
Sau 9 năm trường kỳ kháng chiến, ngày 10-10-1954, Bác Hồ về lại thủ đô “cờ đỏ reo quanh tóc bạc Bác Hồ”. Thấm thoắt đã 56 năm, Hà Nội luôn như có Bác trong ngày vui đại thắng.

Bác Hồ góp ý quy hoạch thủ đô Hà Nội. Ảnh tư liệu
Nhớ ngày đầu về lại thủ đô, Bác cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng - Nhà nước quan tâm đặc biệt đến việc xây dựng lại thủ đô mà trước hết là lo đào tạo cán bộ. Căn dặn đội ngũ cán bộ vào tiếp quản thủ đô, Bác đã nhấn mạnh đến đạo đức và nhân cách. Bác nói: Trong kháng chiến, chúng ta đã học được nhiều đức tính tốt. Nay về xuôi, nhất là thành thị sẽ gặp nhiều thói xấu lôi kéo. Có thể những người khi kháng chiến rất anh dũng nhưng đến khi về thành thị lại bị tiền bạc quyến rũ, mất lập trường. Phải cảnh giác với “kẹo bọc đường”.
Lời Bác dặn mang tính thời sự, là kim chỉ nam cho mọi cán bộ chiến sĩ tiếp quản thủ đô. Bác còn thường xuyên lưu ý và chỉ đạo nhiều việc cấp bách. Một lần, đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội lúc đó hỏi Bác: “Thưa Bác, Hà Nội ổn định ngân hàng và thu thuế như thế nào cho phù hợp?”. Bác nói: “Hai việc này cốt thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nếu làm không khéo sẽ ngưng hoạt động kinh tế, coi như xã hội ngưng hoạt động”.
Bác còn căn dặn: “Hà Nội là thủ đô cả nước, ta để bẩn là không được. Cho nên, mọi người phải chú ý trật tự vệ sinh, nếp sống văn minh văn hóa trở thành phong trào cách mạng, không phải chỉ đánh giặc mới là cách mạng”. Từ đó, vào thứ bảy hàng tuần, Hà Nội có phong trào nhà nhà ra đường tự giác tổng vệ sinh đường phố sạch đẹp, khai thông cống rãnh. Hà Nội từ đó cũng không có thói quen xấu ném rác ra đường. Không chỉ thế, Bác còn quan tâm đến những việc nhỏ nhặt như chỗ tối phải có đèn thắp sáng. Đến cầu chui khu Long Biên, Bác thấy còn thiếu sáng liền nhắc: “Các chú để chỗ này còn tối là không được”.
Năm đầu thủ đô giải phóng, cũng là thời gian Hà Nội được Bác chỉ đạo từ việc lớn đến nhỏ. Ngày 16-10-1954, tiếp đoàn đại biểu nhân dân thủ đô vào thăm, Bác khẳng định: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, nhân dân là chủ, chính phủ là đầy tớ của nhân dân, nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình chính phủ. Chính phủ thì việc to việc nhỏ đều nhằm mục đích phục vụ lợi ích của nhân dân”.
Lời Bác thành niềm tin của Hà Nội. 56 năm đã qua, kể từ ngày Bác về lại thủ đô sau 9 năm kháng chiến chống Pháp, để bắt tay lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tấm lòng của Bác với Hà Nội vẫn thiêng liêng và mới mẻ. Tại Hà Nội, Bác để lại Di chúc: “Xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Thực hiện Di chúc của Bác, Hà Nội - trái tim dân tộc - ngày nay nỗ lực phấn đấu và đã đạt được những thành tích rất đáng tự hào. Từ một thủ đô vỏn vẹn 152km² với hơn 300.000 dân, bị tàn phá nặng nề sau những trận ném bom của Mỹ nay đã mở rộng hơn 3.000km², với gần 7 triệu dân, trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, hành chính, văn hóa giáo dục, khoa học của cả quốc gia, có vị thế ở khu vực.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hà Nội được thế giới trang trọng: “Thủ đô của lương tâm thời đại”. Năm 1959, Hà Nội là TP duy nhất ở châu lục được UNESCO trao giải thưởng: “Thành phố Hòa bình”. Hà Nội còn vinh dự được Đảng - Nhà nước trao tặng phần thưởng cao quý “Thủ đô Anh hùng”. Hà Nội cũng đang cùng cả nước thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”...
Những năm tháng Bác sống cùng nhịp đập với Hà Nội, lời Bác đã thành niềm tin của Hà Nội trong cả một quãng đường dài…
Nguyễn Khánh Toàn