
Mua bảo hiểm nhân thọ (BHNT) với mục đích đảm bảo an toàn tài chính cho bản thân và gia đình khi chẳng may gặp phải rủi ro, hoặc để tích lũy tài chính cho những kế hoạch tương lai.
Song hiện nay có nhiều người tiêu dùng lo lắng rằng, nếu như doanh nghiệp BHNT nào đó bị phá sản, mất khả năng thanh toán hoặc bị giải thể (như trường hợp vừa xảy ra ở Trung tâm Ngoại ngữ Quốc tế SITC), thì ai sẽ là người bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, và họ sẽ bị thiệt hại như thế nào?

Tư vấn cho khách hàng ở Manulife - công ty BHNT nước ngoài đầu tiên được cấp phép hoạt động tại Việt Nam. Ảnh: Đ.V.D.
Bảo hiểm nhân thọ không chỉ ảnh hưởng tới sự an toàn tài chính của các cá nhân mà còn có tác động lớn đối với toàn xã hội. Vì vậy việc đảm bảo khả năng thanh toán của các doanh nghiệp BHNT là điều mà khách hàng và Nhà nước rất quan tâm.
Đề cập đến việc mất khả năng thanh toán hoặc bị giải thể của các doanh nghiệp BHNT, bà Nguyễn Thị Băng Tâm, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho biết: lĩnh vực BHNT là lĩnh vực luôn được quản lý chặt chẽ và hết sức an toàn.
Nếu như có doanh nghiệp nào đó rơi vào khả năng trên, thì ngay lập tức toàn bộ hợp đồng bảo hiểm của khách hàng với doanh nghiệp đó sẽ được chuyển giao sang một doanh nghiệp BHNT khác mà quyền lợi, nghĩa vụ của khách hàng không thay đổi so với những cam kết trong hợp đồng cũ.
Trong trường hợp việc chuyển giao không thỏa thuận được, Bộ Tài chính sẽ đứng ra chỉ định cụ thể doanh nghiệp BHNT nhận chuyển giao.
Thực tế cho thấy, Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản pháp luật liên quan có hiệu lực từ tháng 4- 2001 đã tạo ra một hành lang pháp lý rõ ràng cho hoạt động bảo hiểm nói chung và BHNT nói riêng. Tuy nhiên, ngoài những đảm bảo có tính pháp lý, các cơ quan quản lý nhà nước trước khi cho phép một doanh nghiệp được phép kinh doanh BHNT tại Việt Nam, dù là doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài cũng vẫn phải kiểm tra rất kỹ về khả năng, uy tín và chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp đó.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Băng Tâm, các công ty BHNT nước ngoài hiện đang hoạt động tại Việt Nam đều là con đẻ của những tập đoàn tài chính vững mạnh hàng đầu trên thế giới, vì vậy, khả năng các doanh nghiệp kinh doanh BHNT ở Việt Nam rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán hay bị giải thể như đã nêu trên là rất khó có thể xảy ra.
Không chỉ về khả năng, uy tín và chất lượng dịch vụ, để được Bộ Kế hoạch - Đầu tư cấp giấy phép thành lập và hoạt động, các doanh nghiệp kinh doanh BHNT còn phải đáp ứng nhiều điều kiện nhất định về vốn, phương án hoạt động, năng lực quản lý, năng lực chuyên môn của người điều hành. Đặc biệt, các doanh nghiệp BHNT có vốn đầu tư nước ngoài, ngoài các điều kiện trên, Chính phủ còn xem xét rất thận trọng tình hình hoạt động và tiềm năng tài chính của công ty mẹ tại nước ngoài.
Và việc quản lý tình hình tài chính của các doanh nghiệp BHNT đã được Nhà nước quy định chặt chẽ trong Nghị định số 43/2001/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 1-8-2001. Theo đó, để được hoạt động, các doanh nghiệp bảo hiểm phải luôn duy trì mức vốn điều lệ không thấp hơn mức vốn pháp định đã quy định (hiện nay vốn tối thiểu được quy định là 10 triệu đô la Mỹ đối với doanh nghiệp BHNT).
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp BHNT phải sử dụng một phần vốn điều lệ đã góp (bằng 5% vốn pháp định) để ký quỹ tại một ngân hàng thương mại hoạt động tại Việt Nam. Nếu lâm vào tình trạng không đủ khả năng thanh toán, được sự chấp thuận của Bộ Tài chính, doanh nghiệp có thể sử dụng tiền ký quỹ để thực hiện các cam kết đối với khách hàng.
Song song đó, Chính phủ cũng quy định, trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày sử dụng tiền ký quỹ, doanh nghiệp có trách nhiệm bổ sung tiền ký quỹ đã sử dụng. Việc theo dõi giám sát sẽ được tiến hành thường xuyên; các công ty BHNT có nghĩa vụ thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hàng tháng, hàng quý, hàng năm cho Bộ Tài chính, trong đó báo cáo năm phải được kiểm toán bởi một công ty kiểm toán độc lập.
Theo Bộ Tài chính, hoạt động bảo hiểm tại Việt Nam hiện đang phát triển rất mạnh, nếu tính riêng năm 2005, tổng doanh thu phí BHNT đạt trên 8.182 tỷ đồng, tăng gần 1.000 tỷ đồng so với năm 2004. Mới sau từ 4 đến 5 năm hoạt động, các công ty BHNT có vốn nước ngoài đã chiếm được trên 60% thị phần doanh thu phí BHNT của toàn thị trường, trong đó dẫn đầu là Prudential với 36%, Manulife 13%, AIA 5% và Bảo Minh – CMG là 2,27% thị phần.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường BHNT về số lượng hợp đồng và doanh thu phí, đã buộc các doanh nghiệp BHNT đều đưa ra kế hoạch tăng vốn điều lệ để đảm bảo an toàn cho quá trình phát triển bền vững của mình và cho đúng quy định của pháp luật Việt Nam.
Như vậy, người tiêu dùng có thể hoàn toàn yên tâm về khả năng thanh toán của các doanh nghiệp BHNT khi mua bảo hiểm.
THU TUYẾT - THẢO TIÊN