Khuyến đọc từ tủ sách gia đình

Đề thi môn Văn tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2022-2023 vào sáng 11-6, có một câu yêu cầu học sinh viết bài nghị luận về một quyển sách hoặc tác phẩm văn học giúp học sinh hiểu thêm về chính mình, được cho là khá thú vị. Cũng từ đó, không ít phụ huynh lo lắng, không biết con em mình đã đọc sách gì trong hành trình trưởng thành, ngoài những cuốn truyện tranh hay những mẩu chuyện trôi nổi trên mạng. 

Trẻ chọn mua sách tại một nhà sách hiện đại ở TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Trẻ chọn mua sách tại một nhà sách hiện đại ở TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Kết nối các thành viên trong gia đình

 Trong 5 năm qua, Nhà xuất bản (NXB) Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức chương trình khuyến đọc tại nhiều địa phương trên cả nước. “Qua những chương trình đó, chúng tôi nhận thấy nhu cầu chọn sách và xây dựng tủ sách trong gia đình từ các bậc phụ huynh rất lớn. Tuy nhiên, rất nhiều phụ huynh băn khoăn trong việc chọn sách cho con như thế nào, làm thế nào để xây dựng tủ sách gia đình và thói quen đọc sách cho con”, bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc - Tổng Biên tập NXB Phụ nữ Việt Nam, cho biết.

Ông Hoàng Anh Đức, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục Edlab Asia, đồng thời là tác giả cuốn sách Readology: Đọc thế nào?, cho rằng, để hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, cần phải hình thành một không gian sách xung quanh trẻ. Khi xung quanh được bao vây bởi sách thì trẻ mới có điều kiện để đọc. Và việc đầu tiên để đọc sách thì phải có sách, cha mẹ cũng phải đọc sách. Chúng ta không thể nào hướng dẫn hay nuôi dưỡng một người đọc nếu bản thân chúng ta không đọc sách.

Theo TS Nguyễn Quốc Vương, tác giả cuốn sách Xây dựng tủ sách gia đình, cuộc sống hiện đại bận rộn với nhịp độ nhanh đã làm cho nhiều thứ hiển nhiên thành hiếm hoi, ngoại lệ như cùng ăn một bữa cơm bên nhau và trò chuyện cùng nhau. Cho nên, sự có mặt của tủ sách cùng văn hóa đọc trong gia đình sẽ giúp cải thiện môi trường giao tiếp, tạo ra sự kết nối vững chắc, sâu sắc trong gia đình. “Khi có tủ sách và gia đình cùng nhau đọc sách thì khi đó sách sẽ là điểm kết nối các thành viên trong gia đình”, TS Nguyễn Quốc Vương chia sẻ. 

Là người đã thành công trong việc xây dựng tủ sách gia đình, cũng như hình thành thói quen đọc sách cho con, chị Nhiên Hương (ngụ phường An Phú, TP Thủ Đức, TPHCM) cho rằng, ngày nay khi xã hội phát triển, các thiết bị điện tử thông minh ngày càng rẻ và thú vị, vô hình trung sẽ phân tán thời gian của chúng ta dành cho sách. Người lớn cũng bị các thiết bị ấy chi phối nên việc trẻ con mê game cũng là bình thường. Thay vì cấm con mình tiếp xúc với các loại game, chị chọn việc để sách xung quanh bé và quy định giờ đọc sách của gia đình.

“Nếu có gì muốn chia sẻ với phụ huynh về việc xây dựng tủ sách gia đình và tạo nên thói quen đọc sách cho cả nhà, tôi chỉ muốn nói rằng, các bạn cần đọc cùng con mình và để sách có cơ hội xuất hiện xung quanh bé. Không có đứa trẻ lười đọc, mà chỉ vì chúng ta chưa thật sự khuyến khích bé đọc hay đúng hơn là khuyến đọc đúng cách”, chị Nhiên Hương bày tỏ.

