Giải pháp giảm thất thoát trong đầu tư xây dựng công trình

“Lượng thống nhất, giá chỉ đạo, phí cạnh tranh”

“Lượng thống nhất, giá chỉ đạo, phí cạnh tranh”

Thất thoát, lãng phí trong xây dựng hiện đang là vấn đề bức xúc, nguyên nhân cơ bản là cơ chế quản lý vốn đầu tư còn nhiều bất hợp lý. Các chuyên gia Bộ Xây dựng mới đây đã “trình làng” bản dự thảo đề án “Đổi mới cơ chế quản lý chi phí trong đầu tư xây dựng” được nhiều người quan tâm.

  • Không nên có chỉ tiêu “khuôn vàng thước ngọc”...
“Lượng thống nhất, giá chỉ đạo, phí cạnh tranh” ảnh 1

Cầu Văn Thánh 2, một công trình thi công kém chất lượng, gây lãng phí. Ảnh: Đ.V.D.

Dự thảo Đề án “Đổi mới cơ chế quản lý chi phí trong đầu tư xây dựng” đề xuất một lộ trình gồm 2 giai đoạn đến năm 2010. Theo đó, từ nay đến hết năm 2007 là giai đoạn thiết lập thể chế; từ năm 2008 đến 2010 là giai đoạn vận hành cơ chế đổi mới. “Lượng thống nhất, giá chỉ đạo, phí cạnh tranh” được coi là mục tiêu chung của đổi mới cơ chế quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Trong khi có sự đồng thuận về nguyên tắc “lượng thống nhất” –được hiểu là hoàn thiện, thống nhất áp dụng hệ thống các tiêu chuẩn, quy phạm kỹ thuật - thì khái niệm “giá chỉ đạo” lại là một chủ đề tranh luận mạnh giữa các chuyên gia trong ngành.

Theo TS Trần Trịnh Tường, Tổng Thư ký Hội Kinh tế xây dựng Việt Nam, đặc điểm của sản phẩm xây dựng là sản xuất ngoài trời, thời gian sản xuất hàng năm (không như những sản phẩm công nghiệp) nên những chỉ tiêu như tổng mức đầu tư, tổng dự toán, dự toán không thể chính xác ngay từ đầu như những “khuôn vàng thước ngọc”.

Bên cạnh đó, hệ thống giá hiện nay có nhược điểm là giá dự thầu được tính toán không phải trên cơ sở đơn giá nội bộ mà dựa vào đơn giá do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước ban hành cũng như các định mức chi phí đều tính theo tỷ lệ được quy định đối với việc lập dự toán hạng mục công trình hay tổng dự toán công trình. Điều này dẫn đến việc giá dự thầu không phản ánh đúng thực tế chi phí xây dựng của nhà thầu; nhà thầu không thể vận dụng các khả năng cạnh tranh riêng của mình nên luôn phải bỏ giá thầu thấp hơn dự toán từ 10 – 20%, thậm chí thấp hơn nữa để giành được gói thầu! 

  • Cần tăng phí giám sát...

Không nghi ngờ gì, phân cấp quản lý và tăng cường giám sát là hai giải pháp được đề xuất để tăng cường hiệu quả đầu tư, giảm thất thoát trong xây dựng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Cảnh Chất, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam, ở nước ta hiện có tình trạng lẫn lộn giữa nhiệm vụ giám sát của chủ đầu tư (với tư cách khách hàng) và giám sát tại hiện trường (công việc của tư vấn).

Phí trả cho giám sát của chủ đầu tư thuộc loại trả cho dịch vụ cơ bản, còn phí trả cho việc giám sát liên tục được xem là trả cho dịch vụ đặc biệt tính theo thời gian. Mức phí giám sát liên tục được quy định tại Việt Nam hiện nay nói chung còn thấp (chỉ xấp xỉ 60% so với các nước trong khu vực), trong khi vốn đầu tư không được đảm bảo theo kế hoạch và tiến độ; thanh quyết toán khó khăn, nhà tư vấn bị thiệt thòi, dẫn đến chất lượng giám sát không bảo đảm.  

  • Đổi mới: nên quy về một mối

Bàn về phương hướng đổi mới cơ chế quản lý giá, chi phí xây dựng, GSTS Nguyễn Đăng Hạc, thuộc Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, công tác này cần quy về một mối, tránh tình trạng chồng chéo như hiện nay: cơ quan kế hoạch- đầu tư ban hành quy định về tổng mức đầu tư; cơ quan xây dựng ban hành tổng dự toán; trong khi việc thanh toán, quyết toán vốn đầu tư do cơ quan tài chính quản lý.

GS Hạc nhấn mạnh, cần quy định giá sàn cho đấu thầu, nghĩa là giá dự thầu của nhà thầu không được thấp hơn giá thành hợp lý của gói thầu. “Một khi thực hiện nghiêm chỉnh chế độ bảo lãnh đấu thầu và bảo lãnh thực hiện hợp đồng thì nhà thầu phải suy nghĩ kỹ khi quyết định báo giá dự thầu cũng như tăng cường hạch toán giá thành để có cơ sở bỏ giá dự thầu không thấp hơn giá thành, rồi sau đó tìm cách khác để có lãi”, ông nói.

Một yêu cầu khác không thể thiếu là song song với một cơ chế “mềm” hơn (đồng nghĩa việc trao đầy đủ trách nhiệm phê duyệt và thực hiện các chỉ tiêu về chi phí xây dựng, kể cả những sai lệch do phát sinh hợp lý trong quá trình thực hiện cho người quyết định đầu tư) phải có các chế tài để xử lý nghiêm theo pháp luật các biểu hiện tham ô, tham nhũng hoặc lợi dụng chức vụ quyền hạn trong công tác này.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục