Lao động thất nghiệp tăng cao, lo lắng về sức cạnh tranh của nền kinh tế

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ xác định ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ hàng đầu; kiểm soát dịch bệnh là mục tiêu ưu tiên, kiên trì thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” phù hợp với tình hình thực tiễn và địa bàn cụ thể. Xây dựng kịch bản phòng, chống dịch bệnh tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, hạn chế thấp nhất các khu vực bị phong tỏa, ảnh hưởng đến sản xuất. 
Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Ảnh: QUANG PHÚC
Lao động thất nghiệp tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn xã hội

Sáng 22-7, trình bày báo cáo thẩm tra báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm 2021, giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, GDP 6 tháng đầu năm ước đạt khoảng 5,64%, tuy thấp hơn mục tiêu đề ra, nhưng đây là mức tăng tích cực trong bối cảnh khó khăn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn việc triển khai chính sách, thực hiện các gói hỗ trợ. Điều này đã góp phần khắc phục những khó khăn trong đời sống của nhân dân, người lao động và hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc triển khai còn chậm, chưa đạt hiệu quả mong muốn, tỷ lệ giải ngân thấp, chưa tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.

Chiến lược vaccine của nước ta gặp nhiều thách thức, tỷ lệ dân số được tiêm chủng còn thấp; nhiều nước Châu Á, trong đó có Việt Nam, có nguy cơ lỡ nhịp với nền kinh tế thế giới vì không có đủ nguồn cung và công nghệ sản xuất vaccine.

Ủy ban cho rằng, một số khoản thu NSNN hoàn thành, tăng cao so với dự toán một phần là do việc lập dự toán thu NSNN chưa sát với thực tế. Thu từ cổ phần hóa, sắp xếp lại DNNN đạt kết quả rất thấp. Tình trạng thất thu thuế, buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế (đặc biệt là thuế thu nhập doanh nghiệp ở khu vực kinh tế tư nhân) vẫn còn diễn ra phổ biến, nợ đọng thuế tăng cao hơn so với cùng kỳ. Chi thường xuyên ước đạt 501 ngàn tỷ đồng chiếm tỷ lệ cao (khoảng 72% tổng chi).

Đáng chú ý, CPI bình quân 6 tháng tăng thấp nhất kể từ năm 2016, sức cầu trong nước yếu. Tuy nhiên, CPI tháng 5, tháng 6 tăng lần lượt 2,9% và 2,41% so với cùng kỳ, cùng với tình trạng bong bóng tài sản, tình hình giá cả thế giới có xu hướng tăng cao, có thể gây áp lực lạm phát cho những tháng tiếp theo; tình trạng sốt nóng thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán có thể gây hệ lụy cho kinh tế vĩ mô.

Giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 29,02% kế hoạch, thấp hơn mức 34% của cùng kỳ năm trước, vốn nước ngoài giải ngân rất thấp, chỉ đạt 7,37%; có 9 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn; 3 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 1%.

Vốn đầu tư phát triển của các chương trình mục tiêu quốc gia đã được Quốc hội phân bổ 16.000 tỷ đồng nhưng đến nay chưa được giao kế hoạch, không có khả năng giải ngân trong những tháng cuối năm 2021.

Tiến độ triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020 gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là việc thiếu hụt nguồn vật liệu để phục vụ thi công, Dự án có khả năng phải kéo dài, không đáp ứng được yêu cầu hoàn thành trong năm 2022 và 2023.

Lao động thất nghiệp tăng cao, lo lắng về sức cạnh tranh của nền kinh tế ảnh 2 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo. Ảnh: QUANG PHÚC

Ủy ban Kinh tế cũng chỉ ra, các khoản nợ xấu tiềm ẩn còn ở mức cao. Nợ xấu tín dụng các dự án BOT, BT giao thông giảm so với cuối năm 2020, tuy nhiên chưa phản ánh chất lượng nợ do nợ nhóm 2 là 5.912 tỷ đồng, chiếm 5,48% và hiện có 54 dự án có doanh thu từ phí không đạt như phương án tài chính.

Mặt bằng lãi suất giảm nhưng chưa thực sự mang lại hiệu quả kích thích vay vốn. Hoạt động của doanh nghiệp, hộ kinh doanh gặp nhiều khó khăn; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tiếp tục tăng, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ, (70.209 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 24,9%; 35.607 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 22,1% so với cùng kỳ).

