
Một trong những vấn đề cấp thiết đặt ra cho thành phố chúng ta hiện nay nói riêng và cả nước nói chung sau sự kiện động đất tại TPHCM và Vũng Tàu vừa qua là chúng ta cần chuẩn bị gì trong trường hợp xảy ra động đất. Chiều 11-8, Sở Khoa học-Công nghệ TP tổ chức họp bàn giải pháp tránh thiệt hại khi có động đất với sự tham dự của đại biểu Sở Xây dựng, các nhà khoa học thuộc các viện nghiên cứu, trường đại học. Đã có nhiều ý kiến đáng chú ý được nêu lên.
- PGS-TS Nguyễn Ngọc Thủy, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Thuộc Viện KH-CN Việt Nam): Cần đặt thêm nhiều trạm địa chấn ở khu vực phía Nam
Theo PGS-TS Nguyễn Ngọc Thủy, tình hình thiên tai, bão lụt, động đất của Việt Nam thuộc mức độ trung bình yếu so với thế giới. Mặc dù vậy chúng ta cần quan tâm hơn nữa trong vấn đề xây dựng phòng khi có động đất. Hiện nay Tây Bắc là vùng có khả năng xảy ra động đất mạnh nhất ở cấp độ 6,6 đến 6,8 độ richter.

Các tòa nhà cao tầng tại TPHCM đã tính đến động đất mức độ nào ?
Các đới sông Mã, Lai Châu, Sơn La diễn ra động đất với cấp độ trung bình 3 độ richter. Đới sông Hồng, sông Cả mạnh thứ hai từ 6-6,2 độ richter, gây chấn động cấp 6-8 là lớn nhất.
Đới Thuận Hải- Minh Hải động đất lớn nhất là 5,5 độ richter, gây chấn động cấp 7 là lớn nhất (Nếu động đất nằm trong đới đứt gãy thì chấn động có thể lớn hơn 7).
Cả nước hiện có 26 trạm địa chấn nhưng chỉ có 3 trạm ở phía Nam và lại nằm ở khu vực Huế, Nha Trang, Đà Lạt. GS Thủy cũng nêu kiến nghị cần lắp đặt thêm một số trạm địa chấn ở Trường Sa, Vũng Tàu, Côn Đảo để tăng cường khả năng quan sát, thông báo tình hình động đất ở Việt Nam.
TPHCM với điều kiện nền đất trầm tích nhiều dẫn đến mặt bằng yếu; bên cạnh đó TPHCM cách đứt gãy Thuận Hải- Minh Hải khoảng 100km nếu động đất xảy ra ở mức độ cấp 7 sẽ ảnh hưởng đến các công trình xây dựng.
Do đó cần phải tính đến khả năng thực hiện đề án “Phân vùng nhỏ động đất ở TPHCM và các vùng lân cận” trong từng giai đoạn một nhằm phòng tránh thiệt hại khi có động đất.
- Ông Các Minh Hùng, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam; ông Lê Minh Triết, GS-TSKH, Phân viện Vật lý địa cầu TPHCM: Phải xác định mức độ động đất để giảm chi phí trong xây dựng
Theo số liệu thống kê, tại Hà Nội nếu động đất xảy ra thì quận Hoàn Kiếm là nơi chịu ảnh hưởng mạnh nhất. TPHCM với diện tích khoảng 2.000km2 giả sử chấn động cấp 4 hay cấp 5 thì tình hình xây dựng sẽ như thế nào?
Ông Hùng đưa ra giải pháp dùng búa gây rung động kiểm tra số liệu một cách chính xác cấp động đất để có những thiết kế phù hợp trong xây dựng. Thành phố ngày càng xây dựng nhiều nhà cao tầng và các công trình ngầm vì vậy cần phải có các trạm ghi nhận địa chấn.
Đặc biệt theo GS Triết, trong quá trình thiết kế xây dựng người ta đã tính rằng nếu động đất từ 8-9 độ richter thì vốn đầu tư cho công trình phải tăng thêm khoảng 30%. Từ đó nếu chúng ta xác định được mức độ động đất của TPHCM thì sẽ tiết kiệm được chi phí trong xây dựng.
GS Triết cho rằng nên có những đề tài nhỏ tiến hành điều tra ngay các nền đất công trình tại TPHCM. Huy động địa phương, khối phố thu thập những ý kiến sau trận động đất vừa qua để biết được nơi nào trong thành phố có mức độ động đất mạnh nhất. Ông cũng cho rằng mức kinh phí 6,5 tỉ đồng cho giải pháp tránh thiệt hại khi có dư chấn động đất là còn hạn chế.
- Ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM: Cần có sự liên kết chặt chẽ các cơ quan liên quan
Quan tâm lớn nhất của sở xây dựng đối với vấn đề động đất là “cấp động đất”. Điều quan trọng là dù phân vùng hay không thì cũng phải tính đến cấp độ động đất trong xây dựng. Theo quy định của Bộ Xây dựng, cấp động đất ở mức 7 độ richter thì mới bắt đầu tính.
Ông Hiệp đã đưa ra nhiều câu hỏi như khoảng cách động đất từ tâm chấn đến các công trình là bao nhiêu thì có những ảnh hưởng tương ứng? Cấp động đất tại TPHCM như hiện nay thì chi phí xây dựng giảm xuống bao nhiêu? Ông Hiệp cho biết không riêng TPHCM mà trên cả nước ta hiện nay phần lớn người dân tự xây dựng, sửa chữa nhà của mình.
Do đó cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa sở xây dựng với viện nghiên cứu từø đó phổ biến cho người dân để có những kết quả tốt trong quá trình thực hiện giải pháp chống động đất cho các công trình.
THÙY DUNG
TPHCM kiểm tra các chung cư sau động đất Một thành viên trong đoàn kiểm tra cho biết, đến ngày 16-8, đoàn sẽ có báo cáo cụ thể về tình hình tác động của trận động đất đối với các chung cư này. LƯƠNG THIỆN |