Làm lại từ gốc

Dù nguyên nhân là gì đi nữa, thực tế là thể thao Việt Nam đang có một khoảng cách lớn so với trình độ châu Á. Chính vì thế, cần đặt trọng tâm “làm từ gốc” trong việc định hướng chiến lược phát triển sắp tới.

Lãnh đạo Bộ VH-TT-DL vừa yêu cầu Cục Thể dục Thể thao tổng kết, xác định nguyên nhân thất bại của đoàn thể thao Việt Nam tại Asiad 19, qua đó tổng rà soát, đánh giá toàn diện để chuẩn bị cho các kỳ Olympic, Asiad kế tiếp. Bước đầu, bộ ghi nhận nỗ lực thi đấu của vận động viên Việt Nam tại một kỳ Asiad cạnh tranh rất khốc liệt, về cơ bản là hoàn thành chỉ tiêu huy chương, nhưng lại không đáp ứng được sự kỳ vọng, không tương xứng với vị thế nền thể thao số 1 Đông Nam Á ở 2 kỳ SEA Games gần nhất.

Thất bại tại Asiad 19 đặt ra một vấn đề cũ nhưng luôn xuất hiện hàng loạt thách thức mới: Chiến lược đầu tư và điều kiện phát triển tài năng. Đó là sự tổng hòa từ cơ sở vật chất, hệ thống đào tạo, điều kiện tập luyện, chế độ dinh dưỡng, đội ngũ chuyên gia, đến những yếu tố ứng dụng khoa học - công nghệ trong thể thao đỉnh cao, y học thể thao...

Qua Asiad-19 cho thấy, dù rất nỗ lực, nhưng vận động viên Việt Nam không cải thiện được thành tích trong khi các đoàn thể thao khác lại phát triển rất nhanh. Tiêu biểu như thể thao Ấn Độ, từ việc thường xuyên ngoài tốp 7, đã vươn lên hạng 4 tại Asiad 19.

Thể thao Ấn Độ thể hiện bước tiến vượt bậc ở Asiad 19

Thể thao Ấn Độ thể hiện bước tiến vượt bậc ở Asiad 19

Trong thể thao đỉnh cao, ta tiến thì đối thủ cũng tiến, huống hồ gì ta lại giậm chân tại chỗ và có dấu hiệu thụt lùi về yếu tố con người. Cần nhìn nhận thực tế này một cách nghiêm túc, khoa học, mới có tầm nhìn và chiến lược hợp lý. Trong chiến lược phát triển thể thao đến 2020 và tầm nhìn 2030, đến thời điểm này nhiều mục tiêu trở thành bất khả thi chỉ vì không đánh giá đúng nội lực cũng như tương quan so với thế giới. Đề ra chiến lược không sát thực tế, thì đầu tư sẽ manh mún, dàn trải.

Thế nên, trước khi đưa ra chiến lược 2030 và tầm nhìn 2045, ngành thể thao cần phải xem lại phần “gốc” của mình. Đó là khâu đào tạo và phát hiện tài năng, bao gồm các chế độ bồi dưỡng, đầu tư do ngân sách chi trả. Kế đến, là hệ thống thi đấu nội địa và việc chăm lo đời sống vận động viên.

Cuối cùng chính là công tác đầu tư cho việc phát triển chuyên môn đỉnh cao, trong đó chú trọng đến tiêu chuẩn huấn luyện, cơ sở vật chất và cọ xát quốc tế. Ở đây, vai trò của các liên đoàn, hiệp hội thể thao phải được phát huy. Nếu ngay từ bữa ăn của vận động viên trẻ còn thiếu dưỡng chất do bị cắt xén tiền, hoặc chỉ “ăn lấy no”, hệ thống thi đấu chỉ 1-2 giải đấu mỗi năm, rồi tập “chay” trong điều kiện cơ bản, thì chúng ta sẽ không thể tạo ra những tài năng ở đẳng cấp châu Á trong 5-10 năm nữa.

Điền kinh Việt Nam “trắng tay” tại đấu trường Asiad 19

Điền kinh Việt Nam “trắng tay” tại đấu trường Asiad 19

Trước đây, ngành thể thao giải quyết vấn đề bằng các giải pháp như mở thêm trung tâm huấn luyện quốc gia theo khu vực để tập trung vận động viên dài hạn, hoặc xây dựng chương trình “Thế hệ vàng” như TPHCM từng thực hiện, nhưng những cách làm này không đạt hiệu quả, cũng chưa từng có một bảng tổng kết hoàn chỉnh nào ở cấp độ quốc gia để đánh giá thực tiễn. Cũng vì vậy mà việc tìm ra nguyên nhân thất bại tại Asiad 19 không hề đơn giản, nhất là sau khi chúng ta đạt thành công ở 2 kỳ SEA Games liên tiếp.

Dù nguyên nhân là gì đi nữa, thực tế là thể thao Việt Nam đang có một khoảng cách lớn so với trình độ châu Á. Chính vì thế, cần đặt trọng tâm “làm từ gốc” trong việc định hướng chiến lược phát triển sắp tới. Không nên tiếp tục những giải pháp ngắn hạn, chạy theo thành tích SEA Games cũng như duy trì các mô hình đào tạo, huấn luyện cũ kỹ vốn bộc lộ sự lạc hậu so với tốc độ đầu tư và mục đích thi đấu của đoàn thể thao các nước khác ở châu lục.

Tin cùng chuyên mục