Vậy là Festival Huế 2010 đã khép lại. Một lễ hội nghệ thuật vô cùng phong phú, không mấy ai đủ sức xem hết. Đêm 12-6, đêm cuối của các chương trình nghệ thuật, tôi mới đến được Vườn Cơ Hạ xem “Lời thiên thu gọi” trình diễn các nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn.
Nhạc Trịnh thì đã quá quen thuộc với người dân Huế và không chỉ riêng của Huế, nhưng Vườn Cơ Hạ thì rất nhiều người chưa hề nghe nhắc đến, càng chưa đặt chân tới, mặc dù địa chỉ này tồn tại trong Đại Nội đã hơn một thế kỷ. Và mặc dù đã quá quen với nhạc Trịnh, hình như Vườn Cơ Hạ luôn là nơi đông khán giả nhất trong hàng loạt sân khấu tại Festival Huế kỳ này. Vì sức hút của nhạc Trịnh và tài năng của các nghệ sĩ, nhưng chắc rằng cũng vì cái sân khấu độc nhất vô nhị ở đây - một đồi cao, một bóng cây lồng lộng giữa thiên nhiên gần như hoang dã mà thơ mộng.
Chợt nghĩ không biết “con mắt xanh” nào đã “chấm” địa chỉ… xanh này làm nơi cho Trịnh trở về Huế những đêm vừa qua? Chỉ một ý tưởng, một “con mắt xanh” đủ làm nên một sự kiện. Liệu còn nơi nào độc đáo như Vườn Cơ Hạ và liệu còn ý tưởng nào làm cho Huế thêm đẹp, thêm giàu đã bị bỏ quên trong những năm qua? Thì chính Trịnh Công Sơn đã phải rời Huế vì không có “đất dụng võ”… Nhìn cảnh hàng ngàn con người “chen vai thích cánh” đến Vườn Cơ Hạ để được gặp lại vị nhạc sĩ tài danh của quê hương qua các bài hát, nhắc chút chuyện cũ để biết Huế đã đổi thay nhiều lắm...
Cùng trở về với Huế trong kỳ festival này không chỉ có Trịnh Công Sơn. Chỉ riêng về triển lãm hoa sen, tôi đã gặp 3 tác giả đều quê ở Huế: họa sĩ Nguyên Lý và hai nhà nhiếp ảnh Đào Hoa Nữ, Trần Bích. Hẳn là mỗi người rời Huế với hoàn cảnh khác nhau, chỉ biết cả ba vào TPHCM làm ăn thành đạt, nay trở về mang tác phẩm làm phong phú thêm chương trình festival, tô điểm cho Huế thêm sắc màu cuốn hút du khách. Người tài từ TPHCM ra góp phần làm nên sự phong phú Festival Huế còn nhiều lắm - nhà tạo mẫu Minh Hạnh, nghệ sĩ Bảo Cường, nhiều nhà văn, nhà thơ tên tuổi… Một hình ảnh đẹp kỷ niệm 50 năm kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn.
Lại chợt nghĩ: Hai năm mới có một kỳ festival, nhưng Huế từng là nơi hội tụ nhân tài cả nước trong suốt hàng trăm năm. Nếu Huế mở lòng ra, thực sự trọng dụng nhân tài, thì người Huế và “người - yêu - Huế” từ bốn phương trời - chứ không chỉ ở TPHCM - đâu có cần đợi đến kỳ festival mới đem tài năng, tác phẩm về xây dựng cho Huế ngày một thêm giàu, thêm đẹp?
Có lẽ câu hỏi không chỉ dành riêng cho Huế vì khắp cả nước đang thi nhau mở festival, đang muốn là nơi hội tụ nhân tài. Trong thời đại tri thức này, có nhân tài là có tất cả. Đáng tiếc là nạn “chảy máu chất xám” lại đang xảy ra ở nhiều nơi. Dù sao, đất nước đang căng đầy quyết tâm đổi mới toàn diện và triệt để, Việt Nam đang là điểm đến của bạn bè khắp năm châu, chúng ta hy vọng non sông gấm vóc của Tổ quốc mình sẽ luôn là nơi hội tụ nhân tài, chứ không chỉ trong những kỳ festival…
Nguyễn Khắc Phê