Lớp cha trước, lớp con sau…

Lớp cha trước, lớp con sau/Đã thành đồng chí, chung câu quân hành. Hai câu thơ quen thuộc trong bài thơ Tiếng hát sang xuân của nhà thơ Tố Hữu hoàn toàn chính xác khi nói về gia đình có đến 3 thế hệ quân nhân của Đại tá Nguyễn Công Sơn, Phó Chính ủy Vùng 4 Hải quân.   
Lớp cha trước, lớp con sau… ảnh 1 Gia đình Đại tá Nguyễn Công Sơn
Từ người cha quân nhân
Ít ai biết rằng, người sĩ quan hải quân can trường ấy đã từng phải nuốt nước mắt để hoàn thành nhiệm vụ mà không kịp về chịu tang bố. Ông cụ, một quân nhân đã phục vụ quân đội đến tận lúc nghỉ hưu, đã qua đời mà không kịp gặp mặt cả 2 con trai của mình, lúc ấy đều đang lênh đênh trên biển. Em trai út của ông Nguyễn Công Sơn lúc ấy cũng đang làm nhiệm vụ trên tàu trực chiến ở đảo Sinh Tồn.
Ông Sơn bùi ngùi nhớ lại: “Năm 2013, tôi cùng đoàn công tác đi kiểm tra toàn diện quần đảo Trường Sa. Tàu Trường Sa 20 của chúng tôi có hải trình 60 ngày. Tôi mới đi được hơn 10 ngày thì ngày 12-3 cụ mất. Đi công tác thì chỉ khi lên đảo, tôi chủ động gọi về thôi, chứ gia đình không thể liên lạc được. Lúc cụ mất, tôi đang ở đảo Colin. Bà xã nhà tôi không gọi được, phải nhắn lại cho tôi qua đồng đội. Nhưng đến khi biết tin rồi thì cũng không thể về được, mãi đến ngày 28-3 tôi mới về đến nhà. Mẹ tôi buồn lắm, vì cả hai con trai đều đi công tác vắng, tôi lại là con trai trưởng. Bà cụ buồn, nhưng hiểu và thương các con. Vợ và các chị em của tôi, họ mạc và đơn vị đã lo lắng chu toàn thay cho anh em tôi. Bố tôi năm đó 80 tuổi”.  
Những kỷ niệm về người cha nhân hậu, suốt đời phục vụ quân ngũ làm giọng ông Sơn trầm xuống: “Bố tôi có 9 năm ở chiến trường miền núi, là đại đội trưởng đại đội đặc công. Những năm tháng cuối đời, bố tôi được chẩn đoán là bị liệt thành tủy não. Có lần tôi đưa cụ vào viện, cụ không nói được nên viết ra giấy, đưa cho bác sĩ, kể về việc 2 lần đơn vị của cụ trực tiếp hứng chịu “mưa” chất độc hóa học. Đại đội của cụ đã 2 lần phải thay gần như toàn bộ quân số, bản thân cụ cũng bị thương 2 lần, nhưng may mắn vẫn trụ được. Sau này cơ tay của cụ cũng không hoạt động được, không viết được nữa. Nhưng trước khi đi công tác, tôi vào chào, thấy mắt cụ vẫn lấp lánh tinh tường lắm, thế mà chỉ hơn 10 ngày sau, chưa kịp về thì cụ mất”.
... đến người vợ và những cậu con trai - chiến sĩ
Người vợ mà ông Sơn chỉ nhắc thoáng qua nhưng đầy trìu mến và biết ơn trong câu chuyện kể với tôi chiều hôm ấy là chị Hà Thị Vân, cán bộ Phòng Chính trị, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân. Con trai cả của ông - Nguyễn Hà Hải, sinh năm 1991, tốt nghiệp Học viện Hải quân, đã trưởng thành và được bổ nhiệm làm Thuyền phó Tàu bệnh viện 561. Cậu thứ, Nguyễn Công Huân, sinh năm 1996, nhập ngũ tháng 9-2014, đã hoàn thành khóa thực tập ở đảo Trường Sa... Điều thú vị là Nguyễn Công Huân đã được chính anh trai Nguyễn Hà Hải, trong chuyến tàu chở khách đầu tiên của Hải, đưa ra đảo để thực hiện nhiệm vụ. Hai anh em Hải và Huân đã ngủ cùng nhau những đêm trên tàu - những đêm đáng nhớ với cả hai người trong cuộc đời quân ngũ và trong tình anh em ruột thịt. Nghe nói, trong dịp sinh nhật lần thứ 19 của mình trên đảo, Huân đã được anh mang bánh ngọt từ đất liền ra tặng. Hiện Huân đã trở về đất liền và nhập học tại Học viện Hải quân.
“So với những ngày đầu đi biển của tôi, phương tiện hàng hải bây giờ đã hiện đại hơn rất nhiều. Ngày đó đã có những lần tàu gặp bão, không “bắt” được đảo. Máy đo tốc độ là loại máy tính đường, rất thô sơ, dùng… một sợi dây. Áp lực nước khi tàu chạy đẩy vòng dây quay. Người điều khiển nhân số vòng quay với độ dài và tính thời gian để ước lượng tốc độ. Trong điều kiện sóng gió, cách tính này không còn chính xác nữa. Bây giờ Hải và Huân đã được rèn luyện trong môi trường chính quy, hiện đại hơn nhiều. Tôi hy vọng, các “đồng chí con” đều sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ”, Đại tá Công Sơn vui vẻ nói với chúng tôi.

Tin cùng chuyên mục