Kiến nghị điều chỉnh mức doanh thu chịu thuế của hộ, cá nhân kinh doanh

Nhiều ý kiến cho rằng quy định hàng hóa dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 150 triệu đồng trở xuống thuộc đối tượng không chịu thuế, là chưa phù hợp thực tiễn.

Chiều 16-4, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM tổ chức hội thảo góp ý Luật Thuế Giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi.

Góp ý về doanh thu không chịu thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh, TS Nguyễn Vinh Huy, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM cho rằng dự thảo quy định hàng hóa dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 150 triệu đồng trở xuống thuộc đối tượng không chịu thuế, là chưa phù hợp. Cụ thể, mức giảm trừ gia cảnh với cá nhân làm công ăn lương với trường hợp không có người phụ thuộc là 132 triệu đồng/năm, nếu có một người phụ thuộc là 184,8 triệu đồng/năm, nếu có hai người phụ thuộc là 237,6 triệu đồng/năm.

fb922a410932a76cfe23.jpg
Các đại biểu tham dự phát biểu tại hội thảo chiều 16-4

Trong khi đó, hộ, cá nhân kinh doanh vẫn là hình thức kinh doanh được đại đa số hộ, cá nhân nhỏ lẻ lựa chọn khi tham gia thị trường do có sự thuận lợi cho cá nhân kê khai, nộp thuế. Thực tiễn tìm hiểu các hộ, cá nhân kinh doanh, được biết doanh thu kinh doanh để tính tiền thuế của hộ, cá nhân kinh doanh theo từng năm có xu hướng tăng khi được cơ quan thuế đề nghị mức tăng từ 5-10% so với năm liền kề.

Ngoài ra, ông cũng kiến nghị, Chính phủ được thẩm quyền quy định thay đổi mức doanh thu của hàng hóa, dịch vụ cho hộ, cá nhân kinh doanh khi có sự biến động về chỉ số lạm phát, chi phí đầu vào… trong thời gian áp dụng ổn định tính thuế là 3 năm liên tục.

Nhiều ý kiến góp ý về điều kiện được khấu trừ thuế GTGT đầu vào tại dự thảo “có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào, trừ hàng hóa, dịch vụ mua từng lần có giá trị dưới 5 triệu đồng”.

Theo đại diện Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, dự thảo đề xuất thay đổi quy định về định mức đối với thanh toán không dùng tiền mặt từ dưới 20 triệu đồng, xuống còn dưới 5 triệu đồng nhằm góp phần minh bạch hóa giao dịch mua bán giữa các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong thực tế có rất nhiều nhà hàng, quán ăn chỉ chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt nên sẽ rất khó cho doanh nghiệp khi lỡ sử dụng dịch vụ ăn uống. Do vậy, dự thảo nên quy định mức thanh toán không dùng tiền mặt ở mức dưới 10 triệu đồng và để minh bạch việc mua bán của các doanh nghiệp có thể xem xét việc đăng ký tài khoản nhận thanh toán chuyển khoản là điều kiện bắt buộc.

Trong khi đó, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam TPHCM đề nghị bỏ nội dung này trong dự thảo. Lý do là sự phát triển của kinh tế số cũng như thanh toán không dùng tiền mặt cho phép thanh toán không dùng tiền mặt với giá trị nhỏ lẻ. Do đó, dự thảo không nên giới hạn giá trị chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt 5 triệu trở lên làm điều kiện khấu trừ.

Ở góc nhìn khác, TS Nguyễn Vinh Huy cho rằng nội dung quy định về chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt nên được xem xét lại. Ông dẫn thực tế khi áp dụng hóa đơn điện tử cũng phải lùi thời hạn triển khai và thực hiện theo lộ trình. Bởi cơ sở vật chất, điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp ở các địa phương là rất khác nhau, nên cần quy định cho phù hợp.

Đại diện các cơ quan tham dự hội thảo cũng góp nhiều ý kiến liên quan đến mức thuế GTGT với các mặt hàng cụ thể như đường, thực phẩm chế biến, nước sạch; vấn đề thuế GTGT đối với hoạt động chuyển quyền sử dụng đất, dịch vụ kinh doanh chứng khoán…

Ghi nhận ý kiến các đại biểu dự hội thảo, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM Hà Phước Thắng cho biết theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 thì Luật Thuế GTGT sửa đổi với 4 chương, 16 điều, sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 diễn ra vào tháng 5-2024. Dự kiến Quốc hội sẽ thông qua Luật này vào kỳ họp cuối năm nay.

Tin cùng chuyên mục