Chất lượng lao động

Lợi thế cạnh tranh của SAMCO

Nhắc đến thương hiệu SAMCO, khách hàng thường nói nhiều đến uy tín chất lượng sản phẩm và chế độ bảo hành chuyên nghiệp. Để có được 2 phẩm chất này, Tổng Công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn (SAMCO) đặc biệt coi trọng công tác huấn luyện nghiệp vụ, đào tạo tay nghề cho người lao động.

Lò đào tạo thợ giỏi

Trong bảng thành tích vàng 10 năm qua của SAMCO, Trần Kim Hưng, Phạm Văn Sơn hay Nguyễn Văn Phúc... giữ vị trí quan trọng và trở thành niềm tự hào của bao lớp thợ trẻ. Họ từng được xướng tên, từng là nhân vật chính ở những buổi lễ trao Giải thưởng Tôn Đức Thắng, nhằm biểu dương, tôn vinh, những kỹ sư, công nhân, thợ cả xuất sắc trong phong trào lao động sáng tạo.

Từ SACOXU (Sài Gòn Công xưởng) cho đến SAMCO là một quá trình phát triển hàng chục năm, đánh dấu tầm nhìn xa của lãnh đạo SAMCO trong việc nâng cao chất lượng nguồn lao động. Hãy lấy trường hợp của anh Trần Kim Hưng, Tổ trưởng Tổ Cố vấn dịch vụ XN Ôtô Toyota Bến Thành, Huy chương vàng cuộc thi Cố vấn dịch vụ Toyota toàn quốc năm 2004, và là một trong 10 cá nhân đoạt Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần 6 - 2006, làm thước đo. Dù Hưng tốt nghiệp kỹ sư cơ khí, song với quan điểm “thợ giỏi phải được đào luyện từ thực tiễn công việc”, lãnh đạo XN Ôtô Toyota Bến Thành vẫn đưa anh xuống xưởng “học nghề” như một công nhân thực thụ.

Quan điểm đào tạo của SAMCO còn được thể hiện qua nguyên tắc “đi tắt, đón đầu”. Chủ trương người đi trước rèn người đi sau của SAMCO đã giúp bao lớp thợ trẻ nâng cao kiến thức, tay nghề. Ở XN Ô tô Toyota Bến Thành và các đơn vị thành viên, không chỉ được hưởng chính sách đào tạo căn cơ, mọi lao động đều được tạo cơ hội phấn đấu ngang bằng. Nhờ chính sách này, 85% trong tổng số 100 kỹ thuật viên của đơn vị được Toyota Việt Nam cấp giấy chứng nhận quốc tế.

Chung một tầm nhìn, vượt lên phía trước

Theo Tổng Giám đốc SAMCO Nguyễn Tiến Dũng, để đáp ứng kỳ vọng và quy hoạch của Chính phủ: một trong 4 tổng công ty chủ lực phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam, SAMCO đặt công tác đào tạo nghề lên hàng đầu. Trong những năm qua, SAMCO đã tổ chức hàng trăm khóa huấn luyện, nâng cao nghiệp vụ cho CB - CNV… Nhờ đó, bình quân hàng năm, họ đăng ký thực hiện trên 40 công trình sáng kiến có giá trị, với tỷ lệ công trình, sáng kiến được áp dụng trong sản xuất đạt trên 80%.

Dĩ nhiên, quy trình đào tạo đã được xây dựng theo hướng chuyên nghiệp với sự ra đời của Trung tâm Đào tạo SAMCO (trụ sở tại 121 Cô Giang, quận 1, TPHCM) vào cuối năm 2006. Trong 6 tháng đầu năm nay, SAMCO đã thực hiện được 31 khóa đào tạo cho hơn 400 lượt lao động, với tổng kinh phí gần 40 triệu đồng.

Ông Nguyễn Tiến Dũng cho rằng: “Sự thăng tiến của doanh nghiệp không chỉ phụ thuộc vào chính sách kinh doanh đón đầu mà còn phụ thuộc rất lớn vào chính sách lao động. Một doanh nghiệp làm ăn giỏi phải biết quan tâm, chăm sóc đội ngũ lao động. Đó mới là văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp”. Thực tế, nó còn là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp, nếu muốn phát triển bền vững. Điều đó được thống nhất từ lãnh đạo đến người lao động đúng như slogan của doanh nghiệp “Chung một tầm nhìn, vượt lên phía trước”. 

Hoàng Nguyên

Tin cùng chuyên mục