Tại cuộc họp, phía Công ty Sài Gòn Xanh cho biết đã hoạt động từ năm 2011. Tổng công suất thiết kế xử lý bùn thải giai đoạn 1 của nhà máy là 4.000 tấn/ngày. Tuy nhiên, cho đến nay, lượng bùn mà công ty tiếp nhận để xử lý chỉ mới đạt trung bình 1.350 tấn/ngày và chi phí theo đơn giá tạm tính là 1.300.000 đồng/tấn.
Về loại bùn thải, công ty đang tiếp nhận 3 loại bùn thải là bùn từ nạo vét kênh rạch, bùn nạo vét cống rãnh và bùn hữu cơ tách nước. Với bùn hữu cơ tách nước thì đưa vào xử lý ngay vì đây là bùn có khả năng phát sinh mùi cao nhất.
Riêng với hai loại bùn còn lại được đưa vào hồ lưu chứa (hồ bê tông có lót và phủ lớp HDPE) để kiểm tra thành phần chất thải trước khi đưa ra quy trình xử lý. Quy trình xử lý bùn thải cũng được thực hiện qua 5 công đoạn xử lý là phân loại kết hợp tách bùn hữu cơ, phối trộn, ủ hiếu khí, ủ chín và cuối cùng là mùn thành phẩm.
Toàn bộ các khâu vận hành đều được khép kín kết hợp khử mùi. Riêng bùn thải sau khi ép sẽ được chuyển giao cho các đơn vị thu mua làm phân bón. Hiện công suất tiếp nhận đối với loại chất thải trên quá ít so với công suất hoạt động của nhà máy.
Tuy nhiên, thực tế kiểm tra hoạt động tại hai nhà máy trên, đại diện UBND xã Đa Phước và Phong Phú cho rằng vẫn còn phát sinh mùi hôi đặc trưng của chất thải.
Do vậy, phía UBND xã đề nghị các công ty phải thực hiện nghiêm theo báo cáo đánh giá tác động môi trường mà Tổng cục Bảo vệ môi trường đã cấp phép; khắc phục nhanh tình trạng chảy tràn bùn thải trên bề mặt nhà xưởng, để giảm thiểu tối đa mùi hôi đặc trưng bùn, kết hợp vệ sinh công nghiệp hiệu quả hơn; cần kiểm soát nước bề mặt phát sinh từ nước mưa, tăng cường chế phẩm phun xịt khử mùi.
Tại cuộc họp, ông Lê Trung Tuấn Anh, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, Sở TN-MT TPHCM nhấn mạnh, Công ty Sài Gòn Xanh đang trong quá trình vừa vận hành vừa hoàn thiện xây dựng nhà máy.
Do đó, những phản ánh của chính quyền địa phương là cần phải ghi nhận để hoàn thiện hơn trong hoạt động xử lý của mình.
Phần lớn lượng bùn của công ty tiếp nhận là từ Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập của thành phố. Về phía trung tâm cũng đã thiết lập tổ kiểm tra thường xuyên khâu tiếp nhận và xử lý tại nhà máy.
Do đó, tổ kiểm tra này cần phải tăng cường giám sát chặt chẽ hơn, đồng thời phản ánh thực trạng xử lý về Sở TN-MT để có biện pháp xử lý kịp thời nếu phát sinh những vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường.
Riêng đối với Công ty TNHH Hòa Bình, đề nghị công ty phải thay đổi công nghệ xử lý để tái sử dụng tốt nhất chất thải thu gom và xử lý. Yêu cầu các đơn vị có biện pháp xử lý ngay như che chắn khu vực tiếp nhận chất thải.
Với những chất thải có nguy cơ phát tán mùi thì phải được xử lý để giảm thiểu tối đa phát tán mùi hôi. Còn trong thời gian tới, sở phối hợp địa phương và các cơ quan chức năng liên quan thiết lập trạm kiểm tra chất lượng, đánh giá mùi hôi tại khu vực này.
Đồng thời, thành lập tổ kiểm tra nhân dân có chức năng kiểm tra đột xuất và định kỳ hoạt động của nhà máy, tránh để phát sinh mùi hôi, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống người dân.