Tại nhiều địa phương xảy ra tình trạng sốt đất, đầu cơ đất, nhiễu loạn thông tin quy hoạch đất, nhất là các khu vực vùng ven các đô thị lớn. Ủy ban đề nghị Chính phủ đánh giá khả năng bong bóng tài sản và những rủi ro đến kinh tế vĩ mô; phân tích kỹ hơn tình trạng các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu riêng lẻ gia tăng trong thời gian qua với lãi suất cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro .

Bên cạnh đó, tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần tăng, số lao động thất nghiệp tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.      

Về các giải pháp cho 6 tháng cuối năm 2021, Ủy ban Kinh tế đánh giá cao những nỗ lực và hiệu quả từ các giải pháp mà Chính phủ đã và đang thực hiện để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các đối tượng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn, khiến kinh tế phục hồi không chắc chắn, nguy cơ bất ổn tài chính tại một số nước do nợ công tăng cao…; tiềm ẩn nguy cơ về bong bóng tài sản khi một số quốc gia lớn thực hiện chính sách “siêu nới lỏng” về tài chính và tiền tệ, gây áp lực lạm phát, rủi ro lớn trong trung và dài hạn.

Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo các nghị quyết của Quốc hội, cần chủ động xây dựng các kịch bản, chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra.

Ủy ban đề nghị Chính phủ xác định ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ hàng đầu; kiểm soát dịch bệnh là mục tiêu ưu tiên, kiên trì thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” phù hợp với tình hình thực tiễn và địa bàn cụ thể. Xây dựng kịch bản phòng, chống dịch bệnh tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, hạn chế thấp nhất các khu vực bị phong tỏa, ảnh hưởng đến sản xuất.

Triển khai hiệu quả hơn chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Duy trì và phục hồi hoạt động doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, tạo việc làm cho người lao động; thực hiện phương châm “cứu doanh nghiệp như cứu người bệnh” để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, sẵn sàng chuẩn bị cho giai đoạn hậu dịch Covid-19.

Bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm và thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông sản. Tăng cường kiểm tra, điều hành để bảo đảm cung - cầu hàng hóa thiết yếu, ổn định giá cả thị trường; xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tích trữ, tăng giá bất thường. Nghiêm túc thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Xử lý hài hòa, hợp lý mối quan hệ giữa lợi nhuận của các ngân hàng thương mại với khó khăn của doanh nghiệp, giảm lãi suất cho vay một cách thực chất..

Bên cạnh đó, nghiêm túc thực hiện quy định của pháp luật về đầu tư công, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ cao, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả giải ngân; chỉ đạo thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư các dự án đầu tư công, nhất là đối với các dự án, công trình giao thông trọng điểm (dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường sắt đô thị Hà Nội, TPHCM…

Lo lắng về chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế

Tiếp theo các báo cáo và báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Lao động thất nghiệp tăng cao, lo lắng về sức cạnh tranh của nền kinh tế ảnh 3 Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp tại hội trường Diên Hồng, sáng 22-7. Ảnh: QUANG PHÚC 
Trình bày tờ trình của Chính phủ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng khái quát, trong tổng số 21 chỉ tiêu Quốc hội giao, có 16 chỉ tiêu đạt và vượt, 5 chỉ tiêu không đạt; trong đó tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm đạt chỉ 5,99% (mục tiêu 6,5-7%).

GDP bình quân đầu người đến năm cuối kỳ đạt 2.779 USD (mục tiêu 3.200 - 3.500 USD). Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP đến năm cuối kỳ đạt 84,82% (mục tiêu 85%). Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm cuối kỳ đạt 64,5% (mục tiêu 65-70%) và giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân đạt 0,45% (mục tiêu giảm 1-1,5%).

Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, dự kiến kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày sau đó lưu ý, các chỉ tiêu không đạt đều là các chỉ tiêu phản ánh chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Những nỗ lực cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng cũng chưa có bứt phá lớn, kết quả thực hiện 3 đột phá chiến lược chưa đạt được mục tiêu đề ra, nhất là kết cấu hạ tầng.

Người đứng đầu Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nhấn mạnh, 5 năm qua, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng chưa có bứt phá lớn, kết quả thực hiện 3 đột phá chiến lược chưa đạt được mục tiêu đề ra, nhất là kết cấu hạ tầng.

Thu NSNN chưa bền vững, số vượt thu ngân sách địa phương khá cao nhưng chủ yếu là các khoản thu từ vốn và thu từ đất đai có tính chất một lần, cơ cấu thu chưa đạt theo kế hoạch, vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương trong đầu tư chưa được phát huy.

