Làm phim cho tuổi mới lớn không dễ!

Nhiều đạo diễn thử sức
Làm phim cho tuổi mới lớn không dễ!

Trong khi phim dành cho thiếu nhi, thiếu niên của nước ngoài có mặt tận ngoài rạp và xuất hiện nhiều qua các kênh truyền hình cáp thì phim thiếu nhi, thiếu niên Việt Nam hết sức mỏng. Làm gì để có phim cho thiếu nhi, thiếu niên Việt Nam? 

Nhiều đạo diễn thử sức

Đề tài làm phim cho thiếu nhi trên màn ảnh lớn, nhỏ của làng phim Việt Nam lâu nay vẫn là câu chuyện hiếm hoi, có thể… đếm trên đầu ngón tay. Kịch bản đã hiếm, đạo diễn thực hiện lại càng hiếm hơn, bởi chẳng ai dại gì lại đâm đầu vào “chuyện khó”! Đạo diễn Nguyễn Minh Chung sau khi thực hiện hai phần đầu bộ phim thiếu nhi Kính vạn hoa của Hãng TFS, đã rẽ sang làm phim người lớn Cô gái xấu xí của Công ty BHD. Anh có nhu cầu thay đổi cách làm phim và “làm mới mình”.

Người đứng ra gánh vác làm tiếp phần 3 là đạo diễn Đỗ Phú Hải với sự hỗ trợ, làm việc khá cẩn trọng của phó đạo diễn Hồng Ánh. Hiện, phim đã thực hiện xong phần hậu kỳ và chuẩn bị phát sóng vào tháng 7 tới.

“Làm phim cho thiếu nhi cực vô cùng nhưng rất vui và cảm động, đôi khi nó làm người ta trẻ lại”, nhiều đạo diễn bộc bạch. Đạo diễn Đinh Đức Liêm trong lần ra mắt đoàn phim Vai diễn đầu đời cũng bày tỏ sự trải nghiệm làm phim thiếu nhi một cách dí dỏm khi nói về việc điều động, “chỉ đạo nghệ thuật” cho các diễn viên nhí ngoài phim trường.

Đạo diễn Nguyễn Vinh Hương cũng từng kiên trì, chắt chiu với bộ phim thiếu nhi Hương dẻ khi đi một chuyến dọc từ các vùng quê miền Trung đến Sài Gòn. Đạo diễn Nguyễn Mỹ Khanh không ngại khó lăn lộn cùng dàn diễn viên thiếu nhi khi thực hiện phim Xóm cào cào, bộ phim còn xuất phát từ tình cảm của chị dành cho các trẻ em nghèo vùng ven.

Khi chọn nhân vật trong phim với số tuổi quá nhỏ (khoảng 2 tuổi) trong bộ phim khoa học giả tưởng Một chuyến phiêu lưu, đạo diễn Lê Bảo Trung đã chứng tỏ “bản lĩnh” hết sức linh hoạt, giàu trí tưởng tượng của đạo diễn.

Đâu chỉ là cách gọi mới

Làm phim cho tuổi mới lớn không dễ! ảnh 1

Ca sĩ Đăng Khôi và ca sĩ Mỹ Kim trong phim “Những giấc mơ hồng”.

Với bộ phim Gọi giấc mơ về phát sóng nhiều lần trên màn ảnh nhỏ HTV9, đạo diễn Xuân Cường đã chứng minh được sự thành công của anh khi làm phim về lứa tuổi mới lớn. Dàn diễn viên trẻ Minh Hằng, Huỳnh Đông, Ngân Khánh, Tấn Phát, Bá Thắng… vào vai khá nhuyễn từ gương mặt, giọng điệu đến cách diễn xuất thật tự nhiên, dung dị, cảm xúc.

Nổi bật nhất là nữ diễn viên trẻ Minh Hằng hóa thân nhân vật Phụng khùng, cô học trò trung học thật dễ thương, hồn hậu của một vùng đất biển. Vai diễn này đã giúp cho Minh Hằng được khán giả màn ảnh nhỏ thương mến và bình chọn là nữ diễn viên chính được yêu thích nhất, nhận giải thưởng HTV Award 2007.

Vừa qua, Công ty Sài Gòn Phẳng phối hợp cùng Hãng phim Lạc Việt sản xuất bộ phim Những giấc mơ hồng, được cho là dành cho tuổi teen sẽ phát sóng vào sáng chủ nhật (29-6) trên kênh VTV9. Phim được giới thiệu thực hiện theo kiểu phim truyện đan xen ca nhạc (dạng phim Ấn Độ).

Đạo diễn Quốc Thịnh qua thời gian thực tế làm cascadeur ở Ấn Độ đã thể nghiệm cách làm phim mang đậm màu sắc ca nhạc này. Nội dung phim xoay quanh nhóm học sinh của trường đào tạo ca sĩ với những câu chuyện tình cảm lãng mạn nhẹ nhàng, giận hờn vu vơ và không thể thiếu nhiều màn quậy phá nghịch ngợm.

Với cách làm phim “cũ người, mới ta” nhưng có lẽ, các nhà sản xuất cảm thấy tự tin khi đưa vào phim những gương mặt người mẫu, ca sĩ trẻ, đẹp: Mỹ Kim, Thảo My, Ánh Nhật, Kinh Lâm, Phước Thịnh, Ngọc Ánh, Thùy Trang, Yu Mi… Đặc biệt, nam ca sĩ Đăng Khôi, đang được nhiều fan trẻ ái mộ vào vai chính của phim.

Làm phim cho tuổi teen khó hay dễ? Điều này đã được chứng minh qua tài năng của các đạo diễn. Một bộ phim được thực hiện thành công hay… trôi tuột sẽ được phản hồi qua những cảm nhận và đánh giá của người xem. Thay vì phân biệt từng lứa tuổi, thiếu niên, tuổi chớm trưởng thành, người ta vẫn có khuynh hướng gộp chung lại và gọi chung là tuổi teen một cách nhập nhằng.

Điều này kéo theo việc làm phim cho tuổi teen đôi khi “bao sân” luôn cả hai lứa tuổi học sinh cấp 2 và cấp 3… Thiết nghĩ, phim cho tuổi teen cần đi sâu vào tâm lý, tình cảm của tuổi trẻ và hiện thực cuộc sống hơn là chỉ đơn thuần coi đó là cách gọi mới.

Yên Ngọc (sggp 12g)

Tin cùng chuyên mục