
Từ những diễn tiến tình hình buôn lậu 6 tháng đầu năm, Tổng cục Hải quan nhận định: hiện nay, hoạt động buôn lậu đang trở nên tinh vi hơn, trong đó, đặc biệt nghiêm trọng là tình hình lợi dụng chính sách của nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập khẩu để buôn lậu, trốn thuế, gian lận thương mại trở nên nghiêm trọng hơn so với trước.
- Lợi dụng trị giá tính thuế GATT/WTO để trốn trên 100 tỷ đồng thuế

Kiểm tra hàng hóa ở sân bay Tân Sơn Nhất.
Ông Nguyễn Khánh Quang, Phó cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết, điểm đáng chú ý trong tình hình buôn lậu những tháng đầu năm là việc các đối tượng buôn lậu ngày càng tập trung lợi dụng việc áp dụng trị giá tính thuế theo Điều 7 – Hiệp định GATT/WTO để trốn thuế với thủ đoạn thông đồng với đối tác nước ngoài làm giả hợp đồng thương mại, hóa đơn, chứng từ, khai báo trị giá thấp so với thực tế; khai báo chủng loại, mô tả đặc tính kỹ thuật không rõ ràng để được áp mã vào mặt hàng có thuế suất thấp; hàng thành phẩm nhưng được chia nhỏ nhập dưới dạng linh kiện, phụ tùng lắp ráp.
Các đối tượng buôn lậu thường tập trung chủ yếu vào những mặt hàng có thuế suất cao như thuốc lá, rượu ngoại, phụ tùng ô tô, xe máy, hàng điện tử, điện lạnh, máy tính.
Theo ông Quang, sở dĩ thời gian qua xuất hiện tình trạng đáng lo ngại này là do yêu cầu của hội nhập, ngành hải quan đã bãi bỏ bảng giá tối thiểu mà tính thuế suất thuế nhập khẩu theo trị giá hợp đồng. Vẫn theo ông Quang, tình trạng lợi dụng chính sách này đang có xu hướng nghiêm trọng và “chưa thể thống kê hết được”.
“Nhiều mặt hàng mà doanh nghiệp khai báo, hải quan dù biết giá trị thực tế không phải là như vậy, nhưng chưa thể xử lý ngay được do mất thời gian để thu thập thông tin. Tuy nhiên, giá trị mà chúng tôi ước đoán các doanh nghiệp trốn thuế thông qua hình thức này là trên 100 tỷ đồng”, ông Quang cho biết.
- Buôn lậu lớn chuyển hướng hoạt động
Tổng cục Hải quan nhận định, các vụ buôn lậu lớn đang có xu hướng chuyển dần sang việc lợi dụng những kẽ hở trong chính sách hiện hành thay vì trắng trợn, lộ liễu vận chuyển trái phép hàng qua biên giới như trước đây.
Cụ thể, các đối tượng đã lợi dụng hình thức chuyển cửa khẩu theo Quyết định 53/2003/QĐ-BTC để buôn lậu, gian lận thương mại. Những đối tượng này sử dụng thủ đoạn khai báo sai số lượng, chủng loại, lợi dụng cơ quan hải quan không giám sát trực tiếp khi hàng vận chuyển từ cửa khẩu nhập khẩu đến nơi làm thủ tục, việc không quy định thời gian tuyến đường vận chuyển nên chúng đã phá niêm phong hải quan để tráo đổi hoặc tẩu tán bớt hàng hóa.
6 tháng đầu năm, hải quan đã phát hiện và bắt giữ 4.353 vụ vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính khoảng trên 338 tỷ đồng. Trong đó, 1.583 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; 236 vụ gian lận thương mại; 2.525 vụ vi phạm thủ tục hải quan và 9 vụ ma túy; xử lý hàng vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 22,5 tỷ đồng. Số vụ vi phạm bị phát hiện, bắt giữ và trị giá hàng vi phạm đã tăng lần lượt khoảng 12,5% và 230% so với cùng kỳ năm 2004. |
Hay như trong lĩnh vực gia công – đầu tư, các vi phạm về nhập khẩu thừa, không khai báo, gian lận định mức, gian lận xuất xứ, giả mạo hồ sơ, xuất khống... diễn ra khá nhiều. Trên thực tế đã xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng như trường hợp Công ty cổ phần May da Sài Gòn khai báo là nguyên liệu gia công túi xách nhưng xen lẫn vào đó lượng lớn mỹ phẩm các loại với trị giá hàng vi phạm lên tới gần 69.500 USD, Công ty TNHH Tuấn Ngân xuất khống 110.000m vải...
Ngoài ra, theo ông Đặng Văn Tạo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, một hiện tượng khác cũng đang xảy ra khá phổ biến là ở địa bàn một số tỉnh biên giới đường bộ, lợi dụng tiêu chuẩn miễn thuế 500.000 đồng/lượt, các đối tượng buôn lậu thuê mướn dân cư biên giới (đặc biệt bao gồm cả người già, trẻ em, thương binh) để vận chuyển hàng lậu qua biên giới.
Tình hình lợi dụng chính sách ân hạn để chây ỳ, chiếm đoạt tiền thuế cũng trở nên nghiêm trọng hơn. Chỉ riêng tại Cục Hải quan Quảng Ninh, những tháng đầu năm, số nợ đọng thuế cần thu hồi đã vượt quá 35 tỷ đồng; trong số đó, 29% là nợ không có địa chỉ, 31% nợ chây ỳ, còn lại là nợ của các doanh nghiệp thua lỗ, không có khả năng thanh toán. Do những hạn chế về kinh phí, chi phí đi lại, thẩm quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế..., nên nguy cơ thất thu là rất cao.
Theo ông Tạo, để khắc phục những hạn chế, những tháng cuối năm, ngành tiếp tục khẩn trương hoàn chỉnh văn bản hướng dẫn Quyết định số 65/2004/QĐ-TTg về Quy chế hoạt động của lực lượng hải quan chuyên trách phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; hoàn thành việc xây dựng và trình Bộ Tài chính Đề án xây dựng tình báo hải quan; tập trung đánh mạnh vào các chủ đầu nậu, đầu mối cung cấp hàng nhập lậu...
NGỌC QUANG