn thiếu và hạn chế phát triển.

Khu trung tâm đô thị này sẽ là một công trình chiến lược, mở ra cơ hội tăng tốc phát triển mọi mặt và nâng cấp TPHCM ngang tầm các đô thị quốc tế hiện đại của khu vực trong thế kỷ 21 với diện tích 737 ha và dân số khoảng 130.000 người.

* Trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm sẽ được chia làm 5 khu vực chính:

Khu lõi chính: nằm đối diện với quận 1 qua sông Sài Gòn, chủ yếu phục vụ cho những hoạt động dịch vụ, tài chính cao cấp. Các công trình mang chức năng trên sẽ được bố trí tập trung tại khu vực giáp đại lộ Vòng cung, xung quanh quảng trường trung tâm với tầng cao của các công trình từ 10 đến 40 tầng. Nhà ở được phân bổ trong các công trình đa chức năng, kết hợp trong các cụm cao ốc văn phòng.

Dân số dự kiến: 40.000 người. Khu đa chức năng Đại lộ Đông-Tây: đây là khu vực có mật độ dân cư thấp, tầng cao công trình 3 - 16 tầng. Dân số khoảng 25.000 người. Khu dân cư phía Bắc: gần khu trung tâm bao gồm các công trình nhà ở đa năng và các khu nhà riêng biệt, tầng cao của công trình 10 - 32. Dân số khoảng 50.000 người. Khu dân cư phía Đông: là khu vực dân cư chuyển tiếp giữa Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm và quận 2. Dân số dự kiến 15.000 người. Khu lâm viên sinh thái phía Nam: được tôn tạo như một khu bảo tồn cảnh quan sinh thái tự nhiên độc đáo và hấp dẫn của thành phố, được khai thác phục vụ nhu cầu du lịch, giải trí và bảo vệ môi trường.

Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm sẽ được kết nối với các quận, huyện nội thành hiện hữu qua 5 cầu và 1 đường hầm trong đó cầu Thủ Thiêm, hầm Thủ Thiêm đã được khởi công xây dựng trong năm 2005. Ba cầu còn lại nối với quận 1 (ở khu vực quảng trường Mê Linh), quận 4, quận 7 sẽ được nghiên cứu xây dựng sau.

Ngoài ra sẽ có một tuyến metro ngầm nối với quận 1; Hệ thống xe buýt, xe điện bố trí trên Đại lộ Đông-Tây nối Thủ Thiêm với thành phố hiện hữu. Giao thông thủy sẽ được đặc biệt phát triển với một mạng lưới taxi thủy nối khu trung tâm đô thị với các khu vực lân cận, tạo nên cảnh “trên bến dưới thuyền” đặc trưng của vùng sông nước Nam bộ.

* Các giai đoạn phát triển: dự kiến là 20 năm với 4 thời kỳ

Từ nay đến 2010: phát triển mạnh trên diện tích khoảng 350 ha gồm một bộ phận lớn của khu lõi trung tâm và toàn bộ khu dân cư phía Đông. Từ 2010 - 2015: phát triển trên diện tích 180 ha với nhiệm vụ trọng tâm là hoàn tất khu hạt nhân trung tâm và khu đa chức năng Đại lộ Đông-Tây. Từ 2015 - 2020: phát triển trên diện tích 87 ha chủ yếu cho khu dân cư ở phía Bắc. Từ 2020 - 2025: xây dựng trên 120 ha còn lại, tập trung ở phía Nam Đại lộ Đông-Tây. 

Tin cùng chuyên mục