Kiến nghị cơ chế đặc thù thực hiện công trình phòng chống sạt lở

10 năm qua, trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã xảy ra hàng trăm vụ sạt lở bờ sông, bờ biển, làm mất 5.250ha đất ở, đất sản xuất nông nghiệp và đất rừng phòng hộ. Hiện tại, nhiều đoạn bờ sông, bờ biển ở Cà Mau tiếp tục có nguy cơ bị sạt lở, đe dọa an toàn của hàng chục khu dân cư, trường học, công trình phúc lợi…
Công trình bờ kè chống sạt lở kết hợp phát triển du lịch được thực hiện thí điểm tại huyện Ngọc Hiển
Công trình bờ kè chống sạt lở kết hợp phát triển du lịch được thực hiện thí điểm tại huyện Ngọc Hiển

Nguy hiểm chực chờ

Tại 2 huyện Đầm Dơi và Ngọc Hiển, chưa năm nào số vụ sạt lở đất ven sông, ven biển xảy ra nhiều và nghiêm trọng như năm nay. Thống kê chưa đầy đủ, 8 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn 2 huyện xảy ra hơn 150 vụ sạt lở. Riêng tại huyện Đầm Dơi, có ngày xảy ra đến 4-5 vụ sạt lở, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của hàng trăm hộ dân.

Ông Nguyễn Phước Lên (nhà gần cửa biển Bồ Đề, xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển) lo lắng: “Do không có đê bảo vệ, nên khu vực này liên tiếp xảy ra sạt lở bờ biển. Hiện nay đang vào mùa mưa nên nhiều hộ dân sống trong khu vực đã bỏ nhà đi nơi khác để đảm bảo an toàn. Gia đình tôi đang nỗ lực gia cố, tìm cách giữ lại các vuông tôm có nguy cơ sạt lở. Rất mong Nhà nước, các cấp chính quyền và ngành chức năng sớm có giải pháp hỗ trợ, phòng chống sạt lở, để bà con chúng tôi được an toàn, không bị thiệt hại tài sản”.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau mới đây, tổng chiều dài bờ biển Cà Mau đang bị sạt lở khoảng 89km, trong đó có 31km sạt lở đặc biệt nguy hiểm; sạt lở bờ sông khoảng 425km với mức độ khác nhau, trong đó khoảng 120km sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Trước đó, giai đoạn 2011-2021, sạt lở bờ biển ở tỉnh Cà Mau đã làm mất 5.250ha đất ở, đất sản xuất nông nghiệp và đất rừng phòng hộ.

Trước thực tế trên, UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị trung ương sớm hỗ trợ các nguồn vốn phù hợp để địa phương xây dựng kè bảo vệ các đoạn bờ biển đang bị sạt lở nặng. Tổng kinh phí thực hiện dự toán khoảng 3.410 tỷ đồng. Đồng thời hỗ trợ vốn để tỉnh Cà Mau xây dựng công trình bảo vệ bờ sông tại các khu vực dân cư tập trung, tổng kinh phí thực hiện khoảng 3.770 tỷ đồng; đầu tư xây dựng 7 khu tái định cư để sắp xếp di dời hơn 1.380 hộ dân đang sinh sống trong các khu vực sạt lở, tổng kinh phí thực hiện khoảng 349 tỷ đồng.

Đề xuất cơ chế đặc thù

Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết, đã chỉ đạo các cấp chính quyền, ngành chức năng ở địa phương chủ động phối hợp với các bộ ngành trung ương nỗ lực giải quyết các nhiệm vụ phòng chống sạt lở trong giai đoạn từ nay đến năm 2025. “Nếu không xử lý dứt điểm, căn cơ các phần việc, nhiệm vụ trong kế hoạch, sạt lở sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng hơn, thiệt hại sẽ càng lớn hơn, khó khắc phục”, ông Nguyễn Tiến Hải nhìn nhận, đồng thời chia sẻ, hiện tỉnh Cà Mau phải thường xuyên ứng phó với tình huống khẩn cấp do liên tục xảy ra sạt lở nặng.

Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Về lâu dài, nếu không có giải pháp phòng chống sạt lở căn cơ, tỉnh Cà Mau có nguy cơ tụt hậu trong phát triển kinh tế so với các địa phương khác trong khu vực và cả nước.

Theo ông Nguyễn Tiến Hải, các dự án phòng chống thiên tai là những dự án không trực tiếp tạo ra nguồn thu cho địa phương. Mặt khác, do đặc thù địa hình, địa mạo của tỉnh rất dễ bị tổn thương, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, tác động trên phạm vi rộng, nên nguồn vốn đầu tư các dự án phòng chống thiên tai rất lớn, vượt xa khả năng cân đối ngân sách của địa phương.

Từ thực tế trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau vừa có báo cáo cụ thể tình hình thực tế sạt lở, đồng thời kiến nghị trung ương áp dụng một số cơ chế đặc thù trong thực hiện các công trình phục vụ nhiệm vụ phòng chống thiên tai tại địa phương. Cụ thể, tỉnh Cà Mau kiến nghị trung ương xem xét áp dụng cơ chế đặc thù để địa phương vay lại vốn ODA với tỷ lệ 10% (thay vì 30%) theo quy định tại khoản 4, điều 1, Nghị định số 79/2021/NĐ-CP.

Đồng thời cho phép kêu gọi xã hội hóa trong việc đầu tư công trình chống sạt lở bờ biển theo hướng: khi doanh nghiệp đầu tư xây dựng công trình kè phá sóng phía ngoài bờ biển, doanh nghiệp được sử dụng phần diện tích đất bên trong kè (là đất, rừng phòng hộ đã bị sạt lở) để thực hiện các công trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội như dự án năng lượng tái tạo ven biển; dự án sắp xếp dân cư ven biển, ven sông; dự án phát triển dịch vụ du lịch…

Ông Tô Hoài Dân, chủ khu du lịch Khai Long (đơn vị được UBND tỉnh Cà Mau cho thí điểm làm bờ kè phục vụ du lịch tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển) cho biết, các doanh nghiệp thường e ngại thực hiện các dự án ở những nơi có nguy cơ sạt lở cao, vì chi phí đầu tư rất lớn, dễ phát sinh rủi ro. Do đó, Nhà nước cần có cơ chế chính sách rõ ràng, phù hợp để thu hút doanh nghiệp đầu tư, đảm bảo quyền lợi của các bên.

Tin cùng chuyên mục