Ký ức về xưa và nay

Ký ức về xưa và nay

Sau ngày Sài Gòn giải phóng, nếu đi từ trung tâm thành phố về quận Gò Vấp, chúng ta thấy rất nhiều nghĩa trang như: nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, nghĩa trang cạnh cổng xe lửa số 9 quận Phú Nhuận, nghĩa trang trước công viên Gia Định quận Gò Vấp… Qua khỏi cầu Kiệu, hiện ra hai bên bờ kênh Nhiêu Lộc những dãy nhà ổ chuột mọc san sát, lấn gần hết dòng kênh. Ấn tượng khó quên đối với dòng kênh này là nước đen ngòm, đặc sệt và hôi thối.

Một lần ghé nhà người bạn ở quận 1 - nằm trên kênh Nhiêu Lộc, ngồi trong nhà, tôi chịu không nổi mùi hôi tanh nồng nặc bốc lên từ dưới dòng kênh khi nước cạn…Thế nhưng, bây giờ dấu ấn xưa đã đổi thay, nhiều nghĩa trang đã được cải tạo thành những khu dân cư mới hoặc một ngôi chợ, một ngôi trường khang trang. Trong lòng thành phố không còn nghĩa trang nào nữa và nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi giờ đã lột xác thành công viên Lê Văn Tám rộng rãi, xanh tươi.

Kênh Nhiêu Lộc  giờ đã đổi màu khác xưa, uốn khúc nên thơ giữa lòng thành phố. Hiện con kênh này đã và đang được chỉnh trang cho đẹp hơn, sạch hơn, góp phần làm thay đổi bộ mặt thành phố. Điều đáng ghi nhận là nhờ công trình cải tạo kênh Nhiêu Lộc, TPHCM đã giúp hàng ngàn hộ dân từ bỏ cuộc sống tạm bợ, mất vệ sinh trên dòng kênh đen để đến nơi ở mới trong lành, tốt đẹp hơn.

Một góc “Xóm Cháy” ngày nay (khu phố 15, phường 3, quận Gò Vấp, TPHCM). Ảnh: ĐỨC TRÍ

Một góc “Xóm Cháy” ngày nay (khu phố 15, phường 3, quận Gò Vấp, TPHCM). Ảnh: ĐỨC TRÍ

Còn ngã ba Chú Ía (nay là ngã năm Gò Vấp) trước đây là địa danh nổi tiếng về tệ nạn xã hội. Hồi đó, đêm xuống đi từ ngã ba Chú Ía hướng đến ngã năm Chuồng Chó (nay là ngã sáu Gò Vấp), hai bên vỉa hè tối om, ít người qua lại nhưng có rất đông “gái bán hoa” đứng chào mời khách lộ liễu.

Gần đó có xóm Cháy là “địa danh nổi tiếng” thành phố lúc bấy giờ về tệ nạn xã hội. Người già ở đây kể, trước giải phóng xóm này là khu đất hoang rộng nằm sát phi trường Tân Sơn Nhất, tập trung nhiều người dân chạy loạn vì chiến tranh từ các tỉnh về, họ dựng những căn nhà lá tạm bợ hoặc căng tấm ni lông làm nơi ở nhưng sau bị hỏa hoạn thiêu rụi nên có biệt danh là xóm Cháy.

Nơi đây cũng là nơi cư trú của những cô gái mại dâm, tay anh chị có máu mặt nhưng chính quyền cũ không dẹp được. Ngay sau ngày giải phóng, quận Gò Vấp bắt đầu mở chiến dịch bài trừ tệ nạn xã hội ở xóm Cháy. Những người lầm lỡ, sai trái trong khu phố được đưa vào trại phục hồi nhân phẩm, họ được học nghề, hòa nhập với cuộc sống mới.

Không những thế, xóm Cháy còn được lãnh đạo TPHCM quan tâm, đầu tư xây một trường mầm non mang tên Hoa Hồng rất đẹp, xung quanh nó giờ đã mọc lên những căn nhà khang trang. Cái tên xóm Cháy giờ đã không còn và rất xa lạ với lớp trẻ sau này.

Có thể nói, những dấu ấn đổi thay của thành phố đã thể hiện tính ưu việt của chế độ ta. Từ những ký ức về xưa và nay, tôi càng thấy yêu thành phố mang tên Bác, thành phố đang vươn lên khẳng định vị trí tiên phong và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Lê Tăng Định

Tin cùng chuyên mục