Kim tự tháp Louvre: Dấu ấn của chính trị và tình yêu

Ngày 29-3-1989, Bảo tàng Louvre tại thủ đô Paris, Pháp chính thức khai trương kim tự tháp bằng kính, biểu tượng của sự phối hợp hài hòa giữa hai nền kiến trúc cổ điển và hiện đại. 
Kim tự tháp bằng kính lung linh về đêm
Kim tự tháp bằng kính lung linh về đêm

Nhưng ít ai biết được rằng, đằng sau dáng vẻ kiêu hãnh của kim tự tháp, là một món quà của tình yêu mãnh liệt cũng như dấu ấn chính trị của một đời tổng thống.

Tại Pháp, mỗi đời tổng thống thường muốn lưu lại một hay nhiều dấu ấn văn hóa -  chính trị cho hậu thế: Georges Pompidou có trung tâm văn hóa mang tên ông - Centre Pompidou; Jacques Chirac có Bảo tàng Musée d’Orsay... Nhưng có lẽ cố Tổng thống Francois Mitterand là người để lại nhiều dấu ấn nhất, trong số này đáng chú ý là kim tự tháp bằng kính tại Bảo tàng Louvre.

Những ai biết rõ về kim tự tháp này, đều hiểu đó từng là một bài toán khó, một phương trình chính trị và văn hóa cực kỳ phức tạp. Ngược dòng thời gian, ngày 31-7-1981, khi vừa mới đắc cử, Tổng thống Francois Mitterand đã nhận được một tờ trình của tân bộ trưởng văn hóa lúc bấy giờ là ông Jack Lang, đề nghị biến Louvre thành một bảo tàng lớn nhất thế giới. Vào thời ấy, Louvre vẫn chưa được “độc quyền” chiếm hữu toàn bộ khu cung điện như ngày nay. Một phần của cung điện là trụ sở của Bộ Tài chính, sân là một bãi đậu xe. Do vậy, tất cả mọi thứ phải chuyển đi nơi khác để giải phóng Louvre. 

Biết rằng dự án này sẽ gặp phải sự phản đối mạnh mẽ và để cho mọi việc được xúc tiến nhanh hơn, đích thân Tổng thống Mitterand quyết định chọn một trong những nhà thiết kế nổi tiếng nhất thế giới lúc bấy giờ là kiến trúc sư người Mỹ gốc Hoa Ieoh Ming Pei và phân việc cho mọi người. Bản mẫu thiết kế sau đó đã được cha con kiến trúc sư bí mật trình riêng Tổng thống Mitterand vào năm 1983. Nhưng họ không ngờ sẽ phải đối mặt với những phản ứng mạnh mẽ từ các thành viên trong Ủy ban Bảo tồn các công trình kiến trúc. “Ông đang phá hủy di sản của Pháp”, “Ở đây không phải là Dallas đâu nhé”…, là những lời chỉ trích của các thành viên trong ủy ban nhắm vào ông Ieoh Ming Pei. Tranh cãi dữ dội cũng diễn ra trong làng báo chí Pháp thời ấy. Các tờ Le Figaro, Le Monde… trong nhiều năm với những lời lẽ lên án không kém phần cay nghiệt khi nói về Louvre như: nhà xác, mụn cóc, Louvre bị biến dạng… Nước Pháp bị chia rẽ giữa bên ủng hộ và bên chống. 

Theo France 2, sở dĩ Tổng thống Mitterand kiên quyết không lùi bước là vì ông rất thiết tha với dự án này, nhất là vì người tình thầm kín của ông - Anne Pingeot, là người quản lý bảo tàng, chuyên gia về điêu khắc. Bà chia sẻ cùng ông niềm đam mê nghệ thuật, cũng như những khoảnh khắc khác trong cuộc sống. Jose Freches - cố vấn của cựu Thị trưởng Paris Jacques Chirac (1986 - 1988), cho hay: “Giả như không có mối quan hệ này giữa ông Mitterand và bà Pingeot, tôi không chắc là sẽ có một viện bảo tàng Louvre lớn như ngày nay. Anne Pingeot đóng vai trò chủ chốt”. Trong cuộc chiến xây dựng kim tự tháp bằng kính còn một người khác cũng có vai trò quyết định: Thị trưởng Paris thời ấy, ông Jacques Chirac. 

Tiến độ công trình được thúc đẩy nhanh hơn nữa. Cuộc bầu cử quốc hội 1986 sắp đến gần, đảng cánh tả của Tổng thống Mitterand được cho là thua cuộc. Dù vậy, việc hai đảng tả - hữu cùng chia nhau quyền lực điều hành đất nước cũng không ngăn cản được Tổng thống Mitterand cắt băng khánh thành kim tự tháp - một dấu ấn cho nhiệm kỳ 2 của ông, một món quà cho tình yêu của ông. Và bài toán khó đã có lời giải đối với các nhà thiết kế.

Giờ đây, sau 30 năm tồn tại, kim tự tháp bằng kính vẫn sừng sững giữa sân điện Louvre, vẫn uy nghi lộng lẫy như lúc ban đầu. Tác phẩm của nhà kiến trúc Ieoh Ming Pei được ca tụng là một thành công lớn. Năm 2018, Bảo tàng Louvre vui mừng cho biết, đã vượt ngưỡng 10 triệu lượt khách đến tham quan.

Tin cùng chuyên mục