Lão nông làm… du lịch

Lão nông làm… du lịch

Có được ngày thứ bảy, chủ nhật nghỉ ngơi, người dân nội thành muốn tìm về những nơi còn được xem là vùng thiên nhiên trong lành: dòng sông, con đò, mái nhà tranh hay rặng dừa xanh đung đưa trước gió… Và vùng du lịch sinh thái theo kiểu “dã chiến” của những lão nông tri điền đã ra đời, đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn của du khách…

Khi lão nông… “tung chiêu”!

Lão nông làm… du lịch ảnh 1
Du khách quốc tế rất “mê” du lịch sinh thái miệt vườn. Ảnh: NGUYỄN DUY

Có lẽ không gì ấn tượng bằng khi đến khu vườn du lịch sinh thái của bác Ba Bài ở phường Long Phước (quận 9, TPHCM), vào trưa hè gió mát ngồi trên võng tre trong khi chờ đợi “đám nhỏ” vớt cá dưới ao lên nướng trui, lại còn được nghe bác kể chuyện về thời đi mở đất.

Ý tưởng làm du lịch của bác Ba thật đơn giản! Bảy năm trước, khi thấy vườn trái cây ở nhà và bà con lối xóm mình sao cứ rớt giá, lận đận long đong hoài, bác Ba quyết định xây dựng lại đường sá, nhà vệ sinh, lên đất lên vườn cho khang trang, sơn phết tân trang lại mấy chiếc ghe cũ để đón khách đến vui chơi, tham quan thưởng ngoạn dòng sông mùa nước nổi và nhân đó để chào bán luôn trái cây trong vườn, con cá dưới ao…

Đơn giản chỉ vậy, thế mà bây giờ trở lại đây, người dân xung quanh gọi ông là bác Ba “thời đại”, vì biết tìm ra được lối đi cho xóm làng, chẳng những thoát được 2 chữ “đói nghèo” mà còn vươn lên làm giàu.

“Nông dân Nam bộ sống trong sông nước đề huề chia ngang sẻ dọc nên ai cũng biết bơi, vì thế dù muốn hay không họ cũng phải tự “bơi” đi tìm thị trường tiêu thụ cho mình”, lão nông Hà Văn Thêm (ấp Bốn Phú, xã Trung An, huyện Củ Chi) chân thành pha chút hóm hỉnh nói tiếp: “Năm nay, qua đã ngoài cái tuổi thất thập cổ lai hy, cả đời người, đến lúc gần đất xa trời qua mới “bơi” tìm ra được một thị trường tiêu thụ đồ sộ. Cũng chẳng phải ở đâu xa, ngay trên mảnh vườn của mình thôi”.

Trước đây, năm nào cũng vậy, hơn một mẫu đất trồng chôm chôm, mít tố nữ, sầu riêng, mãng cầu… của bác Thêm cứ đến mùa thì bán rẻ như cho, nhiều lúc chất đống, phải cho rụng thúi cả gốc. Nghĩ ra cách làm thế nào để làm bắt mắt khách xuôi ngược qua tuyến đường này.

Đánh liều, bác xây mấy cây cầu tre lắt lẻo, cầu khỉ gập ghềnh, mua tre trúc về đan thêm mấy chiếc ghe nan cắm trên sông và dựng lên một quán nước thuần túy bằng mây tre lá trong mảnh vườn.

Và bác đã thành công, không còn cảnh phải kẽo kẹt đạp xe chở trái cây ra chợ từ sáng sớm để tranh giành mối, mà khách tìm đến giải trí ở vườn nhà, vừa mua ăn tại chỗ, vừa “tay xách nách mang” đem về. Nhờ “chiêu” này mà mấy năm qua, bác Thêm đã tiêu thụ hết 100% trái cây vườn nhà.

Ý tưởng làm du lịch của nông dân Nguyễn Đại Lượng (ấp 4A, xã Bình Mỹ, Củ Chi) thì bài bản, “hoành tráng” hơn. Du khách đến khu du lịch sinh thái của anh, tha hồ lênh đênh trên sông nước và ghé vào vườn tham quan cây cảnh, chim thú quý hiếm.

Anh còn kết hợp cho du khách tham quan làng gốm sứ Thuận An (Bình Dương), mua hàng lưu niệm tại đây rồi lại tiếp tục tham quan nhà vườn với nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đặc trưng, thưởng thức ẩm thực nhà vườn với những món khoái khẩu, đồng quê dân dã.

