Đại tướng Võ Nguyên Giáp:

Lịch sử không lặp lại, nhưng sai lầm thì có thể

Lịch sử không lặp lại, nhưng sai lầm thì có thể

Năm 1999, khi đi tìm tài liệu cho bản luận văn thạc sĩ của mình, phóng viên Hàn Quốc Ku Su Jeong đã phát hiện ra rằng lính Hàn đánh thuê cho Mỹ tại Việt Nam đã thảm sát hàng ngàn người dân vô tội.

Cô đã viết hàng loạt bài phóng sự trên tạp chí thời sự Hankyoreh, gây nên một cú sốc trong nhân dân Hàn Quốc. Sau đó tòa soạn báo đã gặp rất nhiều khó khăn như bị đập phá...

Vượt lên trên tất cả những mất mát và sợ hãi, tòa soạn báo Hankyoreh đã phát động một phong trào Xin lỗi Việt Nam và gây quỹ để xây dựng công viên Hòa Bình tại Phú Yên, giúp đỡ những nạn nhân của cuộc chiến tranh. Bản thân Ku Su Jeong là một người tích cực nhất trong các phong trào đó.

Cô đã tâm sự, việc gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào đầu tháng 3-2005 có một ý nghĩa rất quan trọng với tòa báo Hankyoreh của cô.

Lịch sử không lặp lại, nhưng sai lầm thì có thể ảnh 1

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nữ phóng viên Ku Su Jeong.

3 giờ 30 phút, Đại tá Trịnh Nguyên Huân, trợ lý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, giới thiệu Ku Su Jeong với Đại tướng. Đại tướng đón bó hoa trong tay Ku Su Jeong chuyển qua thư ký, rồi hai tay Đại tướng mở rộng. Ku Su Jeong chỉ kịp cúi đầu đã trong vòng tay nhân ái của Đại tướng.

- Phóng viên của tòa báo Han...
- Dạ thưa Bác, báo Han-ky-o-re ạ - Ku Su Jeong phát âm rõ từng tiếng để cho Đại tướng nghe rõ.

- Báo Han-ky-o-re dịch ra tiếng Việt là gì ? - Đại tướng hỏi.
- Dạ thưa bác, là “Một dân tộc” ạ. Đất nước chúng cháu vẫn còn đang bị chia cắt vì thế chúng cháu mong muốn là một dân tộc ạ.

- Báo Hankyoreh là tuần báo hay nhật báo?
- Dạ thưa bác, báo Hankyoreh có nhiều ấn phẩm, có nhật báo, có tuần báo, có báo thời sự, có báo điện ảnh.

- Vậy nhật báo thì phát hành được bao nhiêu bản?
- Thưa bác được 50 vạn bản ạ.

- Thế bây giờ phóng viên muốn hỏi vấn đề gì?
- Vâng xin phép bác cho cháu được bắt đầu buổi làm việc ạ. Năm nay, kỷ niệm 30 năm kết thúc chiến tranh, chắc hẳn bác có một cảm xúc rất đặc biệt?

- Ngày 30-4-1975, toàn thể Bộ Chính trị chúng tôi đang ngồi tại Tổng hành dinh, có cả đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng và nhiều đồng chí khác. Lúc đó là 10 giờ sáng, ngọn cờ của Việt Nam đã tung bay trên nóc dinh Độc Lập. Có thể nói đó là giây phút sung sướng nhất trong đời cách mạng của chúng tôi.

Cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc của chúng tôi là cuộc kháng chiến kéo dài 100 năm, một cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ, ác liệt nhất. Đây cũng là lần đầu tiên một dân tộc nhỏ, yếu, kinh tế lạc hậu, quân đội mới thành lập mà dám đứng lên để chống lại một cường quốc mạnh nhất lúc bấy giờ.

Mà lại giành được thắng lợi với sức mình là chính. Công lao to lớn nhất thuộc về toàn dân tộc Việt Nam và Hồ Chủ tịch, người công dân số 1. Hồ Chủ tịch là người đầu tiên nêu lên luận điểm là: một dân tộc đứng lên tự giải phóng, nếu quyết tâm, quyết chiến, với sức mình sẽ tất thắng.

- Thế thì cuộc kháng chiến đó mang lại ý nghĩa gì cho nhân loại?

Cuộc kháng chiến không những có ý nghĩa cho dân tộc Việt Nam chúng tôi, Nam Bắc thống nhất một nhà, giành được độc lập tự do, cơm no áo ấm cho dân tộc, mà còn có một ý nghĩa cho các dân tộc đang còn bị áp bức trên thế giới, có thể tự đứng lên để giải phóng cho dân tộc mình.