Thuế thu nhập doanh nghiệp trong tổng thu NSNN giảm, công tác kê khai thuế, quản lý thuế đối với người nộp thuế là hộ kinh doanh vẫn còn hạn chế. Nợ đọng thuế còn lớn, nhất là khoản thuế không có khả năng thu hồi.

Các khoản thu thể hiện nội lực của nền kinh tế ở 3 khu vực kinh tế quan trọng (doanh nghiệp nhà nước, FDI và tư nhân) đều không đạt dự toán. Tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi NSNN vẫn còn ở mức cao (64,9% tổng chi NSNN năm 2017, 64% năm 2020). Chi cho khoa học, công nghệ không đạt chỉ tiêu 2% tổng chi NSNN… 

Ủy ban Kinh tế cho rằng, giai đoạn đầu thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn còn lúng túng, vẫn còn tình trạng giao vốn và giải ngân chậm dẫn đến phải kéo dài thời gian giải ngân sang năm sau, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Đáng chú ý là tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Đến hết năm 2020, số nợ đọng xây dựng cơ bản còn lại là 9.923 tỷ đồng. Một số đơn vị còn nợ đọng vốn đầu tư xây dựng cơ bản lớn gồm: Ninh Bình (5.596 tỷ đồng), Lạng Sơn (1.582,1 tỷ đồng), Phú Thọ (755 tỷ đồng), Quảng Ninh (715 tỷ đồng), Bộ GTVT (1.214 tỷ đồng)...

Trong 3 đột phá chiến lược, Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh, tốc độ phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng có phần chững lại so với giai đoạn 2011 - 2015. Việc triển khai thực hiện nhiều dự án, đặc biệt là các công trình quan trọng quốc gia còn chậm làm ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư.

Trong số này có thể kể đến dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Dự án Bến Lức - Long Thành, Trung Lương - Mỹ Thuận, các tuyến đường ven biển gắn với đê biển, đường biên giới phía Bắc, phía Tây, Tây Nam; Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông…

Việc hoàn thành 2.000 km đường bộ cao tốc cũng chậm khoảng 2 năm so với mục tiêu đề ra. Đầu tư mới tập trung chủ yếu vào lĩnh vực đường bộ, chưa kết nối và quan tâm đúng mức đến đường sắt, đường thủy, thiếu các cảng biển, cảng đường sông hiện đại để phát triển kinh tế và du lịch. Tình trạng ùn tắc giao thông tại đô thị lớn và cửa ngõ vào thành phố Hà Nội và TPHCM vẫn rất căng thẳng.

Khởi tố nhiều vụ án về tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng

Đây là một điểm sáng của nhiệm kỳ vừa qua. Tổng hợp ý kiến của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Kinh tế ghi nhận, tội phạm về tham nhũng, chức vụ được phát hiện, khởi tố mới giảm nhưng cơ quan chức năng đã khởi tố nhiều vụ án về tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn.

Đặc biệt, một số vụ có liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan Nhà nước để chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, có trường hợp lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 để thực hiện hành vi tham nhũng đã được đưa ra ánh sáng và xử lý kịp thời, nghiêm minh.

Tuy nhiên, hiện trạng rất đáng lưu ý trong 5 năm qua là văn hóa có bước phát triển, nhưng chưa tương xứng với kinh tế. Tình trạng vi phạm chuẩn mực văn hóa, chuẩn mực đạo đức, bạo lực học đường... vẫn là vấn đề bức xúc trong xã hội. Công tác chỉ đạo về bảo vệ trẻ em, đặc biệt phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cần được quan tâm hơn; cung cấp, kết nối các dịch vụ bảo vệ trẻ em chưa kịp thời.

Tệ nạn nghiện hút ma túy còn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận. Công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hiệu quả chưa cao. Tình hình tội phạm mua bán người một số thời điểm diễn biến phức tạp và hoạt động tinh vi.

Các chỉ tiêu chủ yếu cho giai đoạn 2021-2025 (Chính phủ dự kiến)

* Về kinh tế

- Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm khoảng 6,5 - 7%.

- GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 4.700 - 5.000 USD .

- Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP.

- Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%.

- Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm.

- Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 45%.

- Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 bình quân 3,7% GDP.

* Về xã hội

- Tuổi thọ trung bình khoảng 74,5 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 67 năm.

- Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 25%.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo là 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28-30%.

- Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.

- Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) duy trì mức giảm 1-1,5%/năm.

- Có 10 bác sĩ và 30 giường bệnh/1 vạn dân.

- Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số.

- Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới tối thiểu 80%, trong đó có 10% đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

* Về môi trường

- Tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị là 95 - 100% và nông thôn là 93 - 95%.

- Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90%.

- Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 92%.

Tin cùng chuyên mục