Bên cạnh đó, anh Lượng thiết kế thêm nhiều chương trình mang đặc trưng của vùng đất phương Nam, như chiêu mộ các đội nhóm đàn ca tài tử, bãi tắm sông, lướt ván, đi ca nô trên sông Sài Gòn, ngồi trên xe thổ mộ dạo quanh làng quê, lễ hội kỳ yên với những màn hát bội, cúng đình... để cho du khách tìm hiểu thêm về khía cạnh nền văn hóa sông nước phương Nam.

Trông chờ đầu tàu

Làm du lịch theo kiểu “dã chiến” để bán hết sản phẩm tại chỗ như trên cũng có ưu điểm trong việc tìm đầu ra cho nông sản của người nông dân một nắng hai sương hôm nay. Thị trường trong nước lớn nhưng lúc nào hàng nông sản của nông dân ta cũng bị dội chợ vì “lép vế” hơn so với hàng cùng chủng loại từ nước ngoài đổ về.

Trong khi đó, việc thành lập những khu du lịch sinh thái tại thành phố hầu như đang bị bỏ quên, hoặc nếu có thì cũng còn đang “say ngủ” trên bàn giấy. Đơn cử năm 2000, UBND quận 12 có “trình làng” dự án xây dựng làng du lịch sinh thái Thạnh Lộc.

Có thể nói vào thời điểm này, đây là dự án mang tính sáng kiến và đột phá, vì “đánh trúng” mục đích việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích nghi với vùng nông nghiệp đặc trưng, đồng thời thúc đẩy sự phát triển có định hướng của một phường mới trước tốc độ đô thị hóa. Nhưng nhiều năm qua, nhiều hộ nông dân đầu tư hàng tỷ đồng vào làng du lịch sinh thái này đang dở dang nằm chờ thời.

Lão nông làm… du lịch ảnh 2

Trực tiếp thu hoạch và gánh hàng nông sản là tiết mục hấp dẫn du khách quốc tế

Còn trong dự án phát triển kinh tế trọng điểm của quận 9 là biến khu vực phường Long Phước, Long Thạnh Mỹ, Long Trường, Phú Hữu thành vườn cây ăn trái đặc sản kết hợp phát triển tiềm năng du lịch sinh thái. Nhưng đó là chuyện tương lai đến… 5, 10 năm nữa, còn bây giờ người nông dân lẽ nào cứ cắm đất chờ thời.

Nhưng muốn đột phá đón đầu làm du lịch theo dự án của quận thì vốn đâu? Với nông dân có thể đầu tư nuôi con cá, trồng vườn cây, chứ đầu tư du lịch phải dăm bảy chục triệu, trăm triệu đồng thì là chuyện ngoài tầm tay.

Hiệu quả mang lại rõ rệt nhất hiện nay tại Củ Chi có thể nói là làng du lịch sinh thái tại xã Trung An. Điều này không ai cảm nhận được giá trị đích thực của hệ thống đường giao thông nông thôn, chương trình xóa cầu khỉ, đầu tư đường – trạm xe buýt ở đây đã mang lại hiệu ứng kinh tế từ du lịch đáng kể.

Bác Hà Văn Thêm, lão nông sống trên đất cù lao Bốn Phú nhìn nhận: “Từ hồi đường sá, xe buýt về xứ cù lao này xóa đi hàng chục cây cầu ván đóng đinh, cầu khỉ chênh vênh… thì mọi khát khao đổi đời của người dân đều được thực hiện. Từ việc bấp bênh trong việc tìm nơi tiêu thụ trái cây thì bây giờ cứ đến mùa là không đủ để bán”.

Năm 2003, UBND xã Trung An (Củ Chi) chính thức khai trương làng du lịch sinh thái. đây là một bước ngoặt quan trọng của sự cố gắng chung sức của chính quyền địa phương và nhân dân cùng sát cánh vực dậy tiềm năng kinh tế của xã.

Chị Lê Thị Ngờ, ấp An Hòa cho biết: “Năm ngoái, vào thời gian này, chỉ tại khu vườn của nhà tui đã đón trên 2.000 lượt khách. Với khu vườn cây ăn trái rộng chưa đầy 1 ha này, số lượng khách đến đông như vậy thì giờ tui không còn lo ngại gì đến đầu ra cho trái cây nữa…”.

Tiềm năng về du lịch vườn ở các quận ven, huyện ngoại thành rất lớn, cộng với khát vọng được chung lưng với chính quyền địa phương để làm giàu của nông dân ở đây luôn cháy bỏng. Và họ đang trông chờ một “đầu tàu” hữu hiệu để kéo họ về đến đích. 

QUANG ĐẠT(SGGP 12G)

Tin cùng chuyên mục