- Chiến tranh Việt Nam đã qua 30 năm nhưng vẫn còn đó những vết thương rất nặng nề, đặc biệt là vấn đề chất độc da cam. Vậy bác có suy nghĩ gì về vấn đề bồi thường chiến tranh của Mỹ. Cháu cũng muốn hỏi thêm, Hàn Quốc là một quốc gia tham gia tích cực vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Vậy có khi nào Việt Nam sẽ hỏi đến trách nhiệm của Hàn Quốc.

- Theo Hiệp định Genève điều 21, sau chiến tranh Mỹ có nhiệm vụ giúp Việt Nam khôi phục lại hậu quả. Nhưng bây giờ quan hệ Việt Nam và Mỹ đã bình thường hóa hoàn toàn thì về phía Mỹ,  nếu không nói vấn đề pháp lý thì Mỹ nên có nhiệm vụ trong việc khắc phục hậu quả của chiến tranh. Hiện nay những người bị nhiễm chất độc da cam của Việt Nam đang kiện các công ty hóa chất của Mỹ. Và tại Paris có Hội nghị quốc tế về hậu quả chất độc da cam. Tôi cũng đã có một bức thư gửi đến hội nghị.

Đối với Hàn Quốc, chúng tôi được biết rằng báo Hankyoreh đã chủ động nêu những điều không tốt của quân đội Hàn Quốc trước đây tham chiến ở Việt Nam. Qua tờ báo đó mà người dân Hàn Quốc và chính phủ Hàn Quốc càng hiểu thêm hậu quả của chiến tranh Việt Nam.

Chính phủ và nhân dân Hàn Quốc đã có những công trình xây dựng để kỷ niệm cuộc chiến đấu của chúng tôi và còn có những sự trợ giúp tới đồng bào của chúng tôi. Hiện nay quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc ngày càng tốt đẹp cả về chính trị, ngoại giao và kinh tế. Chúng ta mong muốn quan hệ hai nước ngày càng tốt đẹp.

Chúng ta không quên quá khứ nhưng sẽ cùng nhau vượt qua để hướng tới tương lai tốt đẹp hơn để hai nước góp phần vào hòa bình, hữu nghị của các nước trên thế giới.

- Bác suy nghĩ gì về cuộc chiến tranh của Iraq?
- Trong thời đại hiện nay, một nước nào dù mạnh đến đâu, quân đội có được trang bị hiện đại đến đâu, muốn đem sức mạnh mà áp đặt ý nghĩ của mình vào các nước khác, làm các nước đó không còn chủ quyền độc lập, làm cho con người ở nước đó không có quyền sống, không có quyền mưu cầu hạnh phúc thì mưu đồ đó nhất định sẽ thất bại.

- Chính phủ Hàn Quốc đã gửi quân sang Iraq, cháu nghĩ có phải lịch sử đã lặp lại chăng?
- Tôi thấy là lịch sử thì không lặp lại, mà lịch sử là một dòng chảy liên tục. Nhưng mà những sai lầm trong lịch sử thì có thể lặp lại.

- Cháu xin hỏi bác một câu cuối cùng, câu châm ngôn nào mà bác tâm đắc nhất?
- Tôi có một diễm phúc lớn đó là được sống rất lâu với Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký ức về Người trong tôi nhiều lắm. Nhưng có một kỷ niệm lớn nhất, tôi đã nhớ suốt đời. Đó là một đêm đông lạnh giá trong hang Pắc Bó tôi cùng Người nằm cạnh nhau trên chiếc gường gỗ nói chuyện chuẩn bị khởi nghĩa. Bỗng nhiên Người dừng lại bảo tôi: “Chú Văn này, làm cách mạng dĩ công vi thưởng”. Đó cũng là câu tôi tâm đắc nhất.

...Nhìn đồng hồ đã 4 giờ 10 phút, quá thời gian quy định gần 20 phút. Một đoàn đại biểu khác đang chờ được tiếp kiến. Đại tướng đã viết ít dòng gửi cho độc giả của báo Hankyoreh. Một nét chữ hơi nhòe, ai cũng bảo không sao cả nhưng Đại tướng cứ viết lại. Chúng tôi, những người làm báo đã học thêm được một điều từ Đại tướng, đó là với độc giả phải thật hoàn hảo.

Y BAN

Tin cùng chuyên mục