Lại chuyện có tiền không tiêu được

Trên 2,8 triệu tỷ đồng đã được Quốc hội quyết định cho kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, nghĩa là tăng 1,43 lần so với giai đoạn 2016 - 2020. Số vốn này sẽ được sử dụng “ra tấm ra món”, với số dự án ít đi, nhưng vốn bình quân bố trí cho mỗi dự án cao gấp 2,4 lần so với giai đoạn trước.

Nhìn lại giai đoạn 2016 - 2020, trừ năm 2020 có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao kỷ lục (82,8% kế hoạch) trong 5 năm; còn lại các năm từ 2016 - 2019 lần lượt chỉ đạt 80,3%, 73,3%, 66,87% và 67,46%. Nhưng cũng phải công bằng mà nói thêm rằng, tháng 8, 9-2020, khá nhiều bộ, ngành, địa phương đã lần lượt xin “trả lại vốn” vì không kịp giải ngân hết. Số vốn trả lại lên tới trên 15.000 tỷ đồng, trong khi phần đề nghị bổ sung chỉ gần 590 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương. 

Trong 6 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt khoảng 29% kế hoạch. Để “về đích”, 6 tháng cuối năm phải giải ngân gần gấp 3 lần số đã thực hiện. Trong khi đó, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp đang ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế nói chung và các dự án đầu tư công nói riêng, khiến cho việc tiêu tiền ngân sách càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. 

Tuy không thể đòi hỏi khắt khe việc hoàn thành kế hoạch đầu tư công trong bối cảnh này, song theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, vẫn có những cơ sở thuận lợi để triển khai thực hiện đầu tư công. “Phân cấp cụ thể, Luật Đầu tư công rất rõ rồi, không có lý gì để né tránh, đùn đẩy và liên tục “hỏi lại Trung ương” đề nghị hướng dẫn lại những vấn đề đã rõ”, ông Dũng nói thẳng tại diễn đàn Quốc hội vừa qua.

Thực tế, giải ngân đầu tư công đúng là không chỉ liên quan đến Luật Đầu tư công, mà có rất nhiều luật khác về đất đai, xây dựng, môi trường, ngân sách... điều chỉnh. Đơn cử, việc điều chuyển hàng năm giữa vốn ngân sách nhà nước và giữa các dự án trong cùng một địa phương vẫn phải báo cáo Trung ương, theo pháp luật về ngân sách. Nhưng, nếu không phải là Luật Đầu tư công thì việc rà soát, điều chỉnh thể chế khác có liên quan vẫn là việc phải làm thường xuyên, liên tục.

Bên cạnh đó, tiến độ và chất lượng thực hiện các dự án còn liên quan đến rất nhiều cấp, ngành, tổ chức, cá nhân. Sự phân cấp, phân quyền chưa rõ, chính là nguyên nhân khiến cho nhiều cấp, ngành “sợ” trách nhiệm, trì hoãn thực hiện dự án. Chính vì vậy, thực hiện nghiêm việc gắn trách nhiệm giải trình của cá nhân người đứng đầu với kết quả giải ngân đầu tư công là một áp lực thúc đẩy tiến độ và hiệu quả đầu tư công.

Quay trở lại với năm 2021, trong khi có 9 bộ và 32 địa phương tỷ lệ giải ngân đạt trên mức trung bình cả nước (29%), thì cũng có những tỉnh giải ngân rất cao, như Hải Phòng (76,2%), Thái Bình (64,4%), Quảng Ninh (59,6%); đồng thời cũng có 3 bộ, ngành giải ngân dưới 1%;9 bộ, ngành chưa giải ngân được đồng nào. Có lẽ, cái khó không hoàn toàn “bó” được đầu tư công ở những nơi có nỗ lực thực sự.

Tin cùng chuyên mục