Gia cầm nhập lậu qua biên giới

Lực lượng chống buôn lậu chưa quyết liệt ngăn chặn

VIỆT LAN
Lực lượng chống buôn lậu chưa quyết liệt ngăn chặn

Từ đầu tháng 3 đến nay, tình trạng gia cầm nhập lậu từ bên kia biên giới Trung Quốc tràn vào Việt Nam qua các cửa khẩu biên giới Lạng Sơn, Móng Cái (Quảng Ninh), Lào Cai... đã trở nên rất nhức nhối; nhất là khi dịch cúm gia cầm đang có nguy cơ tái phát. Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT-Bộ Thương mại) Nguyễn Mạnh Hùng đã bày tỏ sự bức xúc như vậy trong cuộc trao đổi với SGGP. Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết:

Lực lượng chống buôn lậu chưa quyết liệt ngăn chặn ảnh 1

Lượng gia cầm nhập lậu bị bắt giữ tại xã Dĩnh Kế, Bắc Giang quá nhỏ so với thực tế.

Tuy dịch cúm gia cầm và cúm A (H5N1) ở người đã được khống chế nhưng mầm bệnh cúm gia cầm vẫn còn tồn tại và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, nhất là ở các địa phương đã xảy ra dịch.

Chúng tôi đã yêu cầu các Chi cục QLTT các địa phương chủ động và phối hợp với các ngành chức năng theo dõi sát sao tình hình, diễn biến dịch cúm và tổ chức quản lý chặt chẽ việc giết mổ, vận chuyển, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhằm ngăn chặn dịch cúm tái phát.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc tiêu thụ gia cầm ở một số nơi có biểu hiện chủ quan; trong khi khả năng lây dịch từ nước ngoài vào rất lớn. Hiện nay diễn biến dịch cúm gia cầm trên thế giới đang rất phức tạp, dịch tiếp tục xuất hiện ở một số nước, ngay bên cạnh nước ta là Trung Quốc hiện cũng đang có dịch.

- PV: Thực tế đang có tình trạng gia cầm từ Trung Quốc đang tràn qua biên giới vào thị trường nội địa. Các cơ quan chức năng chống buôn lậu làm gì trước tình trạng này, thưa ông?

- Phó Cục trưởng Nguyễn Mạnh Hùng:
Tôi đã trực tiếp lên Lạng Sơn trong mấy ngày qua để kiểm tra tình hình. Đúng là hiện nay có một hiện tượng rất đáng báo động là tình trạng gà thải loại của Trung Quốc được nhập lậu vào Việt Nam rất nhiều. Chỉ trong vòng nửa đầu tháng 3, các lực lượng chống buôn lậu đã phát hiện và xử lý 18 vụ gia cầm nhập lậu, tịch thu và xử lý trên 10,5 tấn gia cầm, gần 10.000 quả trứng.

Trong đó, riêng lực lượng QLTT kiểm tra, xử lý 7 vụ, tịch thu gần 5 tấn gia cầm. Nhìn chung, các đối tượng buôn lậu đã sử dụng rất nhiều thủ đoạn để vận chuyển, thậm chí, đội quản lý thị trường số 2 của Chi cục QLTT Lạng Sơn còn bắt được một vụ đối tượng buôn lậu sử dụng xe goòng tự tạo để vận chuyển gia cầm trên tuyến đường sắt.

Với mức giá chênh lệch “siêu lợi nhuận”: mua gà từ Trung Quốc với giá 5.000 đồng/kg, sang đến Lạng Sơn đã tăng lên 15.000 – 20.000 đồng/ kg và vào sâu trong thị trường nội địa, đặc biệt là Hà Nội thì giá gà đã lên tới 50.000 đồng/kg, nên những đối tượng buôn lậu lao vào buôn gà, không quan tâm đến mối nguy lây dịch từ bên kia biên giới.

- Ngày 17-3, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện tăng cường phòng chống dịch cúm gia cầm tái phát, trong đó có nêu rõ việc kiểm soát vận chuyển gia cầm qua biên giới. Vậy việc phòng chống gia cầm nhập lậu qua biên giới có chuyển biến chưa, thưa ông?


- Với diễn biến nhập lậu căng thẳng trong thời gian qua, theo tôi, việc chống gia cầm nhập lậu qua biên giới giữa các cơ quan có chức năng như biên phòng, hải quan, công an... chưa được “mặn mà”. Muốn phòng chống thì phải “chặn” từ biên giới, còn khi gà vào Việt Nam rồi thì việc đấu tranh với người buôn bán, kinh doanh rất khó, chưa kể đến yếu tố không thể phân biệt được gà ta với gà Trung Quốc. Đây là vấn đề chúng tôi muốn cảnh báo chung.

Mặt khác, các lực lượng chống buôn lậu như chúng tôi hiện không được trang bị bảo hộ, khi tiếp xúc trực tiếp với gia cầm rất nguy hiểm, không bảo đảm an toàn tính mạng cho anh em. Chính phủ cấp kinh phí rất lớn để chống dịch, trong khi các cán bộ QLTT – một trong 3 lực lượng chính phòng chống dịch – lại không được trang bị bảo hộ.

