Hội nghị Thành ủy TPHCM lần thứ 21

Lời giải cho tăng trưởng bền vững

Lời giải cho tăng trưởng bền vững

Liệu năm 2005 - năm cuối của nhiệm kỳ 2001-2005, tốc độ tăng trưởng của TPHCM có đạt được chỉ tiêu cả năm và cả nhiệm kỳ hay không? Đâu là những vướng mắc cần phải tháo gỡ trong 6 tháng cuối năm? Tại Hội nghị Thành ủy TPHCM lần thứ 21 (diễn ra vào ngày 29-6) do Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Minh Triết chủ trì, những vấn đề này được bàn bạc sôi nổi.

  • Sút giảm công nghiệp là có chủ đích…

Lý giải giá trị sản xuất công nghiệp đạt thấp (tỷ lệ 13%) làm ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng chung, Viện trưởng Viện Kinh tế TPHCM Trần Du Lịch lập luận: việc di dời các xí nghiệp ra ngoại thành và các tỉnh, việc cổ phần hóa (nhiều xí nghiệp chuyển sang 100% vốn tư nhân) là hướng đi đúng và có chủ đích để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, song trước mắt, đó là những nhân tố dẫn tới sút giảm.

Thêm vào đó, doanh nghiệp quốc doanh và doanh nghiệp trung ương (đóng trên địa bàn) 6 tháng qua không mở rộng quy mô sản xuất. Theo ông Lịch, có 9 ngành dịch vụ cao cấp TP cần có chính sách đặc biệt: thương mại quốc tế, tài chính, viễn thông, bất động sản, du lịch, công nghệ, cảng biển, giáo dục và y tế.

Lời giải cho tăng trưởng bền vững ảnh 1

Bí thư Huyện ủy Củ Chi Trà Văn Quýnh bức xúc về tốc độ tăng trưởng: nhiều dự án không triển khai được là do chậm giải phóng mặt bằng. Chẳng hạn, dự án Khu công nghiệp Tân Phú Trung (500ha) và dự án Thảo Cầm Viên (500ha) với số tiền đền bù 1.300 tỷ đồng, nhưng đến nay mới đền bù được 300 tỷ đồng, hệ quả là chẳng những không bàn giao được mặt bằng mà hàng trăm hộ dân không có chỗ ở ổn định, không tìm được việc làm, rồi dân đi khiếu kiện.

  • Thu nhập 300.000 đồng/tháng thì làm gì có kỹ sư về phường xã ?!

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Thiện Nhân, chính sách hiện nay rất khó thu hút nhân tài làm việc trong các cơ quan nhà nước. Việc đào tạo 300 tiến sĩ-thạc sĩ theo chương trình của Thành ủy TPHCM (hiện đã có 231 ứng viên trúng tuyển và đang theo học) không khó khăn bằng việc làm thế nào để giữ họ làm việc lâu dài.

“Với mức thu nhập 200.000-300.000 đồng/tháng thì không thể đưa kỹ sư, kiến trúc sư, cán bộ quản lý xây dựng về làm việc ở cơ sở phường-xã được”. Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Minh Dũng bổ sung: Do không có cán bộ am hiểu chuyên môn và trình độ quản lý ở cơ sở nên đây là một trong những nguyên nhân 6 tháng đầu năm 2005, trên địa bàn TPHCM đã để xảy ra 451 vụ xây dựng không phép và 591 vụ xây dựng sai phép.

Ông Dũng đề xuất: “Tại sao Nghị định 93 của Chính phủ về phân cấp thẩm quyền cho TPHCM cho phép TP ban hành chính sách thu hút cán bộ về cơ sở làm việc nhưng đến nay làm vẫn chưa thực hiện được bao nhiêu. Tôi đề nghị tăng mức phụ cấp ít nhất là tương đương với mức lương của cán bộ công chức công tác ở phường-xã”.

Theo Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TP Đào Văn Lượng, nếu TP có chính sách “chiêu hiền đãi sĩ” thì nhân tài tự đến chứ không nhất thiết chỉ tập trung đào tạo nhân tài như hiện nay.

