Ngày 20-12, Hội Nhà văn Việt Nam đã long trọng tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Vũ Bằng (1913-2013) tại Hà Nội.
Rất đông các nhà văn nổi tiếng, các nhà nghiên cứu, lý luận phê bình văn học, báo chí đã cùng thắp nén nhang tưởng nhớ một nhà văn tài năng, một cán bộ tình báo xuất sắc của nhân dân: Vũ Bằng. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã kể lại nhiều câu chuyện xúc động nhà thơ được biết, chứng kiến về quá trình làm sáng tỏ nhân thân của nhà văn, nhà tình báo Vũ Bằng.
Vũ Bằng, tên khai sinh là Vũ Đăng Bằng, sinh năm 1913 trong một gia đình Nho học có truyền thống ở phố Hàng Gai, Hà Nội; quê gốc của ông ở Hải Dương. Từ nhỏ Vũ Bằng theo học Trường trung học Pháp Anbe Xarô cho đến hết Ban tú tài. Vũ Bằng say mê viết báo, viết văn từ những năm 30 của thế kỷ trước, khi còn là học sinh trung học.
Sự nghiệp viết văn, làm báo của ông nổi tiếng cùng thời các nhà văn nhà báo như Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Khái Hưng, Thạch Lam, Tô Hoài, Vũ Trọng Phụng... Ông được đánh giá là một trong số những nhà văn khởi đầu cho nền báo chí, văn học hiện đại. Chính ông là người đã phát hiện và là bà đỡ cho nhiều nhà sáng tác đầu tay của những người mới viết, sau này thành những nhà văn nổi tiếng như Tô Hoài, Nam Cao...
Nhờ Vũ Bằng mà bản thảo bị loại bỏ có tên ban đầu “Cái lò gạch cũ” của Nam Cao được phát hiện và đăng trên Tiểu thuyết thứ Bảy với tên “Đôi lứa xứng đôi”, sau này là tác phẩm Chí Phèo đã lập tức nổi tiếng và trở thành tác phẩm hiện thực xuất sắc nhất của cả trào lưu văn học hiện thực 1941-1945 của nhà văn Nam Cao.
Nhà văn, nhà tình báo Vũ Bằng có một số phận kỳ lạ và long đong, lận đận. Ông hoạt động ở Sài Gòn từ năm 1954 cho đến ngày thống nhất đất nước, năm 1975 dưới vỏ bọc viết văn làm báo và những tác phẩm nổi tiếng của ông được viết những năm đó như: “Thương nhớ mười hai” xuất bản năm 1961, “Miếng ngon Hà Nội” xuất bản năm 1971... Ông phải viết báo, thậm chí viết ở loại báo rẻ tiền để kiếm tiền sinh nhai, nhưng trong ông luôn luôn có một mạch nguồn vô cùng trong sáng khi viết về những vấn đề văn hóa, con người; đặc biệt những đau đáu, nhớ thương về xứ Bắc và Hà Nội...
Cho đến tận khi nhắm mắt lìa đời, thân phận thật của Vũ Bằng vẫn chưa được sáng tỏ. Ông ra đi (năm 1984) vẫn mang tiếng là một con người, một nhà văn đã rời bỏ hàng ngũ. Mãi cho đến năm 2000, ông mới được làm sáng tỏ thân phận và được trao tặng Huân chương Kháng chiến.
CAO MINH