Năm học 2010-2011 là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT quyết định lồng ghép nội dung giáo dục kỹ năng sống vào chương trình chính khóa bậc học phổ thông. Đội ngũ giáo viên đóng vai trò không nhỏ trong việc hoàn thành “sứ mạng” lồng ghép nội dung giáo dục kỹ năng sống cho học sinh (HS). Tuy nhiên, để làm được công tác này, đòi hỏi giáo viên phải có trình độ nhất định và được trang bị kiến thức, phương pháp giáo dục.
Chưa được đào tạo bài bản
Giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm đóng vai trò quan trọng trong việc “kết nối” giữa nhà trường với HS và phụ huynh. Không chỉ có vậy, giáo viên bộ môn và giáo viên chủ nhiệm giống như người bạn thường xuyên tiếp xúc, gần gũi với HS. Do đó, chính giáo viên mới là kênh truyền đạt những mong muốn, suy nghĩ của HS, biết rõ HS mình cần gì, thiếu gì.
TS tâm lý Võ Văn Nam, giảng viên ĐH Sư phạm TPHCM, cho biết: “Thực tế hiện nay, đội ngũ giáo viên, đặc biệt là các giáo viên trẻ vẫn chưa được đào tạo bài bản và chưa qua các khóa học rèn luyện về kỹ năng sống cho HS”.
Tại buổi tập huấn “Tăng cường giáo dục kỹ năng sống trong một số môn học và hoạt động giáo dục ở trường phổ thông” cho hơn 700 giáo viên của 23 tỉnh thành phía Nam do Bộ GD-ĐT tổ chức đầu năm học, nhiều giáo viên chia sẻ: Việc lồng ghép giáo dục kỹ năng sống vào các môn học chính khóa cho HS không khó, cái khó là nhà trường và ngành giáo dục cần xác định vai trò của người giáo viên và phương pháp giảng dạy như thế nào cho đạt hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Yến Trinh, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Khai Nguyên, cho biết: “Bộ GD-ĐT và các sở chỉ đạo các trường tăng cường dạy kỹ năng sống cho HS, nhưng không định hướng cho các trường phải triển khai cụ thể như thế nào, đào tạo giáo viên ra sao mà chỉ dừng lại ở việc yêu cầu lồng ghép vào các môn học”.
Theo bà Trinh, bản thân giáo viên trẻ ra trường còn thiếu kỹ năng sống thì làm sao họ có đủ kiến thức, kinh nghiệm và biết cách giáo dục HS? Những giáo viên mới ra trường có nhiệt huyết, tuổi đời trẻ nên dễ gần gũi, thân thiện với HS. Tuy nhiên, chính vì quá trẻ nên đôi khi họ chưa có kinh nghiệm xử lý tình huống phức tạp, đặc biệt là lời nói. “Chúng ta giao cho giáo viên trọng trách, nhưng lại quên trang bị cho họ cẩm nang cần có” - bà Trinh trăn trở.
Học để biết cách dạy
Ban giám hiệu Trường THPT Trần Khai Nguyên vừa mời các chuyên gia về trường nói chuyện với đội ngũ giáo viên chủ nhiệm và làm công tác Đoàn với chuyên đề “Phương pháp giảng dạy kỹ năng sống cho trẻ vị thành niên”. Cô Đinh Thị Mỹ Hạnh, tổ trưởng tổ văn của trường, chia sẻ: “Sau khi tham gia khóa học này, giáo viên chúng tôi mới được trang bị các nguyên tắc khi dạy kỹ năng sống; cách thiết kế một bài học kỹ năng sống, cung cấp phương pháp giảng dạy cũng như cách tổ chức một giờ dạy kỹ năng sống cho học sinh”.
Cô Bùi Thị Ngọc Thoan, giáo viên chủ nhiệm lớp 11A2 nói: “Qua khóa học này, chúng tôi không còn cảm thấy lúng túng khi lồng ghép hay triển khai việc dạy kỹ năng sống đến HS. Thậm chí, chúng tôi hoàn toàn tự tin tổ chức 1 giờ học kỹ năng sống thực sự và có thể truyền đạt qua nhiều kênh: kịch, thơ, bài hát, chứ không đơn thuần là liên hệ thực tế hay lồng ghép các bài giảng của môn học mình phụ trách”.
Theo cô Thoan, bản thân giáo viên lại không hiểu và không có phương pháp dạy kỹ năng sống một cách bài bản thì khó lòng giúp HS lĩnh hội được hết giá trị của kỹ năng sống.
Ở cấp THPT, năm học này, bộ đã phát hành 5 cuốn tài liệu kỹ năng sống dạng lồng ghép qua các bộ môn đặc thù: giáo dục công dân, ngữ văn, sinh học, địa lý và hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Tuy nhiên, nhiều HS than thở, nếu chỉ học kỹ năng sống qua việc lồng ghép các môn học sẽ không hấp dẫn.
Đông Thức, HS lớp 10A10 Trường THPT Trần Khai Nguyên nói: “Nếu được học qua các tình huống cụ thể, sinh động và gần gũi từ cuộc sống, em sẽ dễ dàng tiếp thu hơn. Ví dụ như trong giờ sinh hoạt chủ nhiệm, cô giáo cho cả lớp xem 1 vở kịch, sau đó chia nhóm thảo luận, nhập vai xử lý tình huống. Qua tiết học này, em học được kỹ năng giải quyết mâu thuẫn”.
Ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Công tác học sinh - sinh viên, Sở GD-ĐT TPHCM, cho rằng, hiện nay, các trường khối ngoài công lập (tư thục, dân lập) lại là nơi mạnh dạn đầu tư tập huấn kỹ năng sống cho cả giáo viên và HS. Trong khi đó, các trường khối công lập không có đủ kinh phí để thực hiện như vậy. Ngoài ra, ban giám hiệu nhiều trường công lập hiện nay chưa quan tâm đến việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Các trường chỉ chăm bẵm cho việc dạy chữ, thi đua “lập thành tích” mà vô tình quên đi trọng trách dạy người.
TS tâm lý Võ Văn Nam chia sẻ: “Giáo viên đóng một nhân tố quan trọng trong việc rèn luyện đạo đức, tư cách của HS, đặc biệt trong rèn luyện kỹ năng sống. Nếu không hiểu kỹ năng sống là gì và phương pháp giáo dục như thế nào, giáo viên không thể giúp HS lĩnh hội hết giá trị cũng như ý nghĩa của kỹ năng sống. Hiện nay, tình trạng bạo lực học đường không chỉ xảy ra ở HS mà ngay cả bản thân giáo viên cũng bắt đầu có những hành vi, lời nói bạo lực, xúc phạm nhân cách HS. Điều này cho thấy, bản thân giáo viên cũng đã thiếu hụt kỹ năng sống một cách trầm trọng”.
Theo TS Nam, kỹ năng sống không phải hình thành ngày một, ngày hai cũng không thể tự nhiên có được mà do cá nhân hình thành qua quá trình học tập, lĩnh hội và trải nghiệm trong cuộc sống. Do đó, nhà trường, ngành giáo dục cần có kế hoạch đầu tư lâu dài và triển khai một cách bài bản, cụ thể đến từng giáo viên. Từ đó, các giáo viên mới có thể làm tốt việc dạy chữ đi đôi với dạy người.
Nguyễn Thủy - Anh Khoa