Ký kết xuất khẩu thạch đen Việt Nam sang Trung Quốc

Thạch đen là một đặc sản của Việt Nam được thị trường Trung Quốc rất ưa chuộng. Chiều nay 8-12, Việt Nam và Trung Quốc đã chính thức ký nghị định thư cho phép xuất - nhập khẩu sản phẩm này từ Việt Nam sang Trung Quốc. 

Chiều 8-12, tại trụ sở của Bộ NN-PTNT ở Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Việt Nam và ông Nghê Nhạc Phong - Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký kết nghị định thư xuất khẩu thạch đen Việt Nam sang Trung Quốc.

Đồng thời chiều nay 8-12, tại trụ sở Bộ NN-PTNT ở Hà Nội, đã diễn ra hội nghị trực tuyến giữa Bộ NN-PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc nhằm thúc đẩy thương mại nông sản hai nước.

Hội nghị giữa Bộ NN-PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc theo hình thức trực tuyến chiều 8-12
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì hội nghị ở đầu cầu Việt Nam
Hai bên cùng ký nghị định thư thông qua hình thức trực tuyến chiều nay 8-12

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Việt Nam Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc Nghê Nhạc Phong và các đồng nghiệp đã tích cực hỗ trợ thúc đẩy ký trực tuyến nghị định thư về xuất khẩu thạch đen của Việt Nam sang Trung Quốc. 

Theo ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT Việt Nam), trước khi ký kết nghị định thư, các chuyên gia của Trung Quốc đã sang Lạng Sơn để kiểm tra khu vực sản xuất, đóng gói và các biện pháp bảo quản thạch đen tại địa phương này.

Lạng Sơn hiện có diện tích trồng thạch đen lớn nhất cả nước với diện tích khoảng 2.000ha cho sản lượng trên 10.000 tấn/năm. Với sản lượng này, thu nhập của người dân trên địa bàn tỉnh này đạt khoảng 200-250 tỷ đồng/năm từ mặt hàng – sản phẩm này. 

Đặc sản thạch đen được chế biến từ cây thạch đen ở Lạng Sơn - Cao Bằng

Việc mở được cửa thị trường cho sản phẩm này sẽ mang lại cơ hội xuất khẩu tốt hơn, nâng cao thu nhập cho người dân trong thời gian tới. 

Theo Bộ NN-PTNT, Việt Nam có nhiều lợi thế về trồng và sản xuất thạch đen. Không chỉ Lạng Sơn mà tại Cao Bằng và một số tỉnh, thành phố ở phía Nam cũng có thể phát triển loại cây trồng này. 

Tin cùng chuyên mục