
Vụ sai phạm tại Công ty Điện lực TPHCM đã gây hậu quả rất nặng nề. Tại sao vụ việc diễn ra trong thời gian dài mà Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) không phát hiện ra? Trách nhiệm của EVN và bài học rút ra như thế nào...? Chiều qua, khi cơ quan điều tra đang tiến hành khám xét nhà riêng bị can Lê Minh Hoàng, PV Báo SGGP đã phỏng vấn ông Đào Văn Hưng, Tổng Giám đốc EVN về những vấn đề trên.

Ông Lê Minh Hoàng bị dẫn giải về trại tạm giam Bộ Công an.
- Thưa ông, tại sao sai phạm ở Công ty Điện lực TPHCM diễn ra trong thời gian dài mà EVN không phát hiện?
- Ông ĐÀO VĂN HƯNG: Không phải công tác thanh, kiểm tra của EVN bị buông lỏng. Trước khi vụ việc bị phát hiện, có tới 14 đoàn tiến hành thanh tra, kiểm tra công ty này nhưng do mỗi đoàn thanh tra một lĩnh vực nên không phát hiện vụ việc sai phạm lớn nào ở công ty. Do Quốc hội và Chính phủ chỉ đạo tập trung kiểm tra xây dựng cơ bản nên chúng tôi chủ yếu làm việc này, chưa thanh tra việc mua sắm điện kế điện tử (ĐKĐT). Trong năm 2004, EVN đã tổ chức 3 đoàn thanh tra, kiểm tra công ty.
Theo kế hoạch, việc thanh tra nội dung này sẽ được tiến hành vào tháng 7 năm 2005 nhưng chưa kịp thanh tra thì vụ việc đã bị phát hiện. Hơn nữa, lực lượng thanh tra của EVN chỉ khoảng 10 người trong khi EVN có 327 đơn vị, nếu kiểm tra 2 ngày/đơn vị thì phải mất hai năm chúng tôi mới kiểm tra đơn vị hết một lượt. EVN cũng có tới 7 triệu hợp đồng mua bán điện với dân nên biện pháp chính vẫn là các đơn vị phải tự kiểm tra.
- Hợp đồng mua sắm ĐKĐT có giá trị lớn, có thể ông không biết nhưng các ban chuyên môn của EVN phải nắm được vụ này...
- Công ty Điện lực TPHCM là đơn vị hạch toán độc lập. Chúng tôi đã phân cấp cụ thể. Năm 2005, giám đốc có quyền quyết định đầu tư đến 100 tỷ đồng. Cơ quan được phân cấp phải tự chịu trách nhiệm. Có một nhóm người trong công ty liên kết với nhau che giấu hành vi đó, nên ngay Giám đốc Lê Minh Hoàng cũng khó phát hiện ra. Đặc biệt là họ đã chẻ nhỏ dự án mua sắm ĐKĐT thành 14 hợp đồng nhỏ để công ty toàn quyền quyết định mua sắm. Vì thế, các ban chuyên môn của tổng công ty không biết.
- Có vị đại biểu Quốc hội đề nghị trong kỳ họp sắp tới, cần kiến nghị Thủ tướng xem xét trách nhiệm của ông với tư cách là người đứng đầu ngành điện...
- Theo quy định hoạt động của Tổng Công ty 91, cơ quan quyền lực cao nhất là Hội đồng quản trị (HĐQT) mà HĐQT quyết định theo cơ chế tập thể. Mọi việc đã được phân cấp trách nhiệm rất rõ ràng. Theo phân cấp thì việc mua sắm thiết bị điện kế điện tử này là thẩm quyền của Giám đốc Điện lực TPHCM. Tổng giám đốc cũng không có quyền can thiệp vào những việc đã được HĐQT phân cấp. Chúng tôi chỉ có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra việc thực hiện của các đơn vị có đúng quy định hay không. Trước khi vụ việc này bị phát hiện, chúng tôi không hề nhận được đơn khiếu nại, tố cáo nào có liên quan. Vì nếu có chúng tôi đã cho thanh tra ngay.
- Thủ tướng đã chỉ đạo kiểm điểm EVN chưa, thưa ông?
- Sau khi vụ việc xảy ra, Chính phủ cũng đã có cuộc họp xem xét và kết luận về vấn đề này. Chính phủ cho rằng, việc thay thế điện kế cơ bằng điện kế điện tử để từng bước hiện đại hóa ngành điện là chủ trương đúng và cần thiết… Trong vụ việc xảy ra tại Công ty Điện lực TPHCM, bộ quản lý ngành, EVN và chính quyền địa phương chưa phối hợp tốt và thực hiện đầy đủ chức năng kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện.
Chính phủ đã yêu cầu nghiêm túc kiểm điểm và rút kinh nghiệm về vụ việc này. Chúng tôi đã kiểm điểm nghiêm túc và đã gửi báo cáo kết quả kiểm điểm lên Thủ tướng. Còn nếu Quốc hội yêu cầu giải trình, tôi nghĩ đây cũng là cơ hội để chúng tôi có thể nói cho rõ hơn vấn đề.
- Điểm nổi lên trong vụ ĐKĐT là sự tham gia của các công ty gia đình. Ông đánh giá thế nào về sự tham gia của các công ty gia đình trong ngành điện?
- Đến nay, chúng tôi chưa nắm được số liệu có bao nhiêu doanh nghiệp có tính chất gia đình trong ngành điện. Nhưng tôi nghĩ vấn đề quan trọng là ở lãnh đạo các công ty điện lực. Nếu giám đốc nhu nhược thì dù không phải là công ty gia đình cũng xảy ra sai phạm. Tuy nhiên, tới đây khi có kết luận điều tra, chúng tôi sẽ nghiên cứu nghiêm túc kỹ để kiểm tra, đánh giá vấn đề công ty gia đình để có biện pháp quản lý hiệu quả hơn.
- Vậy có tiếp tục thay thế, lắp đặt điện kế điện tử trong cả nước nữa không, thưa ông?
- Đây là loại công tơ có độ chính xác, hiệu quả cao. Chúng tôi sẽ tiếp tục cho thay thế, lắp đặt ĐKĐT ở những địa phương có đủ điều kiện. Từ bài học đau xót này, tới đây, chúng tôi sẽ tiến hành thanh, kiểm tra chéo giữa các đơn vị để ngăn chặn sai phạm đáng tiếc có thể xảy ra.
- Xin cảm ơn ông.
KIẾN QUỐC