Lời ru những dòng sông

Người trẻ nỗ lực hướng về môi trường ngày càng nhiều với những dự án, hành động cụ thể như ứng dụng công nghệ xanh, giải pháp xử lý và thay thế sản phẩm nhựa… Để lan tỏa và chạm đến ý thức cộng đồng nhiều hơn, một nhóm bạn trẻ có sáng kiến tổ chức cuộc thi dùng âm nhạc để nói về biến đổi khí hậu (BĐKH) ở khu vực ĐBSCL.
Phần dự thi Người gieo mầm xanh của Trương Long Nhật. Ảnh cắt từ clip cuộc thi
Phần dự thi Người gieo mầm xanh của Trương Long Nhật. Ảnh cắt từ clip cuộc thi

“Hát cho dòng sông”

“Hát cho dòng sông” là cuộc thi cover lại những bài hát về dòng sông - thiên nhiên - miền Tây Nam bộ dành cho bạn trẻ từ 15 đến 30 tuổi, do dự án “Lời ru những dòng sông” tổ chức. 

Ngọt ngào những làn điệu hát về miền Tây sông nước, Trần Thị Trà My (sinh viên năm 2, ĐH KHXH-NV TPHCM), đến từ Bình Định, chia sẻ: “Tôi được sinh ra và lớn lên ở mảnh đất võ miền Trung nhưng lại có nhiều sự đồng điệu, tình cảm với con người, khung cảnh nơi miền Tây sông nước. Tôi suy nghĩ, trong giai đoạn khó khăn như thế này, sao không hát những ca khúc tích cực, lạc quan để biến chúng thành những viên vitamin truyền năng lượng cho mọi người. Bên cạnh đó, cuộc thi cũng chia sẻ tình yêu và mối quan tâm tới BĐKH ở ĐBSCL, đây là vấn đề cần được lan tỏa để mọi người, nhất là bạn trẻ, cùng quan tâm và chung tay, nên tôi tham gia ngay”.

Đoạn video hát lại hai bài hát Áo mới Cà Mau (tác giả Thanh Sơn) và Miền Tây quê tôi (tác giả Cao Minh Thu) thu hút gần 1.000 lượt thích và chia sẻ từ nhiều bạn trẻ. “Miền Tây Nam bộ ấp ôm trong lòng những dòng sông đỏ nặng phù sa, miền châu thổ từ lâu nổi tiếng với những điệu hò ngọt ngào sâu lắng, với vựa lúa lớn. Thế nhưng, những năm qua, khu vực này chịu tác động mạnh từ BĐKH khi thường xuyên bị sạt lở, hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng. Thực tế này đòi hỏi người dân của vùng đất Chín Rồng phải thay đổi thói quen sinh hoạt, sản xuất… tìm cách để thích ứng”, Trà My chia sẻ thêm.

Hát lại bài hát Người gieo mầm xanh (tác giả Hứa Kim Tuyền), thí sinh Trương Long Nhật bày tỏ: “BĐKH kèm theo những dấu hiệu xấu của môi trường ở vùng ĐBSCL đã phần nào ảnh hưởng đến tự nhiên, môi trường sống của người dân nơi đây. Nhưng tôi tin rằng điều này có thể thay đổi bởi sự vun đắp của giáo dục, nhận thức và giá trị nhân văn từ những người dân bản địa. Là một người trẻ, tôi hy vọng qua cách kể chuyện bằng nghệ thuật này có thể truyền tải được thông điệp tích cực và giá trị đến với tất cả mọi người”.

Kết nối giá trị quá khứ và hiện tại

“Lời ru những dòng sông” là một dự án sáng tác và biểu diễn âm nhạc dành cho các bạn trẻ ở miền Nam để thúc đẩy tiếng nói chủ động và sáng tạo của các bạn trong các vấn đề liên quan đến BĐKH tại ĐBSCL. Dự án được hỗ trợ chuyên môn và tài trợ bởi Hội đồng Anh và Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp, nằm trong khuôn khổ chương trình “Rivers of Life - Dòng sông của sự sống”, hướng tới Hội nghị Thượng đỉnh về BĐKH (COP lần thứ 26) diễn ra tại Glasgow, xứ Scotland, Vương quốc Anh vào tháng 11-2021.

Những dòng sông đã bớt “chở nặng” phù sa trong lưu lượng dòng chảy, ảnh hưởng của những đợt xâm nhập mặn, tác động của BĐKH và giải pháp phát triển bền vững ở ĐBSCL cần sự chung tay, quan tâm mạnh mẽ hơn. Tháng 3-2021, dự án bắt đầu nhưng gần như toàn bộ các hoạt động phải chuyển sang online vì tình hình giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19. 

Chọn âm nhạc để nói về các vấn đề môi trường, là một trong 3 thành viên sáng lập và điều phối dự án, Quang Minh (20 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) chia sẻ: “Tôi là người miền Bắc nhưng rất ấn tượng với miền Tây Nam bộ từ những tác phẩm văn học như Đất rừng phương Nam, Người mẹ cầm súng. Tôi cảm nhận miền đất này rất chân chất, nhưng có một điều gì đó rất thơ, rất nhạc cứ len lỏi vào đời sống; mỗi người dân cũng phảng phất nét nghệ sĩ, họ có thể hò khi ra đồng, khi chèo ghe…, mọi thứ rất tự nhiên, chân tình. Vì thế tôi muốn dùng âm nhạc để nói về BĐKH và phát triển bền vững ở ĐBSCL. Hơn nữa tôi tin rằng âm nhạc là hình thức truyền tải rất dễ chạm đến mọi người”. 

Không chỉ tập trung lan tỏa vấn đề môi trường qua âm nhạc, những buổi chia sẻ trực tuyến của dự án cũng hướng bạn trẻ tham gia quan tâm nhiều hơn đến âm nhạc dân tộc qua sự trao đổi cùng các cố vấn như nghệ nhân Sáu Hưng và Song Oanh (thành viên của CLB Đờn ca tài tử Tám Danh thuộc Hội Di sản TPHCM)…

“Người trẻ thường nhanh nhạy với trào lưu mới, nhưng tôi nghĩ càng biết nhiều về quá khứ, về những giá trị truyền thống, sẽ thấy tự hào về thế hệ cha ông, thấy bản thân mình Việt Nam hơn và trái tim cũng trọn vẹn. Chính vì thế mà chúng tôi tổ chức những buổi chia sẻ về vọng cổ, đờn ca tài tử cho các thí sinh tham dự, ví như chỉ một tiếng đờn trong đờn ca tài tử cũng mang nhiều âm sắc, gợi nhiều cảm xúc”, Quang Minh bày tỏ thêm.

Tin cùng chuyên mục