Kỷ vật góp chuyện lịch sử

Đồ cổ hay đồ cũ còn tùy thuộc vào góc nhìn của mỗi người, nhưng kỷ vật luôn có giá trị nhất định, nhất là những câu chuyện đằng sau đó. Không chỉ kể về người, về đất, mà đôi khi những món đồ, vật dụng… còn góp phần làm nên nét văn hóa đa dạng của một vùng đất.
Một góc phòng trưng bày văn hóa người Hoa Sài Gòn - Chợ Lớn
Một góc phòng trưng bày văn hóa người Hoa Sài Gòn - Chợ Lớn

Những câu chuyện ân tình

Ngôi nhà với hàng ngàn kỷ vật lớn nhỏ từ giấy tờ, quần áo, vật dụng gia đình đến hình ảnh… được sắp xếp một cách gọn gàng theo từng chủ đề, từng câu chuyện về các gia đình, nhân vật, hay một nếp sinh hoạt trong đời sống… Phòng trưng bày văn hóa người Hoa Sài Gòn - Chợ Lớn (67 An Dương Vương, phường 8, quận 5) thực sự khiến người xem cảm nhận như một “bảo tàng thu nhỏ” gìn giữ một nét văn hóa riêng trong đời sống đa dạng ở TPHCM.

Nằm ở vị trí chính của không gian trưng bày là bức tranh - kỷ vật mà ông Lục Thiên Nhiên, một cán bộ lão thành cách mạng để lại. Ông còn có tên gọi khác là Lục Quý Hợp, Lục Kiện Lương (1910-1979), nguyên quán Nhiêu Bình, Quảng Đông (Trung Quốc), sinh tại huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, Việt Nam. Năm 1938, thông qua cuộc đấu tranh của nông dân chống lại sự bóc lột thực dân và điền chủ, các chi bộ Đảng của huyện Cầu Kè đã kết nạp một số thanh niên ưu tú vào Đảng Cộng sản Đông Dương (tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam). Huyện ủy huyện Cầu Kè được thành lập vào năm 1939, ông Lục Thiên Nhiên trở thành một trong 6 huyện ủy viên. Bức tranh vẽ hình con cá được treo trong không gian chính của ngôi nhà, do ông vẽ tặng con gái vào năm 1971, về sau được con trai Lục Tiến Nghĩa bảo quản và tháng 3-2020, ông Nghĩa quyên tặng Phòng trưng bày văn hóa người Hoa Sài Gòn - Chợ Lớn.

Hay những kỷ vật của Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Ngọc (người Hoa nhóm ngôn ngữ Triều Châu) cũng được trang trọng để ở một không gian riêng, bên cạnh hình ảnh những người con trong gia đình mẹ. “Càng tìm hiểu về gia đình mẹ Ngọc, tôi càng nể phục một gia đình có tình có nghĩa. Cô Ngọc Liên là con của mẹ Ngọc, bây giờ cũng chăm sóc một cựu chiến sĩ cách mạng bị liệt là cô Lưu Quế. Mặc dù không có quan hệ họ hàng hay thân thiết gì hết, nhưng ngày nào cô Liên cũng đến nhà chăm sóc cô Quế và đến chiều, khi con cái cô Quế đi làm về thì cô Liên mới an tâm về nhà”, anh Dương Rạch Sanh (ngụ quận 11, người lập nên phòng trưng bày) kể.

Người kể chuyện đằng sau kỷ vật

Kiên trì vận động và dày công thực hiện, anh Dương Rạch Sanh mất một năm rưỡi để sưu tầm và hoàn thành phòng trưng bày. “Ban đầu, bà con hoài nghi vì không biết tôi đem những kỷ vật, cổ vật của gia đình họ đi đâu. Tôi giải thích để mọi người hiểu, sưu tầm và trưng bày từng kỷ vật một cách trang trọng, cẩn thận, dần dần mọi người ủng hộ và gửi tặng rất nhiều, trong đó có cả Nghệ nhân Nhân dân Trương Hán Minh hay họa sĩ Lý Khắc Nhu. Dù một số bảo tàng đã ngỏ lời xin đem tượng đồng “Người mẹ” về trưng bày, nhưng họa sĩ Lý Khắc Nhu vẫn nhất quyết tặng tượng đồng cho phòng trưng bày này. Điều đó làm tôi càng có thêm động lực để hoàn thành phòng trưng bày và trân trọng tấm lòng cũng như sự tin tưởng của mọi người dành cho nơi này”.

Hàng ngàn kỷ vật lớn nhỏ, giấy tờ, hình ảnh… trong phòng trưng bày này đều được anh Rạch Sanh nhớ rõ và kể lại từng chi tiết. Có thể ngồi hàng giờ để giải thích, kể lại câu chuyện về các kỷ vật, anh Sanh chia sẻ: “Ban đầu, làm việc với cộng đồng người Hoa, tôi thấy có nhiều câu chuyện hay nên có ý định sưu tầm và lưu giữ kỷ vật. Càng làm tôi càng thấy trân trọng và cảm phục câu chuyện đằng sau các kỷ vật đó. Công ty tôi đang làm còn căn nhà trống chưa sử dụng nên tôi xin để trưng bày kỷ vật”.

Mọi thứ được các cô chú quyên tặng, dù lớn hay nhỏ đều được đặt trang trọng và cẩn thận trong nhà, chia theo từng nhóm nội dung, câu chuyện liên quan. Chỉ tay về góc trưng bày những kỷ vật liên quan đến họa sĩ Lý Khúc Tiều, anh Rạch Sanh kể: “Khi sưu tầm những kỷ vật về ông, mọi thứ đến như cái duyên. Những kỷ vật, tranh vẽ mà ông để lại được mỗi người con mang theo một ít và đem qua nước ngoài rồi định cư lại. Đến khi người thân và người mua tranh qua đấu giá, gửi tặng phòng trưng bày các tác phẩm của họa sĩ Lý Khúc Tiều, từ tranh đến tượng điêu khắc, thì đúng như cái duyên - tác phẩm của ông trở lại Việt Nam”.

Công tác tiếp nhận kỷ vật quyên tặng vẫn tiếp tục, bên cạnh đó, anh Rạch Sanh cũng bắt đầu nghiên cứu việc bảo quản, để giữ gìn các kỷ vật tốt nhất có thể. Anh nói: “Hiện tại, mọi thứ đã được sắp xếp, chia theo nội dung, câu chuyện để trưng bày. Tôi đang mời một chuyên gia ở Bảo tàng TPHCM hỗ trợ về chuyên môn trong công tác bảo quản, để các kỷ vật được lưu giữ tốt nhất”.

Tin cùng chuyên mục