Ngày cận tết, trong tiết trời se lạnh, chúng tôi sang quận 4, vừa qua khỏi ngã ba Bến Vân Đồn - Nguyễn Khoái, gặp bà Sáu Đẹt (Nguyễn Thị Viết, 55 tuổi) đang co ro bên chiếc xe đẩy có cái dù dựng sát lề đường.
Bà Sáu xé hộp giấy carton để lót ngồi, cho hay, với chiều dài hơn 1m, miếng giấy carton đó sẽ là chiếc chiếu cho bà nằm đêm nay.
Cầm 2 bịch cơm mà ai đó vừa cho, bà Sáu kể: “Trước đây, tôi trú ở gầm cầu Dừa, nhưng mấy chú dân phòng đuổi hoài, nên dọn về đây. Mấy bữa nay, chưa thấy ai nói gì, nhưng trước sau gì cũng lại phải đi. Vợ chồng tôi sống ở lề đường mấy chục năm nay rồi, từ khi 4 đứa con của tôi còn nhỏ xíu, bây giờ tôi đã có 3 cháu nội, 3 cháu ngoại”. Thấy chúng tôi hỏi chuyện bà Sáu, 2 bé trai da đen nhẻm đang ngồi tô màu bức tranh trên giấy nhào tới hóng chuyện. Bà Sáu nói tiếp: “Mấy đứa này là cháu ngoại của tôi đó. Thằng anh 11 tuổi, thằng kia 6 tuổi. Ba má tụi nó đi làm. Cả ngày 2 đứa nó theo tôi lượm ve chai ở mấy công trình”.
Những ngày này, nhà nhà đang sắm sửa thực phẩm tết, riêng bà Sáu Đẹt thì chẳng chuẩn bị gì. Cái xe đẩy của bà cũng có nồi, có lò, nhưng lạnh tanh, nguội ngắt.
Bà Sáu Đẹt cho biết: “Bà con quanh đây cũng thương tình cho gạo, thịt, bánh, mứt… Vậy là quý rồi. Tôi mong đến tết, chẳng phải để ăn tết, mà để đi lượm ve chai, ngày tết bao giờ cũng có nhiều ve chai hơn”.
Ở bến sông dưới chân cầu Bình Lợi (phường 13, quận Bình Thạnh), ngày cận tết chỉ còn 3 chiếc ghe nhỏ mục nát neo đậu, gần chục chiếc ghe khác đã nhổ sào đi bến khác.
Ông Tư Minh sắp xếp lại mấy tấm lưới để chuẩn bị đi bắt cá trên sông
Ông Tư Minh (Nguyễn Văn Minh, 59 tuổi) đang ngồi trên ghe lui cui sửa lưới cá. Ông không có vợ con, sống một mình với 2 con chó. Nghe chúng tôi hỏi chuyện, ông Tư Minh nói: “Gia đình tôi về đây khoảng năm 1979, gần 40 năm rồi. Hồi ấy bến sông rất hoang sơ, không một bóng người, cỏ mọc um tùm. Cả gia đình tôi làm nghề bắt cá trên sông. Cá bắt được thì đem lên chợ trên cầu Bình Lợi bán. Sau, anh em tụi tôi tứ tán, ba má tôi chia cho mỗi người con một ít tiền. Tôi mua chiếc ghe nhỏ và về neo ở bến sông này sống đến nay. Tuy không có tạm trú nhưng chính quyền địa phương cũng quan tâm, hàng năm đều ra bến sông tặng quà tết, gạo, đường, dầu ăn, nước mắm…, cũng thấy chút ấm áp trong ngày tết”.