Hôm nay 20-5, kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII chính thức khai mạc tại Hà Nội, chương trình làm việc kéo dài hơn 1 tháng. Điều đáng chú ý là bên cạnh các nội dung thường kỳ khác, Quốc hội sẽ dành thời gian để nghe Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trình bày báo cáo về tình hình biển Đông, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; chủ trương và giải pháp của Việt Nam.
Ngay chiều nay, trong buổi chiều ngày đầu tiên của kỳ họp, Quốc hội sẽ nghe báo cáo quan trọng này. Tuy là một phiên họp riêng của Quốc hội nhưng sau phiên họp, người phát ngôn của Quốc hội sẽ công bố một số nội dung báo cáo. Điều đáng chú ý, phiên họp của Quốc hội về vấn đề biển Đông đã được đẩy lên sớm 2 ngày so với kế hoạch dự tính trước đó.
Điều đó cho thấy, tình hình biển Đông, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã trở thành mối quan tâm đặc biệt của Quốc hội tại kỳ họp lần này.
Bởi thực tế, đó là mối quan tâm hàng đầu hiện nay của mỗi một người dân, cử tri Việt Nam. Trong suốt thời gian qua, mọi cử tri đều có chung một mối quan tâm, và không gì khác ngoài việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Điều này đã được các cử tri thể hiện rất rõ thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội trước khi kỳ họp Quốc hội khai mạc, nhất là qua các cuộc tiếp xúc cử tri tại TPHCM của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, tại Hải Phòng của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Các cử tri đã cùng “nóng” lên vào thời điểm biển Đông đang nóng. Nhiều ý kiến cử tri đã đề nghị Quốc hội có ý kiến về hành vi Trung Quốc đưa giàn khoan cùng nhiều tàu sắt, tàu chiến, máy bay vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Có lẽ vì vậy, như để đáp lại kỳ vọng của cử tri cả nước, ngay ngày đầu tiên của kỳ họp, Quốc hội đã nghe báo cáo của Chính phủ về vấn đề này.
Việc Quốc hội có ra một nghị quyết hoặc một tuyên bố liên quan vấn đề biển Đông hay không còn phải phụ thuộc vào mức độ thảo luận của các ĐBQH sau khi nghe báo cáo của Chính phủ cũng như tập hợp ý kiến cử tri, thế nhưng điều đó cũng đã cho thấy, kỳ vọng của cử tri, của người dân cả nước vào tiếng nói của Quốc hội về vấn đề biển Đông và ý chí của Quốc hội đã rất gần nhau. Quốc hội là đại diện của người dân, chắc chắn không thể đứng ngoài nguyện vọng chính đáng, bức thiết này. Ngoài ra, hơn bao giờ hết, cử tri cả nước cũng rất mong Quốc hội sẽ có những hoạt động rõ nét hơn thông qua đối thoại, các chuyến ngoại giao nghị viện để tranh thủ sự ủng hộ của quốc hội các nước đối với cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền chính đáng của Việt Nam. Bởi thực tế thời gian qua, rất nhiều nghị sĩ, tổ chức quốc tế, nhân dân các nước đã lên tiếng ủng hộ Việt Nam trong vấn đề biển Đông và phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan trong vùng biển thuộc chủ quyền nước ta.
Ngoài kỳ vọng lớn về vấn đề biển Đông, tại kỳ họp này cử tri cũng rất kỳ vọng Quốc hội sẽ quyết định được nhiều dự án luật quan trọng. Trong 28 ngày làm việc chính thức của kỳ họp thứ 7, Quốc hội dành tới 3/4 thời gian cho công việc làm luật. Nhiều dự án luật sẽ được biểu quyết thông qua như Luật Đầu tư công, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Luật Phá sản, Luật Hải quan... Nhiều dự án luật khác được cho ý kiến là Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, Luật Nhà ở, Luật Hộ tịch... Đây đều là những dự án luật sẽ có tác động lớn đến đời sống của người dân, doanh nghiệp, là nút mở quan trọng cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế trong những năm tới đây, đặc biệt là về vấn đề đầu tư công, nhà ở, kinh doanh bất động sản, phát triển doanh nghiệp. Vì thế, một kỳ họp với chất lượng làm luật sát thực tế, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn là kỳ vọng của không ít cử tri, doanh nghiệp.
Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII hôm nay mới bắt đầu. Nhưng sức “nóng” của kỳ họp đã được tiên đoán, bởi bản thân thực tiễn cuộc sống đang rất “nóng”, không chỉ ngoài biển khơi mà cả trên đất liền. Mọi cử tri đều kỳ vọng Đảng, Nhà nước tập trung cao độ các biện pháp đấu tranh ngoại giao, vừa tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của quốc tế, vừa kiên trì, kiên quyết và khôn khéo bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đồng thời với đó là kiên quyết giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước. Với kỳ vọng đó, cử tri mong muốn mỗi một ĐBQH sẽ phát huy hết trí tuệ, trách nhiệm của mình trước nhân dân, trước đất nước để hoàn thành nhiệm vụ của một kỳ họp “nóng”.
LÂM NGUYÊN