Làm khó dân bằng văn bản hết hiệu lực

Năm 1991, gia đình ông Nguyễn Trường Giang mua căn nhà số 1D/6 Hưng Phú (phường 8, quận 8, TPHCM) diện mua hóa giá nhà.
Theo giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà do Sở Nhà đất TPHCM cấp, căn nhà này có diện tích xây dựng 77,48m²; diện tích sàn xây dựng 72m², trên diện tích khuôn viên 108,98m². Từ khi mua căn nhà đến nay, khuôn viên không có thay đổi. Thế nhưng, năm 2016, khi gia đình ông Giang được cấp đổi mới giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, cán bộ thụ lý hồ sơ đã máy móc, không căn cứ thực tế, làm tăng diện tích ngôi nhà thêm 36,92m² một cách vô lý.
Việc tính tăng diện tích này không đúng quy định tại khoản 5 Điều 98 của Luật Đất đai năm 2013. Khi Nhà nước bán nhà cho gia đình ông Giang, trong bản vẽ cũng như trên giấy tờ đã thể hiện rõ về diện tích xây dựng, sàn sử dụng và diện tích khuôn viên với các chiều tiếp giáp của tứ cạnh. Như vậy, ở đây là sự chênh lệch số liệu đo đạc thực tế với số liệu ghi trên giấy chứng nhận. Nhưng nay cán bộ thụ lý lại cho rằng phần đất trống là cửa luồn bên hông nhà với diện tích 14,9m x 1m trước đây không được tính vào diện tích mua nhà. Phần diện tích chênh lệch tăng trong nhà cũng bị đẩy ra ngoài thành đất chưa được công nhận, thì thật vô lý. 
Không chỉ xác định diện tích tăng thêm không đúng, quận 8 còn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực để giải quyết hồ sơ hành chính, dẫn đến thiệt hại cho người dân. Quận 8 đã căn cứ vào văn bản 3394 ngày 21-5-2012 của Sở Xây dựng TPHCM áp dụng cho phần diện tích tăng thêm, trong khi văn bản này đã hết hiệu lực. Từ năm 2013, Nghị định 34 của Chính phủ và Thông tư 14 của Bộ Xây dựng đã quy định giải quyết phần diện tích nhà sử dụng chung và diện tích đất liền kề với nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, chứ không phải “giải quyết phần diện tích chênh lệch dư so với giấy chứng nhận quyền sở hữu hóa giá nhà” như công văn của Sở Xây dựng nữa. Theo Văn phòng Sở Xây dựng TPHCM cho biết, vào thời điểm năm 2016, văn bản 3394 đã hết hiệu lực. 
Phân tích vụ việc này, luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Giám đốc Hãng luật Giải Phóng (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết: “Hành vi cán bộ công chức sử dụng văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực để giải quyết hồ sơ hành chính không chỉ trái quy định, mà làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Việc làm này xuất phát từ trình độ nghiệp vụ non kém của cán bộ. Nếu cán bộ cố ý áp dụng văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực để làm khó người dân, cần phải xử lý nghiêm. Đây là điểm mấu chốt khiến nhiều đơn khiếu nại của người dân cứ bị cán bộ đùn đẩy, không được giải quyết dứt điểm, kịp thời”.

Tin cùng chuyên mục