Khắc phục hậu quả cơn bão số 1

Lúng túng trong việc chi tiền hỗ trợ

Báo cáo việc chi tiền hàng cứu trợ cơn bão số 1 trước ngày 15-8

Ngày 9-8, tại thị xã Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, Bộ Thủy sản, UBMTTQ Việt Nam đã tổ chức hội nghị giao ban triển khai Chỉ thị 22 của Thủ tướng Chính phủ và đánh giá tiến độ khắc phục hậu quả cơn bão số 1.

Nhiều vấn đề bức xúc về an toàn nghề cá đối với ngư dân đã được các bộ, ngành trung ương và các địa phương đưa ra. Tuy nhiên, vấn đề “nóng” nhất tại hội nghị lại là vấn đề phân bổ nguồn kinh phí ủng hộ và quyên góp của đồng bào trong và ngoài nước cho các gia đình có người thân bị chết và mất tích cũng như thiệt hại về tài sản.

  • Nhiều hỗ trợ thiết thực

Trong cơn bão số 1, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi là ba địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất về người và của, vì vậy mà tâm điểm của hội nghị cũng chú trọng đến công tác khắc phục ở các địa phương này.

Ông Trần Phước Chính, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết: Đến nay, Đà Nẵng nhận được trên 21,3 tỷ đồng từ các cơ quan, đơn vị, cá nhân ủng hộ. Thành phố đã tiến hành trợ cấp ban đầu là 5 triệu đồng/người chết với tổng số tiền 344 triệu đồng; hỗ trợ 10 chủ tàu có tàu chìm, mất tích 530 triệu đồng; hỗ trợ những gia đình có người chết, mất tích có con em còn đi học trên 325 triệu đồng… với số tiền thực chi là gần 3,5 tỷ đồng. Ngoài ra, cũng đã giao các sở, ngành hoàn tất thủ tục chi hoặc hỗ trợ phương tiện để phục vụ ngư dân tiếp tục đánh bắt xa bờ trên 7,5 tỷ đồng.

Còn theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang, tính đến ngày 31-7, tỉnh này đã nhận được 16,7 tỷ đồng (chưa tính số tiền các tổ chức, cá nhân ủng hộ trực tiếp đến tận các gia đình); đã chi trên 3,5 tỷ đồng cho các gia đình có người thân bị chết, mất tích, bị thương, tàu mất tích, tàu hỏng… Đồng thời, từ nguồn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đã chi 780 triệu đồng cho 11 đơn vị và 41,55 tấn gạo (trong số hơn 600 tấn gạo chi viện).

Tại tỉnh Quảng Ngãi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trương Ngọc Nhi cho biết, đến thời điểm hiện tại, tỉnh này nhận được gần 13 tỷ đồng, trong đó, Trung ương hỗ trợ 6 tỷ đồng. Tuy nhiên, Quảng Ngãi mới chỉ hỗ trợ gần 640 triệu đồng cho việc tặng sổ tiết kiệm, thăm các gia đình nạn nhân, hỗ trợ xây nhà mới... Số kinh phí dùng mua BHYT, sửa chữa nhà, dạy nghề dài hạn, hỗ trợ tàu chìm... khoảng 3,072 tỷ đồng nhưng chưa hỗ trợ (!).

  • Lúng túng trong việc chi tiền hỗ trợ

Tính toán sơ bộ số tiền hỗ trợ còn tồn đọng tại các địa phương và UBMTTQ Việt Nam là trên 44 tỷ đồng (chưa kể bạn đọc các cơ quan báo chí ủng hộ). Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương Lê Huy Ngọ nêu lên một thực tế không mấy hợp lý sau bão là từ UBMTTQ Việt Nam cho tới các cơ quan, chính quyền địa phương, thậm chí cả Ban chỉ đạo chỉ mới biết kêu gọi, phát động, động viên tấm lòng tương thân tương ái của đồng bào trong nước và ngoài nước mà không nghĩ rằng số tiền cứu trợ quá lớn, không đưa ra được biện pháp giải ngân, không tổ chức quản lý ngay từ đầu, nên để xảy ra tình trạng tồn đọng. Chính vì vậy ngay cả Ban chỉ đạo và các địa phương rất lúng túng về vấn đề này.

Lý giải vấn đề phân chia chậm, ông Trần Phước Chính, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết: Về công tác hỗ trợ nóng đợt đầu rất thuận lợi. Tuy nhiên càng về sau càng phức tạp, ngay cả các cơ quan tham mưu cho thành phố cũng lúng túng. Chia cho nhanh hết số tiền đó thì không khó lắm, nhưng chia làm sao cho đảm bảo công bằng, hiệu quả thì quả là nan giải. Ngoài ra, về các chủ tàu có tàu bị hư hỏng, bị chìm, mất tích thành phố phải có xác minh, điều tra đánh giá chất lượng, xem xét mức độ bảo hiểm… rồi mới có quyết định hỗ trợ nên mất nhiều thời gian.

Nhưng lúng túng nhất có lẽ là Quảng Nam, phần lớn những người bị chết, mất tích là những lao động trụ cột. Mà lâu nay, các chị, các mẹ chỉ ở nhà trông chờ chủ yếu vào chồng, cha đi biển. Quảng Nam đã lên phương án đào tạo nghề cho mẹ, vợ, con những nạn nhân này nhưng muốn vậy phải tham khảo từng ý kiến của họ xem có thể làm gì được. Ban đầu định xây dựng cơ sở chế biến thủy sản, nhưng khi thống kê không phải ai cũng muốn làm. Quan điểm là tạo công ăn việc làm lâu dài nhưng phải có giải pháp cụ thể nên không thể ngày một, ngày hai là có thể giải ngân xong, chính vì vậy tiền thì nằm sẵn trong két nhưng phải chờ Quảng Nam tìm phương án…

Còn theo ông Trương Ngọc Nhi, số tiền còn tồn của Quảng Ngãi trên 9,9 tỷ đồng sau khi đã thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với các gia đình nạn nhân, phần kinh phí còn lại sử dụng thành lập quỹ hỗ trợ khắc phục thiên tai do UBND tỉnh quản lý và dành cho một phương án hỗ trợ thiên tai lâu dài đã phê duyệt (!?)

Báo cáo việc chi tiền hàng cứu trợ cơn bão số 1
trước ngày 15-8
Ngày 9-8, Văn phòng Chính phủ có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và các Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tài chính thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu báo cáo tình hình quản lý, phân phối tiền hàng cứu trợ cho ngư dân bị thiệt hại do cơn bão số 1 (Chanchu) gây ra. Cụ thể, các tỉnh, thành phố trên có báo cáo cụ thể về tình hình tiếp nhận, công tác quản lý và phân phối tiền hàng cứu trợ cho các hộ dân bị thiệt hại trong cơn bão số 1 vừa qua, gửi Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15-8-2006.

HÀ MINH

Tin cùng chuyên mục