- Để chống gia cầm nhập lậu, Cục QLTT có đặt ra vấn đề tăng cường lực lượng cho các địa bàn biên giới?

- Lực lượng QLTT ở địa phương chịu sự quản lý trực tiếp của các tỉnh, thành phố nên cục không có quyền điều động người từ địa bàn này sang địa bàn khác. Hiện nay nổi lên tình trạng gia cầm lậu thì chúng tôi chỉ có thể chỉ đạo các chi cục QLTT địa phương tập trung dồn toàn bộ lực lượng kiểm tra, kiểm soát vấn đề gia cầm. Nói chung là rất khó khăn, người thì ít, trong khi anh em không thể canh chừng 24/24h được.

- Trước tình trạng gia cầm nhập lậu tràn vào Việt Nam chưa kiểm soát được, thị trường nội địa thì tràn ngập gia cầm chưa qua kiểm dịch, có nên đặt vấn đề siết chặt hoạt động buôn bán, tiêu dùng gia cầm trong thời điểm này không, thưa ông?


- Mọi vấn đề liên quan đến cúm gia cầm hiện nay do Bộ NN-PTNT chủ trì; ở góc độ thực hiện chức năng kiểm tra, kiểm soát ở khâu lưu thông, chúng tôi chỉ có kiến nghị đẩy mạnh tuyên truyền để người dân, một mặt không quá chủ quan, mặt khác cũng không nên hoang mang; vẫn có thể tiêu thụ gia cầm có kiểm soát của thú y.

Chỉ có điều, hiện nay các tỉnh, thành phố miền Bắc đang vào mùa cưới, cần đề phòng có những đường dây cung cấp gà nhập lậu từ biên giới, đưa thẳng vào các nhà hàng, khách sạn chuyên tổ chức đám tiệc; lúc đó thì người tiêu dùng chịu không thể phân biệt được. Còn vấn đề nhức nhối hơn, như tôi đã nói, đó là phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát ở biên giới.

- Xin cám ơn ông!

VIỆT LAN

TPHCM: Tịch thu gần 8.000 trứng gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc

15 giờ ngày 23-3, từ nguồn tin phản ánh của người dân, Chi cục Thú y TPHCM phối hợp Đoàn kiểm tra liên ngành UBND phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú kiểm tra căn nhà 437 Vườn Lài, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú phát hiện gần 8.000 quả trứng gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc. Theo lời khai ban đầu của chủ nhà Đỗ Huy Đồng, số hàng trên của Nguyễn Duy Luận (SN 1975, tỉnh Hải Hưng) nhưng theo lời khai Nguyễn Duy Luận số hàng trên do một người tên Sơn đưa từ ngoài Bắc vào giao lại. Khi đoàn kiểm tra khui thùng hàng trên một số bốc mùi hôi thối. Được biết, Luận đưa hàng vào TP tiêu thụ không chỉ địa chỉ trên mà còn ít nhất 3 địa điểm khác.

* Đêm 23-3, tại Phiêng Quăn (huyện Lộc Bình) và phường Tam Thanh (TP Lạng Sơn), lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn đã bắt giữ 2 vụ mua bán, vận chuyển gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc. Tổng số gà thu giữ thiêu hủy là 800 kg, xử phạt 1 vụ 750.000 đồng, vụ còn lại chủ hàng bỏ trốn. Tuy UBND tỉnh Lạng Sơn đã có công văn chỉ đạo tăng cường công tác phòng chống gia cầm nhập lậu nhưng theo phản ánh của nhiều người dân, các đội kiểm soát liên ngành hiện vẫn “ngại” bắt giữ gà.

* Tại Bắc Giang, mỗi đêm quốc lộ 31 đoạn xã Dĩnh Kế (thành phố Bắc Giang), những chiếc xe tải trọng lượng 1,25 tấn đậu lại bên đường để “đổ” gà. Từng chiếc lồng to lần lượt được những thanh niên lực lưỡng vận chuyển từ trên ô tô xuống. Theo ước tính, mỗi xe chở được lượng gia cầm khoảng 1,5 tấn. Tất cả số gia cầm trên nhanh chóng được xé lẻ ra các xe máy đã chầu chực sẵn ở đó, rồi “tăng bo” theo nhiều hướng khác nhau ngay trong đêm. Trong khi rất nhiều người lo lắng trước thực trạng này, thì ông Nguyễn Duy Chiến, Phó đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 (thành phố Bắc Giang) lại cho biết: từ Tết Nguyên đán Bính Tuất đến nay, tức là ngay sau khi UBND tỉnh ra quyết định công bố hết dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh, cơ quan chức năng chưa bắt được vụ buôn lậu gia cầm nào. Lý do ông Chiến đưa ra là không có thông tin về các chuyến buôn lậu gia cầm. Hơn nữa, đội chỉ cử cán bộ giám sát địa bàn vào ban ngày, còn ban đêm thì không thể quản lý được.

V.T.-Q.H.

Tin cùng chuyên mục