Thứ trưởng Bộ GT-VT NGÔ THỊNH ĐỨC:

Lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã “không nghiêm túc”

Tổng thống Pháp gửi thư chia buồn về tai nạn của tàu E1 tại Lăng Cô
Lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã “không nghiêm túc”

Sau khi Báo SGGP số ra ngày 16-3 đăng bài: “Câu hỏi chưa được làm rõ sau vụ tai nạn tàu E1: Trách nhiệm?”, nhiều bạn đọc đã rất bức xúc, đặc biệt trước việc ngành đường sắt đã tự ý rút ngắn hành trình chạy tàu Bắc – Nam xuống 29 giờ khi chưa được cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Ngay trong ngày 16-3, phóng viên SGGP đã liên hệ với lãnh đạo Bộ GT-VT để làm rõ vấn đề này. Được sự ủy quyền của Bộ trưởng Bộ GT-VT Đào Đình Bình, Thứ trưởng Bộ GT-VT Ngô Thịnh Đức đã trả lời báo SGGP.

- Phóng viên: Vụ tai nạn tàu E1 làm 11 người chết và nhiều người khác bị thương, nhưng ngành đường sắt chỉ “chỉ đạo kiểm điểm từ Giám đốc Xí nghiệp đầu máy Hà Nội đến người trực tiếp tham gia...”?

- Thứ trưởng NGÔ THỊNH ĐỨC: TCT Đường sắt Việt Nam là TCT 91 trực thuộc Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, Bộ GT-VT đã gửi văn bản báo cáo,đề nghị Thủ tướng yêu cầu Tổng Giám đốc TCT Đường sắt Việt Nam kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan để xảy ra tai nạn tàu E1 và có hình thức xử lý thích đáng.

Lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã “không nghiêm túc” ảnh 1

Hiện trường vụ tai nạn

- Trên thực tế, từ ngày 1-12-2004, ngành đường sắt đã tự ý rút ngắn thời gian chạy tàu Bắc – Nam xuống 29 giờ khi chưa có đề án trình Cục Đường sắt Việt Nam thẩm định để Bộ GT-VT quyết định. Việc làm này có vi phạm quy định quản lý nào không? Và nếu vi phạm, Bộ GT-VT sẽ có hướng xử lý như thế nào?

- Trước tiên cần nói rằng, theo điều tra của các cơ quan chức năng thì vụ tai nạn của tàu E1 vừa rồi chủ yếu do nguyên nhân lái tàu chạy quá tốc độ cho phép. Về việc TCT Đường sắt Việt Nam rút ngắn hành trình chạy tàu Bắc – Nam xuống còn 29 giờ thì đúng là TCT Đường sắt Việt Nam chưa có đề án nào báo cáo Bộ GT-VT, mặc dù từ ngày 22-6-2004, Bộ trưởng Đào Đình Bình đã có công thư yêu cầu TCT Đường sắt Việt Nam cần xây dựng đề án cụ thể gửi Cục Đường sắt Việt Nam thẩm định và đề xuất kiến nghị với Bộ GT-VT để có quyết định.

Tiếp đó, ngày 30-6-2004, Cục Đường sắt Việt Nam cũng đã có văn bản (số 341/CĐSVN-VP) đề nghị TCT Đường sắt Việt Nam thực hiện yêu cầu của Bộ trưởng. Tuy nhiên, TCT Đường sắt Việt Nam đã không thực hiện yêu cầu này. Điều này thể hiện sự không nghiêm túc của lãnh đạo TCT Đường sắt Việt Nam.

- Lãnh đạo TCT Đường sắt Việt Nam phát ngôn với báo chí rằng họ có báo cáo Bộ GT-VT về việc rút ngắn thời gian chạy tàu Bắc – Nam xuống 29 giờ, điều này có đúng không?

- Theo báo cáo của Cục Đường sắt Việt Nam thì cho đến giờ phút này, việc rút ngắn hành trình chạy tàu Bắc – Nam xuống 29h vẫn chưa được TCT Đường sắt Việt Nam trình đề án như yêu cầu của Bộ trưởng Bộ GT-VT và Cục Đường sắt Việt Nam.

- Sau vụ tai nạn nghiêm trọng này, ngành đường sắt khẳng định vẫn tiếp tục duy trì kế hoạch chạy tàu Bắc – Nam hành trình 30 giờ và 29 giờ. Bộ GT-VT có ý kiến gì về vấn đề này?

- Theo tôi được biết, việc rút ngắn thời gian chạy tàu Bắc – Nam xuống 30 giờ được thực hiện theo quy trình: TCT Đường sắt Việt Nam lập đề án, xin ý kiến các cơ quan chức năng có liên quan trước khi trình lên Bộ GT-VT thẩm định và phê duyệt. Đây là một quy trình đúng. Vì thế, các kế hoạch rút ngắn thời gian chạy tàu trong tương lai cũng nên làm theo quy trình này. Riêng đề án rút ngắn hành trình chạy tàu Bắc – Nam xuống còn 29 giờ cần được TCT Đường sắt Việt Nam báo cáo lại một cách nghiêm túc theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GT-VT trong công thư ngày 22-6-2004.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng. 

Còn những ai liên đới phải chịu trách nhiệm?

Việc tàu E1 chạy quá tốc độ gây tai nạn phải xem xét trách nhiệm đối với một số người liên đới như: trưởng tàu, lực lượng công an, lực lượng kiểm tra liên ngành đường sắt… Lẽ ra khi thấy tàu chạy quá tốc độ thì chính những cá nhân này phải có biện pháp can thiệp kịp thời để tránh những rủi ro, tổn thất.

Từ vụ tai nạn đường sắt thảm khốc vừa qua, để bảo đảm an toàn cho những chuyến tàu, các ngành chức năng cũng cần phải xem lại cơ chế giám sát tốc độ đối với ngành đường sắt.

Tổng thống Pháp gửi thư chia buồn về tai nạn của tàu E1 tại Lăng Cô

Ngày 16-3, theo tin từ Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, Tổng thống Pháp Jacques Chirac đã gửi thư chia buồn đến Chủ tịch nước Trần Đức Lương về tai nạn của tàu E1 tại Lăng Cô. Bức thư có đoạn:

“Tôi rất đau buồn khi được tin tai nạn đường sắt xảy ra vào thứ bảy vừa qua tại đoạn đường Huế – Đà Nẵng đã để lại những hậu quả vô cùng thương tâm.

Tôi xin gửi tới ngài những lời chia buồn chân thành và xin ngài chuyển tới gia đình các nạn nhân những lời chia buồn chân thành cùng sự cảm thông sâu sắc của tôi”.

MAI PHONG

Tin liên quan:

Trách nhiệm?

Lãnh đạo các cấp liên đới cũng phải chịu trách nhiệm

Khởi tố vụ án tai nạn tàu E1

Khắc phục hậu quả tàu E1 bị nạn
13 người chết, hơn 130 người bị thương
11 người chết, gần 200 người bị thương 

Tin cùng chuyên mục