Lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ thông qua PNTR với Việt Nam

° Việt Nam hoan nghênh Quốc hội Hoa Kỳ thông qua PNTR với Việt Nam
Lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ thông qua PNTR với Việt Nam

° Việt Nam hoan nghênh Quốc hội Hoa Kỳ thông qua PNTR với Việt Nam

Ngay sau khi Hạ viện Hoa Kỳ thông qua Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với Việt Nam sáng 9-12, Thượng viện Hoa Kỳ cũng đã thông qua với 79 phiếu thuận, 9 phiếu chống. Ngay sau đó PNTR đã được gửi lên để Tổng thống G.W.Bush phê chuẩn.

Thượng nghị sĩ Max Baucus thuộc Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ, một trong số các nghị sĩ vận động mạnh mẽ để Quốc hội Mỹ thông qua PNTR với Việt Nam, nói: “PNTR đảm bảo cho hàng hóa của Mỹ vào thị trường Việt Nam”.

Lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ thông qua PNTR với Việt Nam ảnh 1
Quốc hội Hoa Kỳ trong phiên họp thông qua PNTR với Việt Nam.

Dự luật về PNTR với Việt Nam gồm các nội dung lớn: Hủy bỏ áp dụng đạo luật Jackson-Vanik áp dụng từ năm 1974 đối với Việt Nam, Quy định trình tự thủ tục để xác định các khoản trợ cấp không được phép, Quy định trách nhiệm tham vấn giữa hai nước liên quan tới vấn đề trợ cấp, Quy định sự tham gia và tham vấn của các bên liên đới trong các vụ điều tra về các trợ cấp không được phép, Quy định về công tác trọng tài và áp đặt hạn ngạch đối với những mặt hàng dệt may bị xác định có nhận các khoản các trợ cấp không được phép.

Phần cuối cùng của dự luật PNTR với Việt Nam nói về các khái niệm và định nghĩa của những thuật ngữ được sử dụng trong văn bản dự luật này.

Tổng thống Bush phát biểu ca ngợi Quốc hội Mỹ thông qua PNTR với Việt Nam, xem đây là “bước tiến có ý nghĩa trong quá trình bình thường hóa quan hệ hai nước đồng thời mang lại lợi ích cho cả 2 bên”. Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện, Đại diện Thương mại Mỹ Susan Schwab cho biết bà rất hài lòng trước việc Hạ viện thông qua dự luật về PNTR với Việt Nam. PNTR “sẽ cho phép hàng hóa của Mỹ tiếp cận thị trường Việt Nam hiện đang phát triển rất nhanh chóng và sẽ mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ giữa hai nước”. Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ Bruce Josten xem việc thông qua gói các dự luật thương mại, trong đó có dự luật về PNTR với Việt Nam, như một “món quà Giáng sinh sớm dành cho các công ty, người lao động và tiêu dùng ở Mỹ”.

Ngày 9-12, Hạ viện và Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua dự luật về Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) đối với Việt Nam. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Dũng đã ra tuyên bố bày tỏ quan điểm của Việt Nam về vấn đề này. Toàn văn tuyên bố như sau:

Việt Nam hoan nghênh việc Quốc hội Hoa Kỳ vừa thông qua PNTR đối với Việt Nam. Đây là một bước đi quan trọng góp phần thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, đáp ứng sự mong đợi của nhân dân hai nước.

Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, đánh dấu việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ song phương giữa hai nước, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế - thương mại. Đây là kết quả của những cố gắng to lớn của cả hai bên trong quá trình bình thường hóa quan hệ song phương cũng như mong muốn xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn nữa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Nhân dịp này, chúng tôi cảm ơn sự quan tâm và ủng hộ trực tiếp của cá nhân Tổng thống G.W. Bush, các quan chức chính quyền, các nghị sĩ Quốc hội, cộng đồng doanh nghiệp, người dân Mỹ cũng như cộng đồng người Việt Nam ở Hoa Kỳ, tất cả những người đã vận động tích cực cho việc thông qua Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn đối với Việt Nam. Chúng tôi hy vọng rằng Tổng thống G.W. Bush sẽ sớm tuyên bố chính thức áp dụng Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn đối với Việt Nam.

Việc thông qua PNTR sẽ mở đường cho cả hai bên thực hiện các cam kết của mình trong khuôn khổ các quy định của WTO và của Hiệp định song phương Việt Nam - Hoa Kỳ về việc Việt Nam gia nhập WTO, đồng thời mở ra những cơ hội hợp tác mới cho nhân dân hai nước, đặc biệt là cộng đồng kinh doanh.

Chúng tôi tin tưởng rằng với việc thông qua PNTR, những phát triển tích cực trong quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ thời gian qua sẽ tiếp tục được củng cố và thúc đẩy, góp phần đưa quan hệ hai nước theo hướng mối quan hệ đối tác xây dựng, hữu nghị, hợp tác nhiều mặt trên cơ sở bình đẳng, cùng tôn trọng lẫn nhau và hai bên cùng có lợi.

Vũ Minh - Bích Hằng

Tin cùng chuyên mục