
Các cuộc thảo luận vấn đề phòng chống tham nhũng đã làm không khí của SOM III và các cuộc họp liên quan trở nên sôi động từ ngày 9-9 (và kéo dài đến ngày 13-9). Phần trình bày của các đại biểu Trung Quốc và Singapore nhận được sự chú ý lớn, đặc biệt là kinh nghiệm của Singapore. Ông Soh Kee Hean, Giám đốc Cơ quan điều tra chống tham nhũng Singapore (CPIB) đã chia sẻ điều này với báo chí.
Không có “vùng cấm” trong chống tham nhũng
Ông Soh Kee Hean cho biết, kinh nghiệm phòng chống tham nhũng của Singapore đã có từ trước khi nước này giành độc lập. Lúc đó, nạn tham nhũng hoành hành dữ dội mà nguyên nhân một phần là do hệ thống luật quá lỏng lẻo. Cơ quan điều tra chống tham nhũng Singapore ra đời năm 1952 (khi Anh vẫn còn thống trị).
Trong quá trình phát triển, Singapore đã hoàn thiện hệ thống pháp lý, giảm tối thiểu kẽ hở giúp cho việc thực thi pháp luật mạnh. Cải cách hành chính mạnh mẽ tạo điều kiện cho các cơ quan chính quyền làm việc hiệu quả hơn từ đó làm giảm cơ hội tham nhũng. Công nghệ thông tin hiện đại được ứng dụng sâu rộng giảm tối thiểu việc tiếp xúc trực tiếp của công chúng với những nguồn có khả năng nhũng nhiễu.

Hệ thống phòng chống tham nhũng của Singapore sở dĩ hoạt động hiệu quả được là nhờ tăng cường quyền lực tối đa cho Cơ quan điều tra chống tham nhũng (CPIB) và mức độ trừng phạt đối với những hành vi hối lộ, tham nhũng ngày càng nghiêm khắc hơn.
Hiện nay CPIB chỉ nhận chỉ đạo trực tiếp từ thủ tướng và là cơ quan có thẩm quyền đầy đủ và có quyền hành cao nhất ở Singapore, được quyền tiến hành điều tra tham nhũng trên tất cả các lĩnh vực chính trị, dân sự, pháp lý…
Ông Soh Kee Hean cho biết: “Các hành vi hối lộ, tham nhũng đều bị trừng phạt ở bất cứ khu vực nào, cấp độ nào, dù tư nhân hay cơ quan chính phủ, dân thường hay quan chức cao cấp. Cá nhân nào phạm tội tham nhũng, ngoài việc bị mức án giam, còn phải thanh toán đầy đủ số tiền nhận hối lộ, nếu không sẽ được “cộng” vào hình thức phạt giam. Doanh nghiệp bị tố cáo hoặc có dấu hiệu hối lộ, sẽ bị đề nghị kết thúc dự án và đưa vào “danh sách đen”, không cho tham gia những cơ hội kinh doanh khác của chính phủ”.
Ông Soh Kee Hean cho biết thêm, ở Singapore không có tư duy về “vùng cấm” trong công tác điều tra tham nhũng và trong trường hợp Thủ tướng bị tố cáo tham nhũng, theo quy định của hiến pháp, CPIB được quyền đến thẳng Tổng thống xin tạm quyền điều tra và xóa bỏ tất cả những trở ngại làm cản trở quá trình điều tra. 95% trường hợp CPIB đưa ra khởi tố là đều có tội.
Vai trò quan trọng của báo chí
Một điều mà ông Soh Kee Hean chia sẻ là báo chí đóng vai trò quan trọng giúp phòng chống tiêu cực ở Singapore. Giới truyền thông được khuyến khích đưa tin và giúp phanh phui nhiều trường hợp tham nhũng, hối lộ. Báo chí có thể tiếp cận trực tiếp với CPIB để trao đổi các thông tin mà không gặp trở ngại nào. Sự tham gia tích cực của báo chí góp phần tạo ra “văn hóa chống tham nhũng”, giúp răn đe và giáo dục ý thức trong dân chúng.
Hệ thống lương dành cho các công chức của Singapore cũng là một điều đáng học hỏi. Hệ thống lương này liên quan chặt chẽ với khu vực tư nhân và không có độ chênh lệch nhiều. Nếu lương khu vực tư nhân tăng thì các công chức này cũng được tăng lương theo và ngược lại.
Giáo dục ý thức từ khi còn là “măng”
Ngay từ khi mới thành lập CPIB, Singapore đã nghiêm túc xây dựng một chương trình giáo dục sâu rộng ý thức của người dân trong phòng chống tham nhũng, thực hiện đồng bộ trong hai giới sinh viên học sinh và trong cộng đồng. Chương trình giáo dục trong sinh viên, học sinh được thực hiện ở ngay từ những lớp rất bé để đào tạo những lớp công dân tốt, có giá trị về nhân cách, về con người hữu ích cho xã hội.
CPIB thường xuyên tổ chức các chương trình tập huấn với hiệu trưởng của các trường để cập nhật những thông tin mới nhất đưa vào giảng dạy. Ngoài ra, CPIB còn tổ chức những lớp đặc biệt dành riêng cho các đối tượng là các sinh viên cao đẳng, đặc biệt là các sinh viên thuộc lĩnh vực hành chính công và quản lý chính phủ để học cách chống tham nhũng với những ví dụ thực tế sinh động.
Về chương trình giáo dục trong cộng đồng, Singapore tổ chức các chiến dịch tuyên truyền rộng lớn để để người dân hiểu rằng nếu không chống tham nhũng tốt thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh của cả Singapore.
Trong những ngày qua, Hội nghị các quan chức cao cấp APEC lần III (SOM III) và các cuộc họp liên quan tiếp tục với các hội thảo: Tập huấn về phân tích giới của Mạng lưới các đầu mối công tác về giới APEC (GFPN), Đối thoại chính sách thương mại của Ủy ban thương mại và đầu tư (CTI), hội thảo về việc Đảm bảo vận hành tốt nền kinh tế khi bùng nổ dịch bệnh của Nhóm đặc trách về y tế (HTF), họp toàn thể Ủy ban kinh tế (EC), họp Nhóm đặc trách về chống tham nhũng. |
HOÀI ANH