Giáo dục là gốc rễ 

Cùng với xây dựng tủ sách trong gia đình, việc hình thành thói quen đọc sách cho con cũng là yếu tố đang được quan tâm hiện nay. TS Nguyễn Quốc Vương cho rằng, trẻ em trước hết sẽ coi sách như một món đồ chơi, vì thế để trẻ làm quen với sách thì có thể lựa chọn sách đa phương tiện kết hợp cả âm thanh, hình ảnh, hình khối để trẻ có thể vừa xem, nghe, sờ, chơi. “Việc lựa chọn được sách phù hợp, trẻ thích có ảnh hưởng khá lớn đối với thái độ của trẻ với sách. Nó giống như ấn tượng đầu tiên khi ta tiếp xúc với người nào đó hoặc là mùi vị của những món ăn đầu tiên ta ăn trong đời do cha mẹ nấu”, TS Nguyễn Quốc Vương ví dụ. 

Khuyến đọc từ tủ sách gia đình ảnh 1 Trẻ đọc sách tại một nhà sách hiện đại ở TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Tác giả, nhà báo Nguyễn Thị Bích Hậu kể, ở nhà, chị là mọt sách nên có hẳn một tủ sách rất lớn, tuy nhiên các con chị lại không thích đọc sách. Cho đến khi các cháu tìm kiếm được học bổng và sắp sửa đi du học, phía nhà trường (cấp trung học - PV) gửi sang một danh sách các cuốn sách cần phải đọc, trong đó có rất nhiều tác phẩm văn học và sách lịch sử; và con chị buộc phải đọc hết chỗ sách đó để viết bài thu hoạch theo yêu cầu từ nhà trường. 

Từ câu chuyện của mình, tác giả Nguyễn Thị Bích Hậu cho rằng, để nâng chất lượng đọc sách trong mỗi gia đình thì điều kiện cơ bản nhất là giáo dục. Chị nói: “Ở các nước phát triển, học sinh phải đọc rất nhiều, một tháng ít nhất phải đọc vài cuốn, cả năm đọc vài chục hoặc hàng trăm cuốn tùy cháu. Thói quen này đã có từ khi các cháu còn bé, các cháu có thể thuyết trình về một cuốn truyện tranh, về một nhân vật trong truyện hay một con thú cưng. Các thầy cô đi dạy không có giáo trình theo kiểu sách giáo khoa ấn định mà mỗi người sẽ dạy một kiểu trên cái khung của trường. Do đó yêu cầu học sinh đọc rất nhiều, học sinh không muốn đọc cũng phải đọc. Chính vì vậy, gốc rễ để hình thành thói quen đọc sách cho trẻ, chính là thay đổi từ giáo dục”. 

Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc Công ty Đường sách TPHCM, cũng kiến nghị: “Xin có một nền giáo dục thay đổi. Thay vì giáo dục thụ động, thầy đọc trò chép thì hãy giáo dục làm sao để học sinh đọc sách và cùng trao đổi với thầy cô. Giáo dục của chúng ta cần thực sự đổi mới thì văn hóa đọc mới có thể phát triển được”.

Theo ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc Công ty Đường sách TPHCM: Trong danh sách 61 quốc gia đọc sách nhiều nhất thế giới, Đông Nam Á có 3 nước: Singapore, Malaysia và Indonesia. Tại Indonesia, trước khi vào học, học sinh phải có 15 phút đọc sách mỗi ngày. Hay tại Hàn Quốc có quy định 1:3:3, nghĩa là một tuần 3 ngày, mỗi ngày 30 phút, cha mẹ phải đọc sách cùng con. Nhật Bản đã ban hành luật “Chấn hưng văn hóa Nhật Bản” để khắc phục tình trạng người già bắt đầu xao lãng việc đọc. Dẫn ra để thấy rằng, chúng ta nói đến giải pháp là phải luật hóa, các nước họ đã làm như vậy rồi.

Tin cùng chuyên mục