  • 16 tỷ đồng để vớt rác trên sông!

Đó là con số “rất lớn” được Giám đốc Sở Tài chính TP Nguyễn Thị Hồng đưa ra, “nếu quản lý chặt chẽ hơn thì số tiền không lớn đến thế”. Bà kể, mỗi năm, TPHCM phải bỏ ra 400 tỷ đồng để “làm vệ sinh thành phố” và mới đây, áp dụng thử chế độ khoán thu gom, xử lý xà bần mà 6 tháng đầu năm 2005, TP đã tiết kiệm cho ngân sách gần 19 tỷ đồng!

Chỉ một ví dụ nhỏ đã cho thấy: năm 2005 - được gọi là “Năm chống lãng phí và thực hành tiết kiệm”, nhưng tình trạng lãng phí, thất thoát ngân sách trong quản lý tài sản công và đầu tư xây dựng cơ bản còn rất nhiều.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo NQTƯ 6 (lần 2) Thành ủy TPHCM, qua kiểm tra việc quản lý, sử dụng và cho thuê bất động sản thuộc sở hữu nhà nước ở nhiều đơn vị, Công ty Vải sợi-May-Thời trang Sài Gòn được giao quản lý 17 mặt bằng thuộc sở hữu nhà nước, hầu hết có vị trí kinh doanh ngay trung tâm thành phố và các khu vực sầm uất ở quận 5, Bình Thạnh nhưng giá thuê 17 mặt bằng chỉ là 246 triệu đồng/năm.

Trong khi một mặt bằng khu vực đường Nguyễn Văn Cừ (quận 5) cho tư nhân thuê 216 triệu đồng/năm. Sở Công nghiệp quản lý 176 mặt bằng nhưng chỉ sử dụng 94 mặt bằng, còn lại 82 mặt bằng bỏ trống khá lâu mà không đưa vào khai thác. Công ty Điện ảnh thuộc Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn quản lý 19 mặt bằng nhưng cho tư nhân thuê 17 mặt bằng với “giá bèo”…

Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Thị Hồng tổng hợp lại, vừa qua, sau khi đi kiểm tra 2.066 cơ sở, TP đã thu hồi 36 mặt bằng sử dụng không đúng công năng. Bà cho biết thêm: Từ tháng 5-2001 đến nay, TPHCM thu được gần 5.000 tỷ đồng từ khai thác mặt bằng nhà xưởng, đất đai, qua đó, phát huy nguồn lực từ đất đai, tài sản.

6 tháng đầu năm 2005, TPHCM đã trích từ nguồn thu trên để đầu tư 573 tỷ đồng nâng cấp, hiện đại hóa công sở, tăng thêm năng lực sản xuất kinh doanh. Mới đây, Kho bạc Nhà nước TPHCM vừa từ chối thanh toán 5 tỷ đồng trong chi ngân sách - một con số tuy nhỏ so với tổng chi ngân sách (chiếm khoảng 0,22%), nhưng đáng phải suy ngẫm về sự lãng phí. 

Tuấn Sơn

Tại Hội nghị Thành ủy lần 21, Bí thư Thành ủy Nguyễn Minh Triết:
Một người đạp ga mà 3-4 người đạp thắng…

Một người đạp ga mà 3-4 người đạp thắng thì làm sao chiếc xe tăng tốc được. So với nhiều nơi, tôi thấy thủ tục của chúng ta còn nhiêu khê quá, cán bộ còn sách nhiễu quá, thử hỏi dân không kêu sao được và nhà đầu tư bỏ đi nơi khác là phải rồi. Tôi đề nghị, nếu không bắt được quả tang cán bộ nào gây khó dễ cho dân, doanh nghiệp thì lãnh đạo đơn vị mạnh dạn bố trí cán bộ ở khâu “hay gây khó dễ” đó làm công việc khác. Các sở, ngành, địa phương cần có đợt chỉnh huấn con người trong bộ máy và rà soát, phá bỏ hết những “rào cản”.

Tin cùng chuyên mục