Thành phố Hồ Chí Minh cùng với nhiều tỉnh thành khác vừa công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT. Với tỷ lệ đậu trên 94%, TPHCM là một trong những địa phương có tỷ lệ đậu tốt nghiệp cao của cả nước. Kết quả này cho thấy dù còn nhiều khó khăn nhưng công tác chăm lo cho sự nghiệp giáo dục của TP luôn được ưu tiên.
Kết quả này càng ý nghĩa khi biết rằng TPHCM cũng là một trong những địa phương có tỷ lệ người nhập cư nhiều nhất nước. Với bộ phận dân cư không nhỏ hàng năm đến làm việc, kiếm sống, TPHCM đã không để gia tăng tình trạng mù chữ hay trẻ không được đến lớp mà còn tạo điều kiện cho phần lớn bộ phận dân cư trong độ tuổi được đi học đầy đủ và đạt kết quả tốt.
Thế nhưng sau mỗi kỳ thi tốt nghiệp hàng năm, dư luận lại đặt vấn đề có nên tiếp tục duy trì một kỳ thi mà nhiều ý kiến cho rằng tốn kém nhưng không có nhiều ý nghĩa này? Cảnh những em học sinh nằm lăn ra ngủ ngay lớp học ôn thi, hay nhiều em “gò” bài đến phải ngã bệnh… thì có thể hình dung áp lực nặng nề của kỳ thi này. Điều đáng quan tâm hơn khi không ít trường đã cắt giảm các môn học được cho là môn phụ, không thi tốt nghiệp để tập trung tăng tiết cho các môn thi đại học ngay từ giữa năm học lớp 12.
Ngay từ bắt đầu bậc học THPT, nhiều học sinh cũng chỉ chăm chăm vào các môn thi đại học. Năm nay, tình cảnh trớ trêu đã xảy ra khi thi tốt nghiệp có cả sử lẫn địa khiến từ giáo viên đến học sinh các trường phải tức tốc quay lại giáo án các môn vốn đã không còn được quan tâm này. Tất cả những điều trên cho thấy thi tốt nghiệp THPT chỉ là một kỳ thi đối phó chứ không phải thực chất là một kỳ thi để chứng nhận chuẩn kiến thức cho học sinh.
Điều này càng được dư luận khẳng định khi một học sinh tốt nghiệp 30 điểm với một học sinh tốt nghiệp 60 điểm đều không có gì khác nhau! Sự chứng nhận cho chuẩn kiến thức phổ thông này sau đó không còn ý nghĩa gì khi muốn vào đại học thì các thí sinh phải qua một kỳ thi tuyển với yêu cầu cạnh tranh gay gắt. Vì vậy, nhiều người cho rằng chỉ nên có một kỳ thi, vừa bớt tốn kém, vừa không gây áp lực tâm lý cũng như khuyến khích lối học tủ của học sinh.
Nhưng nhìn ra thế giới, bất cứ nền giáo dục của quốc gia nào cũng xác định chuẩn kiến thức bằng các kỳ thi. Học thì phải có thi. Không cứ nơi nào tổ chức nhiều kỳ thi thì nền giáo dục yếu. Càng không phải quốc gia nào có nền giáo dục căn cơ, bền vững thì có ít kỳ thi. Lịch sử nước ta đã có nhiều nhà bác học, nhiều tiến sĩ với sự học uyên thâm cũng xuất phát từ việc mài đũng quần trên ghế nhà trường và lều chõng đi thi.
Vì vậy, sự “rối rắm” trong giáo dục hiện nay không hẳn là do sự bất cập của các kỳ thi mà cái chính là ở mô hình và phương pháp giáo dục. Một khi có phương pháp phù hợp thì không cần phải gò bài đêm ngày cũng có thể tự tin bước vào phòng thi. Và khi có một mô hình phù hợp hơn thì việc có nên thi tốt nghiệp hay chỉ cần một kỳ thi cũng không còn là điều phải bàn cãi.
Kết quả một kỳ thi cho cái nhìn về sức học, nhưng những tranh cãi quanh đó sẽ cho thấy rõ hơn sự cần thiết phải thay đổi những lề thói cũ đang ngăn sự phát triển của nền giáo dục nước nhà